Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Thành phố thông minh, qua Tầm nhìn châu Á - Bài 2

Thành phố thông minh là một khái niệm đang được quan tâm nhiều trên thế giới, ở Việt Nam những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang… đang tiến hành xây dựng thành những thành phố thông minh. Mới đây, trên kênh Microsoft Asia đã phát series chia sẻ về Tầm Nhìn Châu Á (Asia Vision Series), trên đó các tác giả đã nêu lên các quan điểm mới của mình về thành phố thông minh tại Châu Á. LĐĐN xin tổng hợp các nội dung này để bạn đọc tham khảo.

Phần 2: Làm thế nào xây dựng một thành phố thông minh



Dịch vụ công dân cần phải dễ tiếp cận, cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy tính minh bạch. Công nghệ đóng một vai trò to lớn để biến điều đó thành hiện thực

Các thành phố thông minh không phải lúc nào cũng chứa đầy những dụng cụ lạ mắt thuộc về tương lai. Đúng hơn, chúng đơn giản chỉ là những thành phố đang giải quyết những thách thức bằng các giải pháp được hỗ trợ bởi công nghệ. Các giải pháp này có thể được áp dụng cho các khía cạnh khác nhau của cuộc sống thành phố, bao gồm việc xem xét lại toàn bộ các hệ thống “giấy tờ” truyền thống được sử dụng cho tất cả mọi thứ từ việc nộp hồ sơ đăng ký xin giấy phép đến việc lưu trữ thông tin.

Stefan Sjöström tin rằng vấn đề không chỉ dừng lại ở chỗ các chính phủ đang cung cấp những dịch vụ gì cho công dân của họ, mà còn gồm cả việc làm thế nào họ có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn. Ông chia sẻ: “Không phải là chính phủ đang không thực hiện các chức năng của mình. Mà vấn đề là liệu các chức năng đó có thể được thực hiện nhanh hơn, với chất lượng tốt hơn, và với những phương thức tốt hơn để theo dõi các hoạt động hay không?”

Sjöström trích dẫn sự hợp tác giữa Microsoft và chính phủ Singapore để thăm dò việc sử dụng chatbot cho một số dịch vụ công cộng chọn lọc làm một ví dụ. “Khai thác sức mạnh của điện toán hội thoại nhằm phát triển các dịch vụ thông minh trả lời câu hỏi của người dân và giúp họ thực hiện nhiệm vụ trên các trang web của chính phủ là một phương pháp tiếp cận như vậy.”

Tuy nhiên, các giải pháp thông minh không chỉ dành cho các thành phố đã phát triển. Các thành phố đang phát triển cũng khám phá ra những cải tiến thú vị, bằng cách triển khai công nghệ để đưa ra các giải pháp độc đáo cho các vấn đề của địa phương. Thật vậy, ông Sjöström giải thích: “Bất kỳ thành phố nào cũng có thể là “thành phố hải đăng'” – một thành phố tỏa sáng bởi đã khai thác tốt công nghệ để giải quyết vấn đề và nâng cao chất lượng cuộc sống”. Những thành công của các thành phố này là mô hình cho những thành phố khác nhìn vào để tìm nguồn cảm hứng và học tập.

Các thành phố có động cơ khác nhau để khai thác các công nghệ thành phố thông minh, cho dù đó là các yếu tố kéo như phát triển kinh tế, hay các yếu tố đẩy như các vấn đề xã hội, ông Sjöström nói thêm. Đối với thành phố biển Nha Trang (Việt Nam) thì đó là yếu tố kéo. Du lịch là một hoạt động kinh tế mũi nhọn ở đây. Trong thực tế, một nửa số sinh viên tại một trường đại học mà ông Sjöström đã ghé thăm theo học chuyên ngành du lịch.

Ông chia sẻ: “Điều thú vị với tôi đó là cách họ đang áp dụng công nghệ vào du lịch, xem xét các dữ liệu như thông tin nhân khẩu học của khách truy cập, và sau đó áp dụng các phân tích dự báo để điều chỉnh dịch vụ sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của các loại khách du lịch khác nhau. Bằng cách tận dụng những hiểu biết sâu sắc từ dữ liệu, họ có thể cải thiện trải nghiệm du lịch qua các mùa. Đó là một thí dụ tuyệt vời về cách công nghệ làm cho mọi thứ kết hợp với nhau hiệu quả.”

Công nghệ cần tiến tới việc giúp đỡ các chính phủ sử dụng dịch vụ đám mây công cộng vì lợi ích của công chúng

Các công nghệ thành phố thông minh đầy hứa hẹn đối với các thành phố ở châu Á, nhưng thông qua các tương tác của mình với các thị trưởng và lãnh đạo thành phố, Sjöström nhận thấy tất cả họ đều có mối quan ngại khi nói đến việc tạo lập cơ sở hạ tầng cho một nền kinh tế kỹ thuật số.

“Công nghệ cần tiến tới việc giúp đỡ các chính phủ sử dụng dịch vụ đám mây công cộng vì lợi ích của công chúng. Chỉ khi đó, những  lợi ích của điện toán đám mây mới tiếp cận được tới tất cả công dân.”

Đối với các thành phố đã phát triển, có một thách thức lớn là sự tự mãn. Sjöström  nhận xét: “Một số thành phố ngồi trên di sản của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đã phát triển trong nhiều năm, và đã trở nên thoải mái đến mức họ không cảm thấy sự cần thiết phải thay đổi cách họ làm mọi việc.”

Ông nhấn mạnh: “Có lối tư duy đúng là điều rất quan trọng để giải quyết các vấn đề của tương lai và chuẩn bị cho người dân sẵn sàng đối phó với chúng. Nếu bạn giữ nguyên mọi thứ, bạn sẽ dễ bị tổn thương bởi vì hệ thống của bạn dễ bị tổn thương. Khung cửa sổ cơ hội đang di chuyển nhanh chóng và chúng ta cần phải học cách di chuyển cùng với nó.”

Hỗ trợ khởi nghiệp cho giới trẻ tại địa phương

Đối với các thành phố đang phát triển, thách thức nằm ở việc xây dựng sự hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Sjöström nhấn mạnh: “Nền tảng điện toán đám mây là một sự hỗ trợ tuyệt vời, nhưng ngoài sự sẵn có của công nghệ, các chính phủ cần phải tận dụng hiệu quả các nhân tài của địa phương để tìm ra các giải pháp cho địa phương. Điều rất quan trọng là cần trao quyền cho các nhà phát triển phần mềm tại địa phương, bởi vì họ là những người gần gũi nhất với các vấn đề để thực sự thúc đẩy được sự thay đổi”.

Sjöström chỉ ra rằng tin tưởng các nhà phát triển tại địa phương để tìm ra các giải pháp cho địa phương cũng là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững: “Nó nuôi dưỡng một cảm giác về tinh thần làm chủ trong giới trẻ, khi họ nhận thấy các giải pháp của họ có khả năng mở rộng và có một doanh nghiệp thương mại được xây dựng dựa theo đó. Họ cảm thấy như họ thực sự có sức mạnh để thay đổi thế giới.”

Thái Thư

Tóm lược từ series Tầm nhìn Châu Á trên kênh Microsoft Asia
LĐĐN - 11/07/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét