Ngày 20-6, Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT)
công bố danh sách 40 nhãn hàng xuất hiện quảng cáo trong các clip phản động,
chống phá nhà nước mà Cục mới phát hiện trong thời gian gần đây. Đáng chú ý,
trong danh sách này có những tên tuổi lớn như: Tập đoàn FLC, Thaco PC, Đại học Quốc
gia Hà Nội…
Các quảng cáo được đặt
ngẫu nhiên trên clip, có thể vô tình xuất hiện trên clip có nội dung xấu
Cục PTTH&TTĐT
công bố danh sách các nhãn hàng xuất hiện quảng cáo trong các clip phản động
Ngày 10-6, Cục PTTH&TTĐT đã đưa ra cảnh báo liên quan
đến việc các nhãn hàng, thương hiệu của Việt Nam có xuất hiện hình ảnh quảng
cáo trong các clip có nội dung phản động trên YouTube. Cục PTTH&TTĐT cho biết đến nay đã nhận
được giải trình của 15 công ty, trong đó có: Samsung Vina, FPT shop, Yamaha,
Grab, Shopee, Công ty Clever Ads, …
Nguồn tin từ Cục PTTH&TTĐT cho biết: “Toàn bộ 15 công ty
này đều xác nhận sau khi nhận được thông tin từ Cục PTTH&TTĐT đã ngay lập
tức dừng quảng cáo trên YouTube và yêu cầu YouTube rà soát không để tình trạng
hiển thị các quảng cáo trên các clip phản động tái diễn”.
Đến ngày 20-6, Cục PTTH&TTĐT tiếp tục công bố danh sách
40 nhãn hàng xuất hiện quảng cáo trong các clip phản động, chống phá nhà nước
mà Cục mới phát hiện trong thời gian gần đây. Cục PTTH&TTĐT đã gửi công văn
đến cho các nhãn hàng, thương hiệu này và yêu cầu dừng ngay quảng cáo trong các
clip phản động chống phá nhà nước, hạn trả lời công văn là ngày 27-6-2019.
Trong danh sách 40 nhãn hàng mà Cục PTTH&TTĐT mới phát
hiện vẫn đang quảng cáo trong các clip phản động có những tên tuổi lớn như:
Công ty CP Lữ Hành Việt – Du lịch Việt Nam, Công ty CP Bất động sản Thế kỷ mới,
Công ty TNHH MTV phân phối ô tô du lịch Chu Lai Trường Hải (Thaco PC), Công ty
CP thực phẩm đông lạnh KIDO (kem Merino),
Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt
Nam-Vietravel, Tập đoàn FLC, Khoa quốc tế - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại
học Thương mại – Khoa Đào tạo quốc tế,…
Điều này đã từng xảy
ra
Từ đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã phát hiện tình trạng quảng
cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số
thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi
phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng
cáo của Google. Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Goolge chia sẻ cho
các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp
tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm
nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại
và gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp.
Bộ TT&TT đã gửi công văn cảnh báo tới các doanh nghiệp,
đồng thời tổ chức làm việc với các doanh nghiệp và các đại lý quảng cáo, đại
diện của Google yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng nêu trên. Vì vậy, sau
tháng 3-2017 tình trạng gán quảng cáo trên các clip phản động đã tạm thời được
khắc phục. Tuy nhiên, thời gian gần đây, qua theo dõi, rà soát thông tin trên
mạng xã hội YouTube, Cục PTTH & TTĐT nhận thấy tình trạng này đã và đang
tái diễn trở lại.
Sức thu hút của quảng
cáo trên YouTube
Tại sao đăng quảng cáo trên YouTube gây nên phiền toái như
vậy mà doanh nghiệp vẫn đổ xô vào quảng cáo trên đó?
Hiện giờ YouTube là kênh truyền thông được nhiều người theo
dõi hơn hết và có sức lan tỏa mãnh liệt. Theo thống kê, có hơn 1,9 tỷ người
dùng đăng nhập vào YouTube mỗi tháng. Mỗi ngày, mọi người xem hơn 1 tỷ giờ
video và tạo ra hàng tỷ lượt xem. Hơn nữa, quảng cáo trên YouTube cho phép chọn
đúng đối tượng, tránh lãng phí chi phí quảng cáo. Do vậy, quảng cáo trên
YouTube chi phí vốn thấp hơn các phương tiện truyền thông kinh điển (báo chí,
truyền hình…) mà lại có hiệu quả hơn nhiều. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp
đổ xô vào quảng cáo trên YouTube.
Ở mặt trái, sức hấp dẫn của YouTube cũng thu hút nhiều người
tạo nên video clip để đưa lên YouTube. Vừa có tác động truyền thông cho mình,
vừa thu được tiền quảng cáo (tiền quảng cáo sẽ được chia theo tỷ lệ thích ứng
cho người sáng tạo nội dung và YouTube). Trong số này có không ít video clip có
nội dung độc hại hoặc nhảm nhí, vì chúng có khả năng thu hút người xem. Thế là
xảy ra tình huống quảng cáo của doanh nghiệp rơi vào các video clip xấu.
Tình trạng phức tạp
sẽ còn dai dẳng
Tình trạng quảng cáo của các thương hiệu xuất hiện bên cạnh
các video có nội dung xấu và cực đoan khiến dấy lên làn sóng phản đối trên thế
giới vào đầu năm 2017. Phản ứng trước làn sóng này, YouTube tuyên bố sẽ nhanh
chóng thắt chặt các chính sách, phát triển công nghệ để tăng cường khả năng
nhận diện các video có nội dung tấn công hoặc quấy rối người khác về chủng tộc,
tôn giáo, giới tính hay các thể loại tương tự. Sau đó làn sóng phản đối đã dịu
xuống.
Tuy nhiên, đến tháng 2 năm nay làn sóng tẩy chay này lại bất
ngờ xuất hiện trở lại một cách mạnh mẽ hơn. Nestle và nhiều công ty lớn khác
như Epic Games, Disney, AT&T, Hasbro… tuyên bố rút quảng cáo của mình khỏi
YouTube.
Hiện giờ có tới 400 giờ video được tải lên YouTube mỗi phút,
điều này khiến đội ngũ kiểm duyệt của công ty vô cùng khó khăn trong việc đảm
bảo các quảng cáo thương hiệu được hiển thị với nội dung an toàn. Chính CEO
Google, Sundar Pichai mới đây cũng phải nói rằng Google không thể đảm bảo
YouTube sạch sẽ 100%. Ông nói: “Chúng
tôi biết rằng chúng tôi không đi đúng hướng”.
Một số chuyên gia lại cho rằng YouTube không muốn kiểm soát
triệt để nội dung video tải lên, bởi nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh
thu quảng cáo của công ty cũng như những người sáng tạo nội dung, mặt khác chi
phí cho việc này cũng không phải nhỏ.
Giải pháp về phía nhà quảng cáo là tẩy chay YouTube, như các
làn sóng phản đối đã diễn ra. Thế nhưng với sức lan tỏa mãnh liệt của YouTube
như nêu trên, bỏ quảng cáo trên YouTube sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến doanh thu
của thương hiệu.
Cho đến giờ phút này vẫn chưa có giải pháp nào hài lòng tất
cả các bên.
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 24/06/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét