Không thể phủ nhận rằng ngày nay báo mạng đã dần dần lấn lướt báo in.
Internet đã mang lại nhiều ưu thế lớn trong việc truyền thông nhưng đồng thời
thể loại báo chí qua mạng Internet này cũng mang lại nhiều điều bất cập. Một
trong những điều đó là tình trạng câu view trên báo điện tử.
Muốn nhiều người đọc
phải… câu view
Báo chí muốn sống được phải có độc giả. Lượng người đọc càng
cao thì bán được càng nhiều báo và thu hút quảng cáo càng lớn. Đối với báo điện
tử thì không có bán báo nên nguồn thu chính là quảng cáo. Hiện nay có nhiều
công cụ đo được lượng người xem trên từng trang web nên các đơn vị đăng quảng
cáo chọn lựa để đăng (và trả tiền nhiều) trên những trang mà họ biết là có
nhiều người xem. Từ đó dẫn đến nhu cầu của tờ báo là phải bằng mọi cách tăng số
lượng người xem báo mình lên. Áp lực này không chỉ đè nặng lên ban biên tập mà
cả phóng viên. Hiện nay, rất nhiều báo mạng trả nhuận bút cho phóng viên theo
số lượt người xem bài trên mạng. Như vậy một bài viết công phu, có giá trị chưa
chắc được trả nhuận bút cao mà phải là bài được nhiều người bấm vào xem.
Câu view là gì?
Xem, tiếng Anh là View, còn câu được hiểu như… câu cá, câu
khách. Giải pháp câu khách đàng hoàng nhất là tạo nên những nội dung hấp dẫn,
có giá trị. Thế nhưng không hề dễ để có những nội dung hấp dẫn, có giá trị, từ
đó người chủ trang báo điện tử dùng những tiểu xảo để lôi cuốn người đọc.
Đây không phải là hiện tượng riêng của Việt Nam, mà của cả
báo thế giới. Có một thuật ngữ tiếng Anh để chỉ việc này, là clickbait, trong đó bait nghĩa là mồi câu. Giới chuyên môn định nghĩa clickbait (tức câu view) như sau:
Clickbait là một thuật
ngữ miệt thị chỉ nội dung web nhằm mục đích tạo ra doanh thu quảng cáo trực
tuyến, - đặc biệt là khi muốn tạo nội dung có tính chính xác và có chất lượng
thì chi phí cao - dựa vào các tiêu đề giật gân hoặc hình ảnh bắt mắt để thu hút
người xem nhấp qua và chuyển sang trang nội dung của bài báo. Tiêu đề Clickbait
thường nhằm mục đích khai thác “khoảng cách tò mò”, cung cấp vừa đủ thông tin
để làm cho độc giả tò mò, nhưng lại không đủ để đáp ứng sự tò mò của họ khiến
họ phải nhấp chuột để xem nội dung liên quan.
Câu view bằng nội
dung
Có người đã tổng kết rằng những yếu tố dễ thu hút người đọc
được tóm gọn bằng 3S: Sex, Scandal và Soul – trong đó Sex và Scandal là những
từ dễ hiểu rồi, còn Soul ý nói những nội dung tạo nên sự thương cảm. Những
người câu View luôn tạo nên nội dung từ 3 yếu tố này.
Có lẽ không cần có ví dụ minh họa về những nội dung có yếu
tố sex để thu hút người xem, những bài báo dạng này nhan nhản trên những trang
báo mạng, từ lộ hàng, đến những câu chuyện tình ái mùi mẫn, những bức ảnh khêu
gợi…
Một dạng khác là đăng lên các scandal. Có thể đó là những sự
kiện có thật như tai nạn, vụ án, nhưng thay vì ghi lại chân thực và có tính
nhân văn về tình tiết của sự kiện, thì người đưa tin cố xoáy sâu, phóng đại
những tình tiết rùng rợn, bi thảm. Tệ hại hơn, có những vụ việc không hề có
thật, nhưng được người đưa tin dựng chuyện lên để tạo nên sự tò mò của người
đọc. Chẳng hạn thông tin rằng có chuột cống trong nồi hủ tiếu gõ…
Thông tin sai sự thật
nhằm câu view, từng gây xôn xao dư luận
Dạng thứ ba là tận dụng những hình ảnh có vẻ như bi thương
để tạo nên sự cảm thông của cộng đồng. Nếu đúng là sự thật thì tốt, nhưng rất
nhiều trường hợp là bịa chuyện. Chẳng hạn hình ảnh 2 em bé vùng cao đang ngồi
với nhau được dựng chuyện lên rằng nào là nghèo khổ, cha chết, mẹ chết với sự
thương cảm sụt sùi. Bức ảnh đã được chia sẻ tràn lan trên mạng với những lời lẽ
chia buồn thống thiết, đến nỗi tác giả thực sự của bức ảnh phải lên tiếng rằng
đây chỉ là bức ảnh anh chụp 2 đứa trẻ đang ngồi chơi bình thường, không hề có
điều gì bi thảm hay thống khổ cả!
Ngoài ra, còn nhiều cách câu view khác nữa, hầu hết đều thể
hiện sự lệch lạc trong suy nghĩ của người đăng tin, gây ảnh hưởng xấu trong
công chúng và gây khó chịu cho người đọc.
Câu view bằng tiêu đề
(tít)
Khi xem báo mạng, người ta thường lướt qua thật nhanh các
tiêu đề trên trang chủ để xem tin nào hấp dẫn thì nhấp chuột vào đọc. Chính vì
vậy, các biên tập viên báo mạng thường cố tình đặt các tít có tính lôi cuốn
người đọc (thường là theo công thức 3S nêu trên), bất chấp nó có thể hiện đúng
nội dung chính của bài viết hay không (chính là tạo nên “khoảng cách tò mò”
trong định nghĩa clickbait nêu trên). Điều này tạo nên nhiều tình huống bi hài.
Ví dụ tin về công ty A quyết định đầu tư vào việc XYZ thì
thay vì đặt tựa chân phương như vậy, biên tập báo V. đã sửa thành: Công ty của người tình tin đồn ca sĩ M. sẽ
đầu tư vào… Việc đặt tựa này sẽ thu hút nhiều người quan tâm đến ca sĩ M. nhấp
vào đọc, mặc dù đọc từ đầu chí cuối không thấy liên quan gì đến ca sĩ M. cả (dĩ
nhiên)!
Một bài báo gần đây trên một trang báo điện tử lớn, viết về
nghệ sĩ Minh Vương đã giật tít như sau: Vợ
trẻ, nhưng vẫn… khỏe! Thật sự, toàn bộ phóng sự này nói về cuộc đời, sự
nghiệp của nghệ sĩ Minh Vương, những đóng góp của ông với sân khấu, trong bài
câu viết về hoàn cảnh gia đình của ông chỉ là: “Cuộc sống trở nên bình lặng hơn, NSƯT Minh Vương có vợ trẻ hơn tuổi ở
bên, được các con yêu, bạn bè thương mến.” Cô phóng viên viết bài này đã
thú nhận khi bài báo được (bị) biên tập viên sửa tít theo kiểu câu view và đăng
lên mạng như vậy cô đã không dám đưa link cho nghệ sĩ Minh Vương xem vì sợ ông
buồn, giận!
Không chỉ người đọc bực mình, nhiều phóng viên chuyên nghiệp
lâu năm đã phải cười đau khi thấy bài viết của mình bị sửa bởi những anh biên
tập trẻ theo kiểu rẻ tiền như vậy.
Người đọc sáng suốt
hơn và người viết bản lĩnh hơn
Tạo ra những tin bài có nội dung hấp dẫn, giá trị cao để thu
hút người đọc; đặt tít cô đọng, nêu bật được nội dung bài luôn là yếu tố cần
thiết để nâng tầm tờ báo. Đây luôn là vấn đề được quan tâm nhiều nhất của báo
chí nhằm có được lượng độc giả cao và chắc chắn phải luôn được xem xét. Tuy
nhiên, không thể bằng những giải pháp câu view rẻ tiền.
Trong bài viết mang tựa đề “Văn hóa câu view và sự cảm nhận
theo đám đông dẫn đến sự sụp đổ của báo chí”, nữ nhà báo Danielle Ryan tỏ ra bi
quan:
“Trong một môi trường truyền thông bị lái theo hướng câu
view, bị tê liệt bởi cảm nhận đám đông, thì chưa được kiểm chứng không còn
nghĩa là chưa được xuất bản, chất lượng nguồn kém không khiến người ta hoài
nghi, người cung cấp tin không cần được kiểm chứng.”
Ngày nay, người đọc không tìm đến thông tin nữa mà thông tin
tự ào đến người đọc. Trước tình trạng “bội thực thông tin” này, không nhiều thì
ít, những người đọc tỉnh táo, sáng suốt sẽ biết tự lọc ra những thông tin có
giá trị. Sau nhiều lần bị “đánh lừa” kiểu giật tít sai nội dung, họ sẽ tự tẩy chay
các bài báo kiểu như trên. Những bài báo câu view với nội dung 3S cũng dần bớt
đi sự hấp dẫn với người xem. Nói cách khác, chính người đọc là tác nhân quan
trọng để thay đổi tình trạng câu view nhảm nhí này, nếu họ ý thức được mình là
những con cá đang bị nhử mồi câu.
Về phía báo chí, cần có đội ngũ phóng viên có thực tài, có
đạo đức để thu hút độc giả bằng chính những bài viết có giá trị của mình.
Trong bài viết mới đây trên báo Nhân dân, PGS Nguyễn văn
Dững, Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có nêu:
“Ðào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong môi
trường truyền thông số là cung cấp và hướng dẫn người học khai thác các nguồn
kiến thức để làm phong phú hệ kiến thức nền tảng, cung cấp phương pháp tiếp cận
và giải quyết vấn đề, cách thức thuyết phục công chúng và dư luận xã hội để họ
có khả năng thích ứng rộng sau khi ra trường. Không nên chỉ đào tạo chuyên môn
hẹp trên nền kiến thức mỏng sẽ làm khó cho người học thích ứng trong môi trường
xã hội thay đổi và môi trường truyền thông số biến động nhanh.”
“Trong môi trường truyền thông số, khái niệm “báo chí kết
nối” đang hình thành, cần chú trọng đào tạo vừa thu hẹp vừa mở rộng. Thu hẹp
quy mô đào tạo nhà báo chuyên nghiệp để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng
đào tạo. Ðề xuất này xuất phát từ mấy lý do: Trong nền tảng kỹ thuật - công
nghệ truyền thông đa nền tảng, nguồn tin từ báo chí chỉ là một phía - dù rất
quan trọng, ngoài ra báo chí còn phải chú ý tới đa nguồn tin từ mạng xã hội (MXH),
nhà báo công dân và truyền thông xã hội nói chung; do đó, báo chí cần kết nối
với MXH để làm phong phú hóa nguồn tin, có phương pháp thẩm định, xác tín nguồn
tin và “thâm nhập” vào thế giới MXH để lôi kéo công chúng, chiếm lĩnh thị
trường.”
Có một công chúng độc giả sáng suốt cùng đội ngũ nhà báo bản
lĩnh thì tình trạng câu view rẻ tiền mới không còn đất sống.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 21/06/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét