Ngày 11- 7-2017, khi Microsoft tuyên bố không hỗ trợ Windows Phone 8.1
nữa thì nhiều tờ báo công nghệ thế giới đã giật tít “Farewell Windows Phone”
(Vĩnh biệt Windows Phone). Tuy nhiên thời điểm ấy Microsoft vẫn còn hỗ trợ
Windows 10 Mobile. Đến giữa tháng 10-2017, khi phó chủ tịch Microsoft Joe
Belfiore xác nhận hãng sẽ không phát triển các tính năng mới hay phần cứng mới
cho nền tảng di động Windows Mobile nữa, thì cái chết của hệ điều hành Windows
trên thiết bị di động đã là chắc chắn.
Những đánh dấu cho
việc khai tử của Windows Phone
Đầu tháng 7-2017, Microsoft thông báo chính thức: “Kể từ
ngày 11 tháng 7 năm 2017, người dùng Windows Phone 8.1 sẽ không còn đủ điều
kiện được nhận bản cập nhật bảo mật mới, cập nhật nóng không liên quan tới bảo
mật, các tùy chọn hỗ trợ có trợ giúp miễn phí hoặc cập nhật nội dung kỹ thuật
trực tuyến miễn phí từ Microsoft nữa.”
Đi kèm thông báo này là lời khuyên nâng cấp lên Windows 10
Mobile: “Microsoft khuyên khách hàng nên nâng cấp những thiết bị chạy Windows
Phone 8.1 đủ điều kiện lên Windows 10 Mobile sớm nhất có thể. Thiết bị đã nâng
cấp lên Windows 10 Mobile sẽ nhận được bản cập nhật bảo mật và dịch vụ theo
chính sách vòng đời hỗ trợ của Microsoft”.
Dù Windows 10 Mobile vẫn được hỗ trợ, nhưng người dùng
Windows Phone vẫn lo âu vì không phải thiết bị nào cũng đủ điều kiện nâng cấp
lên Windows 10 Mobile. Những lời đồn đại về việc kết thúc Windows Phone bắt đầu
lan truyền.
Cuối tháng 9-2017, trong buổi phỏng vấn với Fox News, tỷ phú
Mỹ Bill Gates – người sáng lập Microsoft - đã thú nhận ông vừa chuyển sang dùng…
một chiếc smartphone Android sau nhiều năm trung thành với điện thoại Windows
của Microsoft. Dù Bill Gates tế nhị nói rằng chiếc smartphone Android của ông
có nhiều ứng dụng của Microsoft được cài sẵn, nhưng việc một nhân vật huyền
thoại của Microsoft… không thèm xài hệ điều hành Windows Phone của chính
Microsoft đã cho thấy tương lai của hệ điều hành này như thế nào rồi.
Joe Belifore và thú
nhận của ông về việc kết thúc Windows Phone trên Twitter
Đến giữa tháng 10-2017, Joe Belfiore là phó chủ tịch
Microsoft, và là người có nhiều đóng góp
cho sự phát triển của hệ điều hành Windows Phone, đã thú nhận trên Twitter rằng
Windows 10 Mobile không còn được phát triển nữa. Ông cho biết: “hãng vẫn đưa ra
những bản vá lỗi cho nền tảng Windows 10 Mobile, nhưng việc thêm tính năng mới,
hay phần cứng mới không được chú trọng nữa”. Lời tuyên bố này xem như chính
thức vĩnh biệt Windows Phone!
Một thời vươn lên của
Windows Phone
Trong lĩnh vực hệ điều hành cho thiết bị di động, Microsoft
đã chậm chân hơn Apple (với iOS) và Google (với Android), nhưng hãng tin rằng
với thế mạnh tuyệt đối về hệ điều hành cho máy tính (Windows) của mình
Microsoft sẽ đuổi kịp và qua mặt 2 nhà sản xuất lừng lẫy kia.
Với “khí thế” đó, Windows Phone 7 đã ra đời năm 2010. Với
nhiều người dùng, việc trang bị một chiếc smartphone có Windows Phone là điều
hợp lý, vì họ tin tưởng rằng sự quen thuộc của mình với hệ điều hành Windows
trên máy tính và sức mạnh của Microsoft sẽ giúp chiếc smartphone này đạt hiệu
quả cao nhất. Điều này tưởng chừng là đúng khi vào thời điểm này cả 3 hệ điều
hành iOS, Android và Windows Phone cùng tồn tại trên thị trường. Dù chưa sánh
được với Android và iOS nhưng Windows Phone vẫn là chọn lựa đáng tin cậy với
một thị phần tương đối lớn.
Dấu ấn của Windows Phone là chiếc smartphone Nokia Lumia
520, ra đời tháng 3 năm 2013. Ở thời điểm đó, với giá 3,84 triệu Lumia 520 là
chiếc smartphone giá rẻ được ưa chuộng trên thị trường, đây là chiếc smartphone
giá rẻ hấp dẫn nhất thời đó. Lumia 520 có phần cứng với chip Snapdragon S4
Plus, hệ điều hành Windows Phone 8.0. Các hiệu ứng chuyển cảnh được thể hiện ở
mức “chuẩn” 60fps, khả năng đa nhiệm tuy vẫn còn hạn chế nhưng không hề tệ với
mức RAM 512MB, tốc độ khởi động các ứng dụng cơ bản cũng rất tốt.
Nokia Lumia 520 – Một
thời oanh liệt
Năm 2014, Microsoft càng thể hiện quyết tâm thống lĩnh thị
trường smartphone của mình hơn nữa khi mua đứt Nokia với giá 7,1 tỷ USD và sản
xuất ra những chiếc smartphone thương hiệu Microsoft Lumia – dĩ nhiên là với hệ
điều hành Windows Phone.
Sự suy tàn của
Windows Phone và nguyên nhân
Trái với mong ước của Microsoft, thị phần của Windows Phone
không tăng mà lại ngày càng thu hẹp dần. Tháng 8-2015, thị phần của Windows
Phone là 2,5%, nghĩa là cứ 200 smartphone được bán ra thì chỉ có 5 chiếc cài
đặt Windows Phone.
Ngày 18-5-2016, Microsoft
công bố một thông báo gây chấn động: Microsoft đã đạt được thỏa thuận
bán toàn bộ mảng điện thoại phổ thông đã mua từ Nokia của mình với giá… 350
triệu USD, chỉ bằng 1/20 so với giá mua cách đó 2 năm!
Quý 1-2017, thị phần của Windows Phone chỉ còn 0,1%, nghĩa
là 1.000 chiếc smartphone bán ra thì chỉ có 1 chiếc cài hệ điều hành Windows
Phone.
Giới chuyên môn sẽ còn nhiều phân tích về nguyên nhân thất
bại của Windows Phone cùng những bước đi sai lầm của Microsoft trong cuộc chinh
phục thị trường smartphone, tuy nhiên với người tiêu dùng bình thường đã và
đang dùng smartphone Windows Phone thì nguyên nhân chính là ở các ứng dụng.
Không giống như điện thoại truyền thống với chức năng cơ bản là nghe và nói,
smartphone là một thiết bị cung cấp cho người dùng nhiều ứng dụng hữu ích. Các
ứng dụng này do “bên thứ ba” (không phải nhà sản xuất smartphone hay hệ điều
hành) tạo ra và thường xuyên được cập nhật. Hiện giờ các ứng dụng này hầu như
chỉ viết cho nền tảng Android và iOS chứ không hề viết cho Windows Phone, một
vài ứng dụng đã từng viết cho Windows Phone trong thời hoàng kim của nó thì bây
giờ cũng không được cập nhật. Vì thế, người dùng thiết bị Windows Phone không
có ứng dụng mới để dùng.
Khi Windows Phone đã tới thời điểm cáo chung thì sự “cô đơn”
của các thiết bị dùng hệ điều hành này càng rõ nét hơn nữa. Như vậy những người
đang dùng smartphone với Windows Phone phải làm thế nào? Chắc là phải thay
smartphone mới thôi, vì ngay chính Bill Gates mà còn không dùng smartphone với
hệ điều hành của Microsoft nữa thì huống chi là ai khác?
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 30/10/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét