Ngày 10-6-2019, mạng xã hội du lịch Hahalolo đã chính thức ra mắt. Trong
buổi lễ ra mắt Hahalolo đặt tham vọng có được 2 tỷ người dùng trong 5 năm tới,
đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ). Điều này đặt ra khá
nhiều nghi vấn và nhận được vô số lời phê phán từ cộng đồng.
Không chỉ lễ ra mắt,
trước đó Hahalolo đã nhiều lần tổ chức sự kiện để mời gọi đầu tư. Trong ảnh là
một thiệp mời tham gia sự kiện giới thiệu mạng xã hội Hahalolo tổ chức ngày
12-5-2019
Mạng xã hội du lịch
Hahalolo là gì?
Mặc dù mới chính thức ra mắt từ 10-6, nhưng Hahalolo đã có
mặt từ 1-4-2019. Tại thời điểm đó, đã có rất nhiều bài báo giới thiệu và ca
ngợi rằng Hahalolo sẽ mang lại cho người dùng Việt Nam một mạng xã hội đầu tiên
do chính người Việt phát triển (?).
Theo giới thiệu, Hahalolo có nhiều điểm tiện ích tích hợp mà
các mạng xã hội khác không có, những tiện ích này sẽ là tiền đề để Hahalolo
thay thế các mạng xã hội khác ở Việt Nam. Trên mạng xã hội Hahalolo người dùng có
thể đồng thời đặt khách sạn, đặt tour, mua vé máy bay, mua sắm, chia sẻ những
trải nghiệm du lịch và kết nối với bạn bè. Ngoài ra, Hahalolo cũng hoạt động
như một nền tảng thương mại điện tử khi cung cấp mục mua bán sản phẩm trên
trang của mình. Việc của người dùng là đặt câu hỏi: Làm gì? Đi đâu? Đi bằng gì?
Ăn gì? Mua gì? Những câu hỏi này sẽ có lời giải đáp khi bạn vào ứng dụng
Hahalolo.
Với những mục tiêu như vậy, Hahalolo là một startup đáng
được biểu dương và người dùng sẵn lòng thử nghiệm để ủng hộ sản phẩm Việt này.
Tuy nhiên, qua những sự kiện tiếp theo, người dùng có một cái nhìn khác…
Những mục tiêu không
tưởng
Tại buổi lễ ra mắt ngày 10-6, ông Nguyễn văn Hạ - tổng giám
đốc Hahalolo – đã bày tỏ tham vọng đạt 2 tỷ người dùng tại Việt Nam và toàn thế
giới đến năm 2024, đồng thời niêm yết công ty trên sàn chứng khoán NASDAQ (Sàn
giao dịch chứng khoán New York, Mỹ) vào năm 2024 hoặc 2025. Ông Hạ cũng cho
biết là từ ngày ra mắt phiên bản chính thức (1-4-2019) đến nay Hahalolo đã có
500.000 thành viên đăng ký.
Gần như ngay lập tức, tuyên bố của ông Hạ nhận vô số những
lời chế giễu và được nhận định là “nổ vung trời”, không có cơ sở. Dưới đây là
những dữ liệu cho thấy tham vọng của Hahalolo rất xa hiện thực:
Facebook có số người dùng trên toàn thế giới, tính đến quý
I/2018 là 2,2 tỷ người, tức là mất đến 14 năm để đạt con số 2 tỷ mà Hahalolo
muốn sẽ đạt được trong 5 năm! Còn nếu so sánh với mạng xã hội trong nước, ta
hãy xem xét mạng xã hội Việt thành công nhất hiện nay là Zalo. Mạng xã hội này
chính thức ra mắt vào tháng 12-2012, nhưng phải đến tháng 5-2018 (5 năm rưỡi)
Zalo mới cán mốc 100 triệu người dùng (con số quá xa so với 2 tỷ của Hahalolo).
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn dẫn chứng rất nhiều trường
hợp công ty Việt tuyên bố hùng hồn sẽ qua mặt Yahoo, Google, Facebook… và kết
quả là thất bại thảm hại. Có thể kể:
-
Zing Chat: Năm 2007, Cty VinaGame ra mắt công cụ chat
trực tuyến Zing Chat với tuyên bố sẽ cạnh tranh trực diện với Yahoo!Chat (khi
đó đang là công cụ chat số 1 tại Việt Nam với 20 triệu người dùng) để trở thành
công cụ chat hàng đầu tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Kết quả: 3 năm sau
Zing Chat chết yểu và biến mất.
-
Monova: Là công cụ tìm kiếm của người Việt ra mắt năm
2007 với tuyên bố sẽ qua mặt Google. Kết quả: Monova không còn tồn tại sau 2
năm.
-
Go.vn: Là một mạng xã hội do chính Bộ Thông tin &
Truyền thông xây dựng với vốn đầu tư rất lớn từ năm 2010, được đặt mục tiêu là
cạnh tranh với Facebook. Tuy nhiên sau gần 10 năm, đến nay Go.vn hầu như biến
mất.
Có dấu hiệu SCAM
SCAM là một thuật ngữ tiếng Anh, có nghĩa là “lừa đảo”. Các
dự án có biểu hiện SCAM tinh vi tạo hẳn ra hệ sinh thái cho nhà đầu tư trải
nghiệm, có sản phẩm cho nhà đầu tư trải nghiệm và vẽ ra nhiều những ưu điểm,
lợi thế cạnh tranh… Thế nhưng thực tế thì ngoài những hình ảnh đẹp, tính năng
ưu việt mà họ tự vẽ ra, thì… không có gì cả! Không có khả năng cạnh tranh,
không có khả năng tạo ra lợi nhuận hàng chục phần trăm trả cho nhà đầu tư. Ở
mức kém tinh vi hơn, các dự án này chỉ quảng bá hình ảnh thông qua cam kết trả
lợi nhuận cực cao để đánh vào lòng tham của nhà đầu tư, trả hoa hồng thật nhiều
để câu kéo người tham gia vào dự án và quảng cáo thật nhiều để tạo lòng tin chứ
không có cái gì để thử nghiệm.
Hiện giờ, một người bình thường có thể đăng nhập vào mạng xã
hội Hahalolo để kiểm nghiệm các tính năng của mạng này. Sẽ dễ dàng thấy rằng
các tính năng rất sơ sài, bắt chước Facebook một cách thô thiển. Về kỹ thuật,
xảy ra rất nhiều lỗi khi làm các thao tác bình thường như post bài, ảnh… Đặc
biệt quan trọng là chưa hề có cơ chế kiểm soát bình luận, phát hiện và xoá ảnh
nóng… Với hiện trạng như thế, khả năng thu hút hơn ¼ dân số thế giới sử dụng (2
tỷ người) trong 5 năm tới là một mơ ước viển vông.
Đáng quan tâm là bản thân Hahalolo là một mạng xã hội về du
lịch, nhưng các trang Fanpage (các trang này được tạo trên… Facebook!) hầu hết
không tập trung quảng bá về dịch vụ cốt lõi, hiệu quả, tính năng hoạt động...
mà Hahalolo phần lớn quảng bá việc mở các chi nhánh, liên tục tổ chức nhiều
buổi hội thảo. Đặc biệt, người tham gia phải đăng ký tài khoản, mua cổ phần,
phát hành thẻ VIP...
Một status quảng cáo
để kêu gọi đầu tư của Hahalolo
Theo giới thiệu của một nhân viên bán cổ phần Hahalolo, sở
hữu cổ phiếu Hahalolo, người mua sẽ được cam kết trả cổ tức 6%/cổ phần/năm và
tăng dần lên 15%. Công ty cam kết mua lại số cổ phần sau 3 năm là 200% giá trị
đầu tư, tức người mua cổ phần được cam kết tăng trưởng giá trị hơn 60% mỗi
năm?!
Chủ sở hữu Hahalolo
là ai?
Trả lời phỏng vấn báo Lao Động về nghi vấn đa cấp, huy động
vốn trá hình, tổng giám đốc Nguyễn văn Hạ của Hahalolo khẳng định rằng công ty…
phát triển lành mạnh. Cho đến giờ, công ty vẫn hoạt động đúng pháp luật và vẫn
huy động vốn. Để mọi người thuận tiện tham khảo, xin cung cấp thêm một số thông
tin khách quan về chủ sở hữu Hahalolo như sau:
Cty Cổ phần Mạng xã hội du lịch Hahalolo được thành lập từ
tháng 5-2018, hoạt động trong lĩnh vực cổng thông tin gồm dịch vụ TMĐT; thiết
lập trang thông tin điện tử tổng hợp; thiết lập mạng xã hội. Vốn điều lệ là
55,6 tỉ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Đầu tư
Hahalolo (nắm 25% cổ phần) và hai cổ đông sáng lập cá nhân là ông Nguyễn Văn Hạ
(nắm 55% cổ phần) và ông Nguyễn Văn Quý (nắm 20% cổ phần). Địa chỉ liên hệ: 141
Lý Chính Thắng, Phường 07, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Đầu tư Hahalolo được
thành lập từ tháng 4-2016, vốn điều lệ 4,6 tỉ đồng. Chủ sở hữu công ty này là
ông Nguyễn Tạ, sinh năm 1984, Tổng Giám
đốc cũng chính là ông Nguyễn Văn Hạ. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là
nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận. Đến tháng 10-2018, Công ty TNHH MTV
Dịch vụ và Đầu tư Hahalolo chỉ còn nắm 5% cổ phần của Mạng xã hội du lịch
Hahalolo, chuyển giao 20% cổ phần cho cổ đông khác chưa rõ danh tính.
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 17/06/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét