Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Fanpage Facebook của báo chí – Con dao 2 lưỡi

Hiện nay hầu như tờ báo điện tử nào cũng có fanpage trên Facebook cho riêng mình, các báo điện tử địa phương như ở Đồng Nai cũng không phải là ngoại lệ. Dù không phải là trang web chính thức nhưng fanpage là một kênh chuyển tiếp cực kỳ hiệu quả. Thông qua các liên kết đến trang web chính thức được đưa lên fanpage, lượng người xem trang báo điện tử chính thức được tăng cao.

Hiệu quả của fanpage

Fanpage của báo VietNamNet (đang hoạt động)


Mỗi fanpage đều cố tạo cho mình một lượng fan (người hâm mộ) cao, nội dung đưa lên fanpage sẽ đồng thời xuất hiện trên tất cả trang Facebook của các fan ấy. Bằng việc đưa đường link những tin bài hấp dẫn trên báo điện tử của mình lên fanpage, người quản trị fanpage đã khơi gợi cho người chơi Facebook vào xem trang web chính.

Lấy thí dụ fanpage của báo VnExpress. Theo đại diện của VnExpress, đơn vị này xây dựng trang fanpage với mục đích đưa nội dung báo chí đến gần hơn với công chúng là những người dùng mạng xã hội. Người đại diện này cho biết: “Sau 5 năm dày công xây dựng, fanpage VnExpress có khoảng 2,5 triệu thành viên và có thể coi là page có số lượng thành viên lớn nhất trong các báo tiếng Việt, mỗi bài báo khi được dẫn link thường tăng thêm 30% lượt đọc. Trung bình mỗi ngày fanpage VnExpress giới thiệu khoảng 30 đường link trong tổng số hơn 500 bài báo từ trang VnExpress.net. Trang cũng có hơn 50.000 bình luận mỗi ngày và các bình luận này được hậu kiểm theo cơ chế vận hành của Facebook”.

Ngoài việc tăng lượt người đọc báo điện tử, với các bình luận (comment) của người chơi Facebook trên fanpage tòa soạn báo có một kênh giao tiếp hiệu quả với độc giả để vừa là đánh giá chất lượng tin, bài vừa là tìm hiểu xu hướng đọc báo của độc giả.

Quản lý fanpage – bài toán khó

Khác với báo điện tử, fanpage Facebook không là một đơn vị báo chí chính thống nên không được quản lý chặt chẽ như báo chính thống, do vậy có khả năng nhiều điều không hay xảy ra. Các bình luận của người dùng Facebook trên Fanpage này có thể chứa những thông tin xấu.

Chính vì vậy, ngày 1-7-16, cục Báo chí Bộ Thông tin & Truyền thông có công văn số 779/CBC-TTPC gửi các cơ quan báo chí về việc tăng cường quản lý nội dung thông tin trên fanpage Facebook.

Theo Cục Báo chí, thời gian vừa qua, nhiều cơ quan báo chí trong nước mở fanpage để đăng tải bài viết từ báo điện tử. Qua kiểm tra, theo dõi và xử lý vi phạm cho thấy, một số cơ quan báo chí mở fanpage Facebook nhưng chưa có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ các ý kiến bình luận để một số đối tượng lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ uy tín, danh dự lãnh đạo cấp cao, gây dư luận xấu trên không gian mạng.

Vì thế, để đảm bảo hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên các trang fanpage của cơ quan báo chí tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, Cục Báo chí yêu cầu các cơ quan báo chí chủ động rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên fanpage chính thức của cơ quan mình, không để các đối tượng xấu lợi dụng bình luận, tuyên truyền xuyên tạc, gây dư luận xấu.

Đồng thời Cục cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí và các cá nhân được giao trực tiếp quản trị, điều hành fanpage, thực hiện yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, quản lý chặt chẽ nội dung, tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành.

Một số fanpage vừa tạm ngưng hoạt động

Ngày 7-9 vừa qua, một số fanpage của báo chí tạm dừng hoạt động. Đó là những Fanpage có lượng fan cao, như fanpage của VnExpress, Dân trí, ZingNews, Giáo dục Việt Nam.

Thông báo tạm dừng hoạt động fanpage của báo Giáo dục Việt Nam

Trên trang báo điện tử chính thức của mình, báo Giáo dục Việt Nam thông báo:

“Trong thời gian vừa qua, một số fanpage của các cơ quan báo chí đã bị các đối tượng xấu lợi dụng đưa các hình ảnh, thông tin không đúng với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thậm chí làm sai lệch thông tin, gây hiểu lầm trong dư luận xã hội, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, đồng thời cũng chấp hành những cảnh báo của các cơ quan chức năng đối với các cơ quan báo chí trong việc vận hành các fanpage trên mạng xã hội, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin thông báo tới quý độc giả: Do nguồn lực về con người và vật chất hạn chế để có thể kiểm soát tất cả các bình luận trên trang fanpage của Báo nên Ban Biên tập quyết định tạm dừng hoạt động trang fanpage (duy nhất) trên mạng xã hội từ sáng 7/9, thời gian mở lại hoạt động sẽ được chúng tôi thông báo sau.”

Trả lời phỏng vấn của báo ICTNews, bà Nguyễn Thu Hương – Thư ký tòa soạn báo điện tử VnExpress – cho biết báo điện tử VnExpress đã quyết định tạm dừng hoạt động Fanpage VnExpres vào chiều 6/9. Đây là lần đầu tiên fanpage của báo điện tử này dừng hoạt động sau 5 năm gây dựng cộng đồng. Lý do được bà Hương đưa ra là gần đây cơ quan quản lý yêu cầu các cơ quan báo chí phải “tăng cường kiểm duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung bình luận của người dùng trên fanpage Facebook”. Nhận thấy việc kiểm duyệt toàn bộ nội dung bình luận của người dùng là bất khả thi nên VnExpress đã quyết định tạm dừng hoạt động của fanpage VnExpress.

Đại diện Zing cho biết, họ quyết định tạm đóng cửa fanpage do việc đầu tư nhân lực để quản lý fanpage không hiệu quả, còn đại diện của Dân trí không đưa ra bình luận gì.

Dù hiện giờ nhiều fanpage của các báo lớn như VietNamNet, Tuổi trẻ, Thanh niên… vẫn duy trì hoạt động, nhưng sự kiện này cho thấy việc quản lý fanpage của báo chí khá phức tạp.

Có thể thấy việc xây dựng fanpage của báo chí chứa đựng mâu thuẫn. Nếu lượng fan đông thì sẽ hỗ trợ mạnh cho báo điện tử tăng thêm người đọc nhưng cũng khó kiểm soát những thông tin xấu do người dùng Facebook đưa lên. Ngược lại, nếu lượng fan ít thì kiểm soát được thông tin người dùng Facebook đưa lên nhưng hiệu quả tăng số độc giả không cao.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 12/09/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét