Trong tuần qua, sự kiện máy tính Lenovo xuất xứ từ Trung quốc có cài
sẵn phần mềm gián điệp ngay khi xuât xưởng đã tạo nên sự rúng động cho người
dùng, nhất là khi đã có sự cảnh báo chính thức từ Bộ Công An Việt Nam. Như vậy
là sau điện thoại thông minh, đến lượt máy tính cũng khiến người dùng mất tin
tưởng khi bị xâm nhập bởi những phần mềm nguy hiểm có thể đánh cắp dữ liệu,
không phải từ bên ngoài mà từ chính bản thân thiết bị đó. Niềm tin vào sự an
toàn của thiết bị IT nếu sử dụng cẩn trọng bị lung lay dữ dội.
Máy tính Lenovo và
phần mềm gián điệp
Lenovo là thương hiệu máy tính lớn của Trung quốc. Năm 2005,
Lenovo đã mua lại hãng máy tính khổng lồ IBM của Mỹ (mảng máy tính, laptop và
tablet). Chính vì thế máy tính Lenovo trở nên nổi tiếng và tại Việt Nam máy
tính thương hiệu này được mua sử dụng rất nhiều, đặc biệt là tại các doanh
nghiệp lớn và đơn vị nhà nước.
Máy tính Lenovo được
sử dụng khá nhiều tại Việt Nam
Từ tháng 12-2015, Bộ Công An đã có thông báo về việc máy
tính Lenovo có chứa phần mềm đe dọa an ninh bảo mật thông tin. Trong tuần qua,
lần lượt các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Đắk Lắk ra công văn khuyến nghị về
việc kiểm tra bảo mật các máy tính Lenovo đang được sử dụng tại các cơ quan nhà
nước. Các văn bản yêu cầu không lưu trữ thông tin, nội dung bí mật nhà nước
trên máy tính Lenovo, đồng thời khuyến nghị không trang bị mới, tiến tới loại
bỏ các máy tính do hãng Lenovo sản xuất.
Theo nội dung trong thông báo của cả Hải Phòng lẫn Quảng
Ninh, từ tháng 10-2014 đến tháng 6-2015, một số dòng máy tính của Hãng Lenovo
cài đặt sẵn phần mềm có tên “Lenovo Service Engine” (viết tắt là LSE) vào BIOS
trên bo mạch chính của máy trước khi xuất xưởng. Trong lần đầu tiên kết nối
Internet, LSE sẽ tự động tải về máy tính phần mềm khác có tên “Onkey
Optimizer”.
Do LSE được tích hợp vào BIOS nên khi người sử dụng máy tính
cài đặt lại hệ điều hành hoặc định dạng lại ổ cứng thì trong lần khởi động đầu
tiên, hệ điều hành cũng sẽ tự động tìm lại phần mềm đó trong BIOS để thực thi.
LSE lấy quyền cao nhất và thực hiện các thay đổi quan trọng,
tự động tải về nhiều tập tin, phần mềm theo chỉ định của Lenovo. Trong khi toàn
bộ các hoạt động này nằm ngoài khả năng nhận biết và cho phép hay từ chối của
người dùng. Do đó, LSE có nguy cơ đe dọa an toàn an ninh hệ thống thông tin
mạng.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Lenovo Việt Nam khẳng định
việc thu thập thông tin của Lenovo qua LSE về bản chất là LSE tự động gửi một
vài dữ liệu hệ thống cụ thể về máy chủ Lenovo để giúp Lenovo “hiểu rõ các khách
hàng của mình sử dụng sản phẩm của mình ra sao”. Những dữ liệu này theo phía
Lenovo là “hoàn toàn không chứa các thông tin cá nhân của người dùng. Dữ liệu
bao gồm tên sản phẩm, tên vùng, thông tin cấu hình máy - gồm dung lượng bộ nhớ,
mã SKU, model CPU, độ phân giải màn hình, dung lượng ổ cứng, card màn hình,
phiên bản hệ điều hành”. Những thông tin đó được thu thập và gửi về máy chủ chỉ
ở lần đầu tiên máy kết nối với Internet.
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu bảo mật độc lập đã chỉ ra nguy
cơ rủi ro nếu hacker thông qua phần mềm này để lợi dụng để thực hiện tấn công
trên dòng máy tính xách tay Lenovo, bao gồm tấn công tràn bộ đệm và cố gắng kết
nối với máy chủ kiểm định của Lenovo. Chính vì thế, đây là một lỗ hổng bảo mật
có thể bị khai thác.
Hơn nữa, người ta được quyền nghi ngờ tuyên bố của Lenovo,
không có gì bảo đảm rằng họ chỉ thu thập những thông tin như nói trên mà không
thu thập dữ liệu quan trọng khác. Điều này cũng tương tự như một kẻ lạ mặt mở
khóa lẻn vào nhà khi gia chủ không hay biết, và nói rằng chỉ để… kiểm tra đồng
hồ điện chứ không lấy cắp gì cả!
Điện thoại Xiaomi và
phần mềm gián điệp
Cách đây một năm rưỡi, câu chuyện điện thoại Xiaomi của
Trung quốc cài đặt sẵn phần mềm đánh cắp dữ liệu cũng đã từng gây xôn xao dư
luận Việt Nam và thế giới.
Tháng 7-2014, một thành viên trên diễn đàn IMA Mobile ở Hong
Kong tên Kenny Li phát hiện rằng chiếc RedMi Note của anh đã kết nối tới một
địa chỉ IP ở Trung Quốc và truyền dữ liệu tới đó mỗi khi Wi-Fi được bật. Ngoài
việc truyền ảnh, thiết bị còn gửi cả nội dung các tin nhắn đến máy chủ.
Xiaomi là một hãng điện thoại tên tuồi của Trung quốc (lớn
hàng thứ 5 trên thế giới), sản phẩm của hãng này được bán rộng rãi khắp nơi.
Chiếc điện thoại Redmi Note được nói đến ở trên cũng đã có mặt ở Việt Nam.
Lúc đó, đại diện của Xiaomi đã lên tiếng phủ nhận sự việc
theo cách giống hệt như Lenovo bây giờ:
Thông tin những ngày
qua về chuyện điện thoại cố tình gửi hình ảnh, tin nhắn... lên máy chủ Trung
Quốc nhằm mục đích gián điệp là không đúng. Xiaomi không phủ nhận điện thoại
của họ có tính năng tự động kết nối và upload thông tin lên máy chủ. Nhưng
RedMi Note không gửi thông tin cá nhân mà chỉ là những tính toán về các hoạt
động của khách hàng để có thể gửi bản cập nhật và giới thiệu các ứng dụng phù hợp
nhất cho người sử dụng nhằm cải tiến dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Điện thoại Vinamob và
phần mềm “móc túi”
Cách đây 2 tháng, thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã phát hiện
công ty Vinamob ký kết hợp đồng hợp tác với 3 doanh nghiệp có trụ sở tại Trung
Quốc để cung cấp dịch vụ nội dung số thông qua việc cài đặt sẵn các mã lệnh
nhắn tin đến đầu số 8x61 trên các máy điện thoại sản xuất tại Trung Quốc.
Các máy điện thoại này cài sẵn những ứng dụng cung cấp nội
dung số (thời tiết, tỷ giá, giá vàng, kết quả bóng đá…). Nhưng thay vì thông
tin chỉ được cung cấp và tính phí khi người dùng chủ động sử dụng dịch vụ (tức
là có bấm máy nhắn tin), nó tự động gửi tin nhắn yêu cầu cung cấp dịch vụ đến
đầu số 8x61 (là đầu số mà Vinamob thuê bao) và tự động trừ tiền mà người dùng
không hề hay biết. Các tin nhắn đi, đến này được ẩn toàn bộ nên người dùng
không thể phát hiện ra.
Hai trường hợp trên là nguy cơ về bảo mật thông tin, người
dùng có thể bị đánh cắp thông tin mà không hay biết. Trường hợp dưới, người
dùng bị đánh cắp tiền.
Cả 3 trường hợp có điểm chung là các phần mềm gây hại này
đều được cài đặt sẵn ngay khi người sử dụng mua máy, nghĩa là họ không hề có
lỗi gì (như download phần mềm virus, cài đặt ứng dụng không đáng tin cậy) mà
vẫn bị hại.
Điểm chung nữa là cả 3 trường hợp trên nhà sản xuất thiết bị
đều của Trung quốc.
Những sự việc liên tục xảy ra như vậy khiến người sử dụng tỏ
ra lo ngại và đánh mất niềm tin vào những thương hiệu đã gây ra tác hại. Như
vậy, khi mua sắm thiết bị mới (điện thoại, máy tính), người dùng sẽ phải cân
nhắc và xem xét thật kỹ lưỡng nguồn gốc của thiết bị ấy.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 11/01/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét