Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Đừng nhìn xuống smartphone nữa, hãy nhìn lên!

Từ lâu đã có những cảnh báo về việc con người quá lệ thuộc vào những thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại mà bị xa rời cuộc sống thật. Gần đây, chủ đề này lại nóng lên do một clip ngắn trên Youtube có tên là Look Up (nhìn lên).

Look Up là một video clip dài gần 5 phút do một người Anh tên Gary Turk thực hiện và đưa lên YouTube từ cuối tháng 4 năm 2014. Trong chưa đầy một tháng bộ phim này đã đạt được gần 40 triệu lượt truy cập và hơn 32 ngàn bình luận. Những con số thật ấn tượng.

Look Up nói gì?

Mở đầu bộ phim, Gary Turk nói: Tôi có 422 người bạn, nhưng tất cả những người đó không biết tôi là ai cả. Tôi cô đơn.

Đoạn phim của Gary Turk mô tả những cảnh đan xen. Cảnh những đứa bé chơi đùa trên thảm cỏ, trong rừng cây và những đứa bé chúi đầu vào máy tính bảng, smartphone để chơi game. Cảnh những người bạn ngôi bên nhau vui vẻ trò chuyện, nhìn vào mắt nhau và cũng những người đó ngồi bên nhau, nhưng thay vì nhìn vào mắt nhau, nói chuyện cùng nhau thì mỗi người đều nhìn vào… chiếc smartphone cầm trên tay, và thậm chí nói chuyện với nó (qua chat).

Smartphone, tablet hay laptop giúp con người kết nối với nhau dù ở cách xa. Thế nhưng với những khoảng cách gần, thậm chí ngay trước mắt, lại trở nên xa xôi khi mà người ta quá chú trọng vào các thiết bị công nghệ ấy mà không còn để ý đến những người xung quanh hay những việc đang diễn ra trước mắt.

Bộ phim còn lồng vào một câu chuyện tình để minh họa ý tưởng của tác giả.

Có một chàng trai hỏi đường một cô gái, thế rồi đôi bên nảy sinh tình cảm. Rồi hai người kết hôn với nhau, có những giây phút hạnh phúc bên nhau trong công viên, trên thảm cỏ, với đứa con bé bỏng mới chào đời, rồi cháu nội ra đời, rồi về già vẫn tay trong tay…

Một cảnh khác cũng chàng trai đó nhưng thay vì hỏi đường thì chàng ta lại tìm đường bằng… Google Maps trên smartphone. Hậu cảnh cho thấy dòng người vẫn tấp nập qua lại trên phố nhưng chàng trai không hề để ý tới bởi vì chàng đang mải nhìn vào chiếc điện thoại. Và như thế cô gái sẽ vĩnh viễn không xuất hiện trong đời chàng để ta có câu chuyện tình như kể trên.


Chàng trai mải mê bấm điện thoại khi cô gái đi qua, và vẫn say sưa nhìn xuống điện thoại khi dòng người tấp nập đi lướt qua anh. Ảnh trích từ video clip Look Up.

Nhìn cảnh ấy ta không khỏi liên tưởng tới 2 câu thơ của Bùi Minh Quốc:

Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau

Dường như là với các thiết bị thông minh, cơ hội để tiếp xúc giữa người với người trở nên ít đi và những tình huống Ta vô tình đi lướt qua nhau ngày một nhiều hơn.

Cuối phim, Gary Turk kết luận: “Nếu bạn quá mải mê nhìn xuống (look down, ở đây là nhìn xuống chiếc smartphone), bạn sẽ không thấy được những cơ hội của mình. Hãy ngừng xem đoạn video này, và nhìn lên (look up) để sống cuộc sống thật của mình”.

Nhiều người đồng tình

Look Up được hầu hết mọi người xem đồng tình. Trên mạng xã hội ta dễ dàng gặp rất nhiều người chia sẻ đường link bộ phim này cho những người thân quen, cha mẹ chia sẻ cho con cái, vợ chồng chia sẻ cho nhau, bè bạn chia sẻ cho nhau… với những lời nhắn gởi như: “Một bộ phim mà khi xem xong bạn không khỏi bàng hoàng”, “Hãy xem để có thể thay đổi cuộc sống của bạn theo hướng tích cực hơn”…

Những lời bình luận tích cực chiếm đa số, chẳng hạn:

-      Rất ý nghĩa và đáng xem. Đã “nói đúng tim đen” của nhiều người, phản ảnh được thực trạng con người đã và đang quá phụ thuộc vào công nghệ và mạng xã hội.
-      Tôi yêu đoạn phim này, nó thật chân thực, đặc biệt là câu “điện thoại thông minh, con người ngu ngốc”.
-      Video 5 phút này có thể thay đổi cuộc sống của bạn theo hướng tích cực hơn. Xin dành thời gian để xem nó.

Và những người phản đối

Những ý kiến phản đối không nhiều, nhưng cũng đáng để ghi nhận lại. Ý kiến phản đối tiêu biểu nhất như sau:

Look Up quá phiến diện, chỉ nói mặt tiêu cực mà không đề cao tính tích cực của công nghệ và mạng xã hội. Tại sao chăm chăm chỉ trích khiến con người rời xa mà bỏ quên lợi ích của nó: giúp cập nhật thông tin nhanh, là một phần của sự thay đổi và thích nghi với sự phát triển của thế giới hiện đại.

Có ý kiến mỉa mai rằng trong khi Gary Turk lên án công nghệ và thiết bị thông minh thì anh lại sử dụng chính nó để phổ biến video clip này (dùng YouTube)!

Một ý kiến khá thực dụng khi cho rằng mục đích chính của tác giả khi tạo và đưa video clip này lên YouTube  chỉ là để thu hút người xem, thu hút chia sẻ, tạo tranh cãi, và sau đó… thu tiền quảng cáo nhờ vào đường link quảng cáo trên đó!

Ý kiến bạn thế nào?

Thật ra những ý kiến phản đối đều đúng, kể cả những ý mỉa mai hay thực dụng.

Chính Gary Turk cũng thừa nhận mình mâu thuẫn khi lên án thiết bị thông minh mà lại dùng nó để phổ biến suy nghĩ của mình. Bởi vậy ở kết phim anh đã nói rằng hãy ngừng xem video này và hãy nhìn lên cuộc sống thật!

Còn về quảng cáo? Chúng ta dễ dàng thấy quảng cáo Adsense của Google trên màn hình video này, và với lượt xem khổng lồ như vậy (40 triệu lượt) chắc là tác giả cũng thu được bộn tiền! Thế nhưng điều này đâu ảnh hưởng gì đến thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải?

Ý kiến sau đây được khá nhiều người đồng tình: Không thể phủ nhận những điều tích cực mà mạng xã hội, điện thoại thông minh đem lại, nhưng cần biết cách hạn chế những tiêu cực bằng cách sử dụng công nghệ và mạng xã hội một cách hợp lý hơn.

Nếu bạn chưa xem Look Up, hãy thử xem nó một lần và tự cho ý kiến của riêng mình (bạn vào YouTube và tìm kiếm từ Look Up sẽ thấy bộ phim này ngay).

Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 26/05/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét