Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Ứng dụng trên mobile ở Trung quốc

Trung quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,3 tỷ người, họ cũng là nước sản xuất thiết bị di động nhiều nhất thế giới, tính theo số lượng. Điều này dẫn đến một kết quả hiển nhiên là số ứng dụng cho thiết bị di động tại Trung quốc cũng nhiều vô số kể. Ta thử nhìn qua đặc điểm của các ứng dụng này, dựa trên thống kê phân tích của chính các công ty Trung quốc.

Một ứng dụng của Trung quốc khá phổ biến tại Việt Nam

Umeng là một công ty chuyên về phân tích các ứng dụng mobile của Trung quốc. Công ty này đã được người khổng lồ thương mại điện tử Alibaba (Trung quốc) mua lại từ năm 2013.  Theo thống kê của Umeng, trong số các ứng dụng (app) được người dùng Trung quốc tải về thì đến hơn 75% bị loại bỏ đi sau chưa tới một tuần sử dụng.

Các loại ứng dụng được quan tâm sử dụng tiếp sau hơn một tuần là:

-          Ứng dụng giáo dục và học tập:  có 23,6% người dùng tiếp tục sử dụng sau hơn một tuần đầu tiên.
-          Ứng dụng quản lý tài chính và tiền bạc: có 23,5% người dùng tiếp tục sử dụng sau hơn một tuần
-          Ứng dụng về sức khỏe, chỉ đường: có khoảng hơn 20% người dùng tiếp tục sau hơn một tuần.

Các loại ứng dụng “mau chán” nhất, bị loại bỏ khi chưa tới một tuần sử dụng bao gồm:

Ứng dụng trang trí giao diện (chỉ còn 14,7% người sử dụng sau tuần đầu), ứng dụng video (còn 14,8%), ứng dụng giải trí và thư giãn (còn 15,4%), ứng dụng biên tập ảnh (còn 15,5 %).

Một nghiên cứu khác của Localytics, cách thống kê khác nhưng cho ra kết quả tương tự. Theo báo cáo được đơn vị này công bố vào mùa hè 2015 thì số lượng người dùng Trung quốc dùng lại một ứng dụng tới hơn 10 lần là 18% (theo báo cáo kỳ trước đó thì tỷ lệ này là 27%). Có tới 37% người dùng sau khi tải ứng dụng về chỉ dùng có duy nhất một lần rồi thôi.

Một nghiên cứu khác nữa của Deloitte cho biết rằng có tới 46% người dùng Trung quốc không hề tải một ứng dụng di động nào cả trong năm 2015. Năm 2013, tỷ lệ này còn là 27%.

Các nhà chuyên môn Trung quốc đã lý giải về những số liệu thống kê này, như tâm lý “cả thèm chóng chán” của người Trung quốc, sự phát triển mạnh của phần mềm nhắn tin miễn phí WeChat với nhiều tính năng khiến người ta không quan tâm đến các ứng dụng khác…
Bên cạnh yếu tố tâm lý, còn một yếu tố khác các nhà phân tích Trung quốc không nêu ra nhưng vẫn khiến ta phải đặt dấu hỏi. Đó là chất lượng và sức hấp dẫn của các ứng dụng này.

Trên các kho ứng dụng Android và iOS hiện nay đầy dẫy các ứng dụng của Trung quốc, và chắc là không ít người dùng Việt đã tải những ứng dụng này về dùng. Bên cạnh thông tin từ chính Trung quốc cho chúng ta đánh giá khái quát về chất lượng không cao, kém hấp dẫn của các ứng dụng này còn có sự nghi ngờ về độ an toàn của ứng dụng: nhiều ứng dụng Trung quốc được cho là chứa sẵn mã độc, chứa phần mềm gián điệp. Tháng 10-2015 vừa qua, Apple đã gỡ 256 ứng dụng của Trung quốc khỏi App Store. Lý do là các ứng dụng này đã thu thập trái phép thông tin người dùng bằng cách sử dụng hàm API đã bị cấm trước đó. Tất cả số này đều dựng trên nền tảng SDK quảng cáo Youmi có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Chất lượng không tốt, độ tin cậy không cao, có lẽ đó là những điều người dùng cần cân nhắc khi tải các ứng dụng Trung quốc về thiết bị di động của mình.


Thái Thư
LĐĐN - 18/01/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét