Thành phố thông minh là một khái niệm đang được quan tâm nhiều trên thế
giới, ở Việt Nam những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang…
đang tiến hành xây dựng thành những thành phố thông minh. Mới đây, trên kênh
Microsoft Asia đã phát series chia sẻ về Tầm Nhìn Châu Á (Asia Vision Series),
trên đó các tác giả đã nêu lên các quan điểm mới của mình về thành phố thông
minh tại Châu Á. LĐĐN xin tổng hợp các nội dung này để bạn đọc tham khảo.
Phần 1: Những đặc điểm của một thành phố thông minh
Ông Stefan Sjöström trên
Asia Vision Series
Công nghệ cần được
đưa vào sử dụng tốt trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân
Ông Stefan Sjöström hiện là Phó Chủ tịch Khu vực Công của
Microsoft châu Á, sinh ra và lớn lên ở Stockholm (Thụy Điển), tầm nhìn của ông
về phát triển thế giới gắn liền với sự phát triển bền vững và công nghệ.
Stockholm đã được mệnh danh là một trong 10 thành phố thông minh nhất ở châu Âu,
nổi tiếng là một thành phố xanh – sạch – đẹp và cam kết sử dụng kỹ thuật số
trong việc quản lý. Thành phố này còn vạch ra định hướng triển khai công nghệ
để giải quyết các vấn đề đô thị hóa – chẳng hạn như nhà ở và giao thông vận
tải, trong quy hoạch thành phố thông minh Tầm nhìn đến năm 2030.
Mặc dù vậy, điều tạo dấu ấn cho Sjöström về thành phố thông
minh lại là một chuyện riêng về cuộc sống của ông. Sjöström kể: “Tôi được chẩn
đoán mắc bệnh ung thư vòm họng, và suốt 8 ngày sau đó, tôi thực sự không biết
liệu tôi còn lại 3 tuần, 3 tháng hay 3 năm nữa để sống – tôi đã hoàn toàn bị
mất phương hướng”. Sau khi được điều trị, Sjöström đã nhận ra việc chẩn đoán
sớm đã tạo sự khác biệt hoàn toàn giữa sự sống và cái chết cho ông như thế nào
– và điều này có thể xảy ra như vậy cho tất cả mọi người khác nếu họ được tiếp
cận với công nghệ hỗ trợ. Khi đó ông đã quyết tâm, nếu được trao cơ hội thứ hai
để sống, ông muốn đền đáp lại cho xã hội – và cách tạo nhiều tác động nhất để
làm như vậy là dân chủ hóa công nghệ vì lợi ích của công chúng.
Chuyến đi Lào cùng vợ ông vài năm trước đây đã thúc đẩy thêm
mong muốn của Sjöström về việc cống hiến
nhiều hơn cho cộng đồng, đặc biệt là ở châu Á, nơi mà nhiều quốc gia còn ít
được tiếp cận công nghệ. Dự định ban đầu chỉ là một kỳ nghỉ nhân dịp về hưu,
nhưng hoàn cảnh của người dân tại ngôi làng hẻo lánh nơi họ ghé thăm khiến ông
nhận ra rằng vẫn còn nhiều điều nữa mà ông muốn thực hiện.
“Họ phải vật lộn với quần áo, vật lộn với điện và nước
sạch,… và tôi cảm thấy rất bất lực, bởi vì tôi hầu như không thể giúp được gì
khi là khách du lịch. Khi Microsoft mời tôi về chỉ đạo bộ phận thu hút sự tham
gia của khu vực công ở châu Á và làm việc với các chính phủ và lãnh đạo thành
phố để rút ra giá trị từ công nghệ, tôi thấy đây chính là cơ hội để tôi có thể
tạo sự khác biệt. Cùng với động lực mong muốn làm những điều tốt đẹp, đó là một
cơ hội tuyệt vời để tôi có thể đền đáp lại cho cộng đồng”.
Thành phố thông minh
là sự hợp lưu của các công nghệ điện toán đám mây và kỹ thuật số
Một trong những điều đã thôi thúc ông Sjöström nhất kể từ
khi đảm trách vai trò này là khái niệm thành phố thông minh mang một ý nghĩa
mới trong thế giới kỹ thuật số ngày nay. Trong khi trước đây khái niệm này
thường chỉ mang nghĩa là tiếp cận các công nghệ, thì nay đã phát triển và trở
nên thú vị hơn qua sự hợp lưu của các công nghệ điện toán đám mây và kỹ thuật
số. Hiện nay, sẽ chính xác hơn khi định nghĩa một thành phố thông minh dựa theo
cách thức nó khai thác điện toán đám mây để cung cấp dịch vụ cho người dân một
cách linh hoạt, có khả năng mở rộng và an toàn.
“Đây không phải là một cuộc cách mạng, mà là một sự tiến
hóa. Bạn càng thu được nhiều giá trị từ công nghệ, thì cuộc sống của tất cả mọi
người sẽ càng trở nên tốt hơn.”
Ông Sjöström trích dẫn ví dụ về Singapore, quốc gia đang áp
dụng các công nghệ đám mây để xây dựng giải pháp cho các vấn đề đáng chú ý như
lũ quét. “Những gì thành phố đã thực hiện đó là công bố các giao diện lập trình
ứng dụng (API) để các nhà phát triển phần mềm có thể truy cập các camera CCTV
và cảm biến nước. Từ đó xây dựng các giải pháp để cho phép các chủ tiệm biết
mực nước tại Singapore vào bất cứ thời điểm nào, và cảnh báo cho họ khi mực
nước dâng quá cao để tránh thiệt hại hàng tồn kho.”
Camera gắn trên người là một ví dụ tuyệt vời khác về cách
công nghệ có thể giúp định hướng các vấn đề và hành vi xã hội theo cách tích
cực và mang tính xây dựng.
Sự chuyển đổi thật sự
chỉ có thể đạt được nếu công nghệ cho phép sự hợp tác và thu hút sự tham gia
của người dân
Nhưng Sjöström nhanh chóng nhận ra rằng những sự đổi mới
theo định hướng điện toán đám mây không chỉ dành cho các nước đã phát triển.
Trong thế giới kỹ thuật số hiện nay, công nghệ nên là yếu tố mang lại cơ hội và
lợi thế công bằng, và trao quyền cho các nước mới nổi để họ có thể ước mơ lớn
hơn so với trước đây. Ông đặc biệt hy vọng sẽ xóa bỏ được khoảng cách số thông
qua điện thoại thông minh, chính là thiết bị mà hầu hết người ở trong các thị
trường này đều dùng để truy cập Internet và thực hiện các giao dịch ngân hàng qua
thiết bị di động để giúp tiếp cận dễ dàng hơn tới các ngân hàng.
Ông Sjöström nhớ lại sự kiện Microsoft CityApp Appathon tổ
chức tại thành phố Sidoarjo (Indonesia) vào tháng 10-2015, ứng dụng M-Bonk đã
gây cho ông ấn tượng đặc biệt. Ứng dụng di động này cho phép người dân báo cáo
điều kiện đường xá trở nên tệ hại đến các cơ quan chính quyền để họ có hành
động nhanh chóng. Với ứng dụng này, người dân có thể tag và gửi báo cáo hoặc
hình ảnh về các vấn đề như ổ gà bằng cách sử dụng điện thoại thông minh của họ.”Tôi
nghĩ rằng M-Bonk là một thí dụ tuyệt vời của phương pháp tiếp cận hướng tới
công nghệ và đặt người dân lên trên hết. Sự chuyển đổi thật sự chỉ có thể đạt
được nếu công nghệ cho phép sự hợp tác và thu hút sự tham gia của người dân.”
Thái Thư
Tóm lược từ series Tầm nhìn Châu Á trên kênh Microsoft Asia
LĐĐN - 09/07/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét