Tập đoàn Yeah1 ngày 3-3-2019 đã phát thông cáo báo chí giải thích về sự
cố vừa phát sinh trong việc vận hành hoạt động kênh quảng cáo trên YouTube. Dù
vậy, cổ phiếu YEG của Yeah1 trên thị trường chứng khoán vẫn giảm 5 phiên liên tiếp,
từ 245.000 đồng xuống chỉ còn 170.600 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên giao
dịch ngày 8-3-2019. Vốn hóa của doanh nghiệp đã bốc hơi khoảng 2.300 tỷ đồng.
Điều gì đã xảy ra?
Yeah1 cho biết họ nhận được thông tin từ YouTube về việc
chấm dứt Thỏa thuận dịch vụ lưu trữ nội dung (Content Hosting Services
Agreements, CHSA) sau ngày 31-3-2019 đối với các công ty con và công ty đầu tư
tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của tập
đoàn này bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại
Thái Lan mà Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn
kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp
dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube
Adsense trực thuộc tập đoàn Yeah1.
Sau quyết định của YouTube, cổ phiếu YEG của Yeah1 nhanh
chóng giảm sàn nhiều phiên liên tiếp và khiến vốn hóa công ty giảm 2.300 tỷ
đồng, bất chấp nỗ lực trấn an của ban lãnh đạo công ty khi cho biết, mảng kinh
doanh YouTube Adsense chỉ đóng góp khoảng 1 triệu USD cho Yeah1 trong năm 2018,
tương đương khoảng 13% lợi nhuận sau thuế của tập đoàn.
Yeah1Network là kênh
YouTube số 1 ở châu Á
Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán YEG) được thành lập vào tháng 9-2006 với mức vốn ban đầu là 500 triệu đồng, khởi đầu là trang thông tin điện tử www.yeah1.com chuyên cung cấp thông tin giải trí cho giới trẻ. Theo giới thiệu, doanh thu ban đầu của YEG chỉ vỏn vẹn 150 USD cùng xấp xỉ 40.000 lượt xem.
2 năm sau đó, Yeah1 trở thành trang thông tin giải trí lớn nhất Việt Nam với hơn 400.000 người dùng. Cùng năm, YEG thành lập kênh truyền hình giải trí Yeah1TV, chính thức mở rộng mạng lưới hoạt động vào lĩnh vực truyền hình. Năm 2010, YEG mở thêm 2 kênh truyền hình mới, lấn sân vào thị trường của những bà nội trợ và hộ gia đình với Yeah1Family và iMovieTV.
Bước ngoặt lớn diễn ra năm 2015, khi Internet phổ biến, nhanh hơn và rẻ hơn tại Việt Nam đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng: chuyển từ đọc sang xem. Yeah1 bắt tay với YouTube để cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo trên YouTube. Từ đây, Yeah1 bắt đầu có những đột phá trong phát triển.
Yeah1 đầu tư vào lĩnh vực mới – loại hình giải trí phi truyền thống, đầu tư vào mảng kỹ thuật số (quảng cáo kỹ thuật số), bắt tay với Youtube và Google thông qua Netlink. Năm 2015, khi vừa bắt tay với YouTube, trong doanh thu của Yeah1 bắt đầu có khoản thu từ các chương trình phát trên hạ tầng kỹ thuật số với số tiền là 18,8 tỷ đồng. Chỉ một năm sau, năm 2016, đóng góp của mảng này tăng đột biến lên gần 197 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu của Yeah1 thực sự thay đổi.
Năm 2017, với sự góp mặt của Netlink ở 6 tháng cuối năm, doanh thu từ các chương trình phát trên hạ tầng kỹ thuật số của Yeah1 tăng 48,86%, doanh thu từ bán chương trình tăng đột biến lên 105,3 tỷ đồng so với năm 2016 chỉ đạt 13,7 tỷ đồng. Từ đây, Yeah1 có được lợi nhuận đột biến 96,2 tỷ đồng, tăng trưởng 3,4 lần so với năm 2016.
Đến cuối năm 2018, Yeah1 là Mạng đa kênh (MCN – Multi Chanel Network) của YouTube lớn thứ 6 trên thế giới và lớn bậc nhất châu Á. Thời điểm đầu năm 2019, Yeah1 đã trở thành một trong những công ty công nghệ - truyền thông đắt giá nhất Việt Nam với mức định giá hơn 300 triệu USD.
Vì sao quyết định của YouTube ảnh hưởng lớn đến Yeah1?
Nhìn vào cơ cấu kết quả kinh doanh năm 2018 của Yeah1, ta thấy công ty đang phụ thuộc rất lớn vào YouTube. 55,6% doanh thu và đến 88,6% lợi nhuận toàn tập đoàn đều đến từ mảng kinh doanh kỹ thuật số trên YouTube – con số này cho thấy họ phụ thuộc rất nhiều vào người khổng lồ này, với các chính sách rất ngặt nghèo và có thể thay đổi một cách đột ngột.
Với vai trò là một mạng lưới quản lý đa kênh (MCN: Multi Channel Network), Yeah1 thông qua các công ty con, bao gồm SpringMe Pte Ltd, Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC, sẽ làm trung gian để tuyển chọn và quản lý các kênh YouTube riêng lẻ cho các cá nhân, giúp họ thu hút lượt xem và tăng doanh thu quảng cáo. Thông qua các công ty này, hiện Yeah1 là hệ thống kênh YouTube hàng đầu châu Á với hơn 3.000 kênh và 610 triệu người đăng ký.
Nhưng đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định của YouTube. YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (một công ty có trụ sở tại Thái Lan, nơi Yeah1 sở hữu gián tiếp với 16,93% cổ phần) đã có hoạt động quản lý, tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của họ, dẫn tới việc chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung CHSA nói trên. Đáng nói là không chỉ riêng SpringMe bị ảnh hưởng, tất cả các công ty con khác của Yeah1, bao gồm Yeah1 Network và ScaleLab cũng bị YouTube áp dụng chính sách tương tự. Việc một công ty vi phạm nhưng biện pháp trừng phạt lại áp dụng cho cả các công ty độc lập có liên quan cho thấy YouTube có quyền lực gần như tuyệt đối với các mạng lưới kênh này.
Yeah1 đang ứng phó như thế nào?
Tập đoàn Yeah1 nói rằng họ đã có những hành động ngay lập tức để làm rõ thêm với YouTube về bản chất hoạt động, uy tín của tập đoàn cũng như từng đơn vị độc lập trực thuộc. Đồng thời, ban lãnh đạo tập đoàn cũng chủ động thúc đẩy các mảng kinh doanh khác để bảo đảm chiến lược phát triển chung của tập đoàn.
Theo Yeah1, trong những năm vừa qua họ luôn chú trọng phát triển hệ sinh thái truyền thông kỹ thuật số toàn cầu trên nhiều nền tảng để đa dạng hóa nguồn thu và lợi nhuận. Yeah1 cho rằng trong năm 2018, mảng kinh doanh YouTube AdSense chỉ đóng góp khoảng 1 triệu USD, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế (theo Báo cáo tài chính chưa kiểm toán năm 2018) của cả tập đoàn. Các hoạt động kinh doanh khác của Tập đoàn Yeah1 vẫn phát triển theo kế hoạch.
Yeah1 nhấn mạnh họ luôn có chiến lược và định hướng tuân thủ với luật pháp và chính sách của các đối tác. Vì vậy, ban quản lý cấp cao của Tập đoàn Yeah1 đang tích cực làm việc trực tiếp với các quản lý cấp cao của YouTube để hiểu rõ sự việc nêu trên và để đạt được kết quả tích cực về việc tiếp tục các thỏa thuận với YouTube sau ngày 31-3-2019.
Câu chuyện về Yeah1 và YouTube chưa ngã ngũ, nhất là khi
thời điểm “án phạt” có hiệu lực là 31-3-2019 chưa diễn ra, nhưng ảnh hưởng to
lớn của nó cho thấy doanh thu đến từ YouTube lớn đến mức nào cũng như quyền lực
của YouTube mạnh như thế nào.
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 11/03/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét