Sát thủ nổ súng giết chết 49
người trong các cuộc tấn công vào hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố
Christchurch, New Zealand đã live stream cảnh tượng hãi hùng này trên Facebook
để đảm bảo các hành động ghê tởm của họ sẽ được lan truyền nhanh chóng. Điều
này khiến Facebook, YouTube và các công ty truyền thông khác hết sức nỗ lực để
chặn và xóa đoạn phim này cùng các bản sao khác của nó đang tiếp tục lan truyền
như virus.
Khóc thương những
người tử nạn ở một thánh đường Hồi giáo tại Kilbirnie, Wellington, New Zealand
ngày 16-3-2019. Ảnh: Mark Tantrum/Getty Images
Đoạn video dài 17 phút phát trực tiếp trên Facebook đã nhanh
chóng bị gỡ xuống, nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi phát ra nhiều người
đã xem, đã copy và phát lại. Các bản sao của đoạn phim đó nhanh chóng được phổ
biến sang các nền tảng khác, như YouTube, Twitter, Instagram và Reddit, và được
tải trở lại lên chính Facebook. Khi các bản sao này được rút xuống, các phiên
bản khác lại được tải lên ở nơi khác.
Facebook, YouTube và các công ty truyền thông xã hội khác có
hai cách chính để kiểm tra nội dung được tải lên nền tảng của họ. Thứ nhất là
công nghệ nhận dạng nội dung, sử dụng trí thông minh nhân tạo để so sánh các
cảnh quay mới được tải lên với các video bất hợp pháp đã biết. Một khi bạn biết
một nội dung gì bị cấm, thì đó video có nội dung tương tự sẽ bị loại bỏ. Hai
là, các công ty truyền thông tăng cường công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) của họ
với hàng ngàn người điều hành, những người tự kiểm tra video và các nội dung
khác. Tuy nhiên, các công ty này thường không nhận ra nội dung bạo lực trước
khi nó lan truyền như virus, khiến người dùng có thể tiếp cận tức thời nhờ
chính các nền tảng đang cố gắng kiểm soát chúng.
Cả YouTube, Facebook và Twitter đều không trả lời các câu
hỏi của tạp chí TIME về việc họ đã gỡ xuống bao nhiêu bản sao của video. Cảnh
sát New Zealand cho biết họ biết rằng video đang lưu hành trên các mạng xã hội
và kêu gọi mọi người không chia sẻ nó. Facebook
cho biết, video gốc về vụ tấn công chỉ bị gỡ xuống sau khi họ được cảnh sát New
Zealand cảnh báo về sự tồn tại của nó, điều đó cho thấy các thuật toán của
Facebook đã không thể phát hiện ra video.
Người điều hành là con người dễ sinh ra sai lầm. Công việc
này rất mệt mỏi về mặt tâm lý, với những người lao động tiếp xúc với những cảnh
quay kỳ cục nhất có thể tưởng tượng hàng ngày mà lại được trả lương thấp và
được hỗ trợ sức khỏe tâm thần tối thiểu. Facebook, YouTube và Twitter mỗi đơn
vị sử dụng hàng ngàn người điều hành nội dung trên toàn thế giới, các công ty
này gần đây đã hứa sẽ chăm sóc tốt hơn cho công nhân của họ.
Điều đặc biệt thách thức về video ở Christchurch là cuộc tấn
công không phải được ghi lại và tải lên sau đó, mà được phát trực tiếp trong
thời gian thực khi nó đang diễn ra. Công nghệ AI hiện tại không thể phát hiện
ra một cảnh bạo lực khi nó đang được phát trực tiếp và nhanh chóng gỡ xuống
luồng đó trong khi nó vẫn còn xảy ra. Vì vậy, trên các nền tảng như Facebook
Live, YouTube Live và Periscope do Twitter sở hữu, tất cả đều cung cấp cho
người dùng khả năng phát trực tiếp mọi lúc, mọi nơi, kiểm duyệt nội dung nhanh
chóng là một nhiệm vụ gần như không thể.
Các mạng xã hội như Facebook và YouTube, vốn đã bị lên án vì
rất nhiều lý do, giờ đây sẽ lại một lần nữa phải bảo vệ các hoạt động kiểm
duyệt nội dung của họ - và giải thích tại sao một kẻ giết người hàng loạt lại
dễ dàng thao túng hệ thống của họ để thấy hành động ghê tởm của mình trên toàn
thế giới trong vài phút như vậy!
Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 18/03/2019
(Theo Time)
(Theo Time)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét