Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Từ một bức ảnh trên Panoramio…

Lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh tại sân bay Biên Hòa năm 1968 vừa được tổ chức trang trọng ngày 12-7 vừa qua. Trước đó, ngày 13-4-2017, đội tìm kiếm đã phát hiện được nơi chôn tập thể gồm những di vật, hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đêm 31-1-1968.  Trước đó nữa, những manh mối tìm kiếm được khởi đầu từ một trang mạng mang tên Panoramio.com. Panoramio.com là gì?

Panoramio là một lớp hình ảnh phủ lên bản đồ

Panoramio là một chương trình giúp người dùng chia sẻ hình ảnh lên mạng, nhưng có thêm tính năng là mỗi hình ảnh được gắn với một vị trí (tọa độ địa lý) nhất định. Có thể xem Panoramio là một lớp (layer) bản đồ bằng hình ảnh phủ lên trên bản đồ địa lý. Khi xem một hình ảnh được tải lên Panoramio, người xem có thể biết được hình ảnh được chụp ở đâu; ngược lại, khi xem một địa điểm trên bản đồ địa lý người xem có thể được thấy thêm những hình ảnh được chụp tại địa điểm ấy. Lớp bản đồ địa lý tích hợp với Panoramio là Google Maps và Google Earth. Muốn sử dụng Panoramio, người dùng truy cập vào website www.panoramio.com.

Giống như mạng xã hội, người xem ảnh trên Panoramio có thể bình luận (comment) vào các tấm ảnh, bấm Thích…

Giao diện Panoramio


Panoramio được 2 doanh nhân Tây Ban Nha là Joaquín Cuenca Abela and Eduardo Manchón Aguilar tạo nên. Chính thức khai trương từ ngày 3-10-2005, đến ngày 19-3-2007 đã có hơn 1 triệu người tải ảnh lên Panoramio. 3 tháng sau, tính đến 27-6-2007 số ảnh được tải lên là 2 triệu. 4 tháng sau nữa, đến 25-10-2007, số ảnh tải lên Panoramio đạt con số 5 triệu!

Vào tháng 10-2006, Google tiếp cận việc thâu tóm Panoramio nhưng bị từ chối. Tuy vậy, bằng những nỗ lực và sức mạnh của mình, cuối cùng Google vẫn thâu tóm được Panoramio vào tháng 7-2007.

Đến tháng 9-2014, Panoramio là một cộng đồng toàn cầu với vài triệu thành viên và được thể hiện bằng 47 thứ tiếng (có tiếng Việt). Đến tháng 5-2015, tổng số ảnh đã tải lên Panoramio vượt hơn 120 triệu ảnh (kể cả những ảnh sau đó đã bị xóa đi). Đến 8-10-2016, theo ghi nhận của Panorank, có tổng cộng hơn 4 triệu người dùng đã tải 94,4 triệu bức ảnh lên Panoramio, đạt 75,641 tỷ lượt xem.

Từ Panoramio tìm ra mộ liệt sĩ như thế nào?

Bức không ảnh Sân bay Biên Hòa trên Panoramio.com. Ảnh: Tuổi trẻ

Câu chuyện này được phóng viên Hà My thuật lại khá chi tiết trên báo Tuổi trẻ ngày 13-7-2017, xin được dẫn lại một số thông tin chính có liên quan.

Một kiến trúc sư ở TPHCM là Nguyễn Xuân Thắng vốn mê sưu tầm các ảnh địa lý nên đã vào trang panoramio.com để tải lên các bức ảnh mà mình sưu tầm được. Cách đây 10 năm, ông Thắng tìm được một không ảnh sân bay Biên Hòa (có lẽ do lính Mỹ chụp) và tải lên mạng này.

Ngày 3-10-2016, bức ảnh này nhận được bình luận của một người Mỹ mang tên Bob Connor, nội dung lời bình luận (bằng tiếng Anh) như sau:

“Nếu bạn nhìn lên con đường ở bản đồ sân bay này, rồi quẹo phải - nơi đó có lô cốt, gọi là Hill 10 (đồi 10), nơi đây đã xảy ra một trận chiến đấu dữ dội ngày 31-1-1968. (...)

Trận đánh xảy ra tại đồi 10. Đối phương đã để lại 153 xác chết và hai ngày sau thì phải chôn họ ở đường băng. Bây giờ nghĩ lại sau 50 năm tôi vẫn còn ớn lạnh...”.

Ngạc nhiên và tò mò vì bức ảnh đăng đã 10 năm rồi, bây giờ lại có người bình luận, ông Thắng liên lạc với một người bạn là ông Chế Trung Hiếu - một cựu chiến binh đang ở Hải Phòng, cùng yêu thích ảnh – để cùng tìm hiểu thêm.

Hóa ra Bob Connor từng là thượng sĩ Mỹ, làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Biên Hòa. Ông Hiếu sau đó gửi email cho Bob, đề nghị hãy đánh dấu vị trí chôn “để chúng tôi tìm”. Ông Bob Connor đã nhiệt tình hồi âm, khoanh màu bức không ảnh chụp sân bay Biên Hòa năm 1968 gửi lại cho ông Hiếu với lời chú thích “ngôi mộ ở cuối đường băng có màu cỏ úa”. Ông Bob còn giới thiệu thêm đại úy Martin E. Strones (sau mang lon đại tá, làm việc trong bộ máy quốc phòng Mỹ), từng là chỉ huy bay ở sân bay Biên Hòa, là người có mặt khi chôn các chiến sĩ Việt Nam.

Ông Hiếu bàn với ông Thắng “gọi ngay cho ai quen ở Biên Hòa, nói về các dữ liệu đã thu thập được từ cựu binh Mỹ về vị trí hố chôn tập thể”. Ông Thắng liên lạc với một người từng quen biết trên mạng: đại tá Trần Khương - chính ủy sư đoàn 302. Qua đại tá Trần Khương, các thông tin được chuyển đến đại tá Mai Xuân Chiến - phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai. Từ đây, các thông tin được kết nối với Ban chỉ đạo tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ tỉnh Đồng Nai.

Giữa tháng 3-2017, ông Martin và ông Bob đã đích thân bay sang Việt Nam để hỗ trợ tìm kiếm. Trưa 17-4-2017, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy túi nilông bọc thi thể các chiến sĩ và nhiều di vật trong một hố chôn tập thể ngay trong sân bay Biên Hòa. Đó cũng là vị trí mà Bob đã ghi lại lời bình trên mạng.

Panoramio đã đóng cửa vĩnh viễn

Ngày 16-9-2014, Google bất ngờ tuyên bố họ có dự định đóng cửa Panoramio, chuyển dời tất cả dữ liệu sang Google Maps. Trong quá trình chuyển dời, các thông tin phụ như bình luận (comment), tạo nhóm (group), nhà nhiếp ảnh yêu thích (favorite photographers)… sẽ bị mất. Tuyên bố này đã vấp phải phản ứng mạnh của những nhà sáng lập và cộng đồng sử dụng Panoramio. 10.512 người đã ký thỉnh nguyện thư đề nghị Google “Hãy giữ cộng đồng Panoramio còn sống!”.

Trước áp lực này, ngày 2-6-2015, Google ra tuyên bố họ đang xem xét lại các kế hoạch về Panoramio và mọi việc sẽ được tiếp tục triển khai khi có giải pháp thích hợp. Tuy vậy, đến ngày 5-10-2016, Google ra thông báo chính thức họ sẽ đóng cửa vĩnh viễn Panoramio từ 4-11-2016. Kể từ ngày này, mọi tính năng phụ của Panoramio như ghi lời bình luận, thích,… sẽ không còn thực hiện được nữa. Các hình ảnh trên trang mạng này vẫn còn được lưu giữ, nhưng chỉ người chủ của chúng xem được, và họ có thời hạn 1 năm để chuyển nó sang Google Maps, hay chuyển sang lưu trữ ở nơi khác. Đến đầu tháng 11-2017, tất cả sẽ chấm dứt!

Đối chiếu ngày Panoramio chính thức đóng cửa là 4-11-2016 với ngày Bob Connor ghi bình luận lên bức không ảnh sân bay Biên Hòa là 3-10-2016 ta thoáng chút giật mình. Chỉ cần trễ hơn một tháng nữa thì Bob đã không thể ghi bình luận lên đây vì Panoramio đã đóng cửa, và đầu mối này sẽ không được mở ra!

Google có cái lý của họ khi đóng cửa Panoramio. Tất cả đã có Google Maps. Hiện giờ trên Google Maps người dùng đã có thể đưa ảnh lên tương ứng với từng địa điểm trên bản đồ này, một tính năng y hệt Panoramio. Có vài tính năng của Panoramio không có trong Google Maps, nhưng ngược lại rất nhiều tính năng Google Maps mang lại tiện ích lớn cho người dùng. Việc duy trì song song 2 hệ thống có công dụng tương tự là một sự cồng kềnh, tốn kém và bất tiện cho những dự án phát triển lâu dài của Google.

Dù bạn đã hoặc chưa sử dụng Panoramio thì bây giờ bạn vẫn hoàn toàn có thể tải ảnh lên và xem ảnh của từng địa điểm trên Google Maps, và biết đâu sẽ lại có phát hiện bất ngờ?


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 16/03/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét