Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Thoải mái và lúng túng với Google Adsense

Bộ Thông tin & Truyền thông vừa có yêu cầu các doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ quảng cáo của Google Adsense phải có giải pháp kỹ thuật và nhân sự đảm bảo khả năng kiểm soát 100% nội dung quảng cáo trên website của mình. Google Adsense là gì và tại sao Bộ lại có yêu cầu như vậy?

Những nhược điểm của quảng cáo kiểu cũ

Đối với quảng cáo kiểu cũ, người quảng cáo (doanh nghiệp) liên hệ với người đăng quảng cáo (báo điện tử, báo in) để đăng quảng cáo của mình trên báo in hoặc trang web và trả phí theo hợp đồng đã ký. Phương thức này có những nhược điểm:

-          Phần lớn quảng cáo đến không đúng đối tượng. Thí dụ: Mẩu thông báo chiêu sinh lớp MBA đăng trên báo mạng hoặc báo giấy sẽ đến với tất cả độc giả của báo, nhưng số lượng người quan tâm đến lớp MBA này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với toàn bộ độc giả.
-          Hiệu quả quảng cáo không rõ ràng. Người đăng quảng cáo không thể biết được có bao nhiêu người xem quảng cáo của mình, và trong đó bao nhiêu phần trăm trở thành khách hàng thực sự nhờ quảng cáo. Thế nhưng chi phí quảng cáo họ vẫn phải trả đủ, và thường là rất cao.
-          Người quảng cáo tốn nhiều công sức trong việc chọn đơn vị đăng quảng cáo: báo đó có độ lan tỏa mạnh không, đối tượng độc giả có phù hợp với đối tượng khách hàng của mình không, chi phí có hợp lý không. Chưa kể có thể có báo thích hợp để đăng quảng cáo mà họ lại không biết để liên hệ, hoặc có báo họ chọn nhưng không tiếp cận được vì nhiều lý do khác nhau


Google Adsense là một dạng quảng cáo của Google rất hiệu quả

Google Adsense được xem là một công cụ kiếm tiền hiệu quả

Google Adsense có thể tạm hiểu là quảng cáo theo ngữ cảnh, đây là một công cụ Google dành cho nhà đăng quảng cáo trên báo điện tử.

Google Adsense được Google đưa ra từ giữa năm 2003. Các nhà xuất bản web muốn có Google Adsense trên trang của mình sẽ đăng ký với Google qua mạng. Tiêu chuẩn chính để Google chấp nhận là trang web này có lượng người truy cập đủ cao, và một vài điều kiện khác như: không vi phạm bản quyền, không khiêu dâm, không chứa mã độc… (Xin chú ý rằng Google không yêu cầu trang web phải là báo điện tử hoặc trang tin điện tử, do đó trang web cá nhân hay blog vẫn có thể được chấp nhận nếu có lượng người đọc đủ cao và các điều kiện phụ như đã nêu).

Khi được chấp nhận Google sẽ cung cấp các đoạn mã để nhà thiết kế web đặt các vị trí quảng cáo trên trang web. Sau đó trong nguồn quảng cáo của mình, Google sẽ tự động chọn ra các quảng cáo phù hợp đặt vào các vị trí ấy. Bằng những thuật toán tinh vi, Google xác định “phù hợp” ở đây là:

-          Phù hợp với nội dung trang web: thí dụ trang web có nội dung du lịch thì sẽ là quảng cáo của khách sạn, resort, công ty du lịch…
-          Phù hợp với địa điểm truy cập: thí dụ người truy cập ở Đồng Nai thì sẽ thấy hiện ra trên trang web của mình thông báo chiêu sinh ở Đồng Nai, TPHCM, miền Đông Nam bộ chứ không phải thông báo chiêu sinh của một trường ở miền Bắc!
-          Phù hợp với giới tính, độ tuổi… người truy cập: Thí dụ quảng cáo mỹ phẩm sẽ xuất hiện thường xuyên hơn nếu người truy cập là phụ nữ.
-          Và nhiều tiêu chí khác nữa.

Với cách xác định tinh vi như vậy, thì cùng một trang web người xem này ở nơi này và người xem khác ở nơi khác có thể thấy những quảng cáo khác nhau. Khi người xem click vào mẩu quảng cáo thì đó là đường link dẫn đến trang web của đơn vị quảng cáo, chỉ khi đó chi phí quảng cáo mới được tính, thường là vài trăm đến vài ngàn đồng cho mỗi lần click. Google sẽ căn cứ vào số lần click để trả tiền cho nhà đăng quảng cáo.

Như vậy báo mạng sử dụng Google Adsense không cần phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn quảng cáo nữa, mọi chuyện đã có Google lo. Họ chỉ còn lo việc làm sao cho nội dung hay, hấp dẫn để tăng lượng truy cập mà thôi.

Nguồn quảng cáo Google lấy từ đâu?

Về phía người quảng cáo, họ sử dụng một công cụ của Google là Google Display Network (GDN), tạm dịch là Mạng hiển thị quảng cáo của Google. Mạng hiển thị này bao gồm tất cả những website đã đăng ký sử dụng Google Adsense trên toàn thế giới. Ở Việt Nam hiện nay GDN bao gồm hầu hết các tờ báo điện tử lớn (trên 100 tờ).

Người quảng cáo sẽ cung cấp nội dung quảng cáo của mình, kèm theo một số mong muốn như: muốn quảng cáo trên trang web có nội dung gì, ở đâu, thành phần người xem là ai… Google sẽ tự động đưa quảng cáo này lên GDN của mình, ở những trang web và tình huống mà họ thấy phù hợp nhất, kể cả trang web nước ngoài nếu có yêu cầu.

Việc đăng ký quảng cáo này có thể thực hiện trực tiếp qua mạng nếu người quảng cáo biết cách làm, hoặc thông qua các đại lý quảng cáo của Google. Khác với Google Adsense, đăng ký quảng cáo không cần tiêu chuẩn nào cà, chỉ cần… trả tiền! Tuy nhiên, người quảng cáo chủ động xác định kinh phí, ít nhất là vài trăm ngàn đồng vẫn được. Số tiền này sẽ bị trừ dần mỗi lần có người click chuột vào quảng cáo, và sẽ ngừng hiển thị khi trừ hết.

Như vậy với phương thức này người quảng cáo được nhiều điều lợi: quảng cáo đạt hiệu suất cao (có click mới trả tiền, click nhiều tiền nhiều), chủ động kinh phí, tiếp cận nhiều báo mạng mà không cần phải đắn đo suy nghĩ.

Chính vì vậy rất nhiều doanh nghiệp đã chọn phương thức quảng cáo này thay cho cách cũ, và đây chính là nguồn quảng cáo của Google.

Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến yêu cầu của Bộ TT&TT: các doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ quảng cáo của Google Adsense phải có giải pháp kỹ thuật và nhân sự đảm bảo khả năng kiểm soát 100% nội dung quảng cáo trên website của mình.

Bởi việc tiếp nhận các quảng cáo GDN của Google khá đơn giản nên có nhiều nội dung “lọt lưới”, như các sản phẩm y tế, thực phẩm chức năng là những loại hình quảng cáo có điều kiện, phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; hay lĩnh vực trò chơi điện tử, chỉ được phép quảng cáo những trò chơi đã được cấp phép phát hành ở Việt Nam… Các nội dung này khi Google tự động đưa lên Adsense của các báo thì vô hình chung đã khiến các báo này vi phạm quy định về quảng cáo.

Yêu cầu của Bộ TT&TT là đúng đắn và cần thiết nhưng chắc chắn sẽ gây lúng túng cho rất nhiều báo điện tử vì không có khả năng kiểm soát. Chắc chắn Google Việt Nam sẽ phải vào cuộc để hỗ trợ giải quyết vấn đề, vì nếu không bên cạnh Google Adsense hiện nay cũng có một số công ty Việt Nam áp dụng mô hình quảng cáo tương tự sẽ tranh thủ chiếm lấy thị phần rất lớn mà Google đang giữ.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 30/11/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét