Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Mạng xã hội “Made in Vietnam”


Ngày 23-7, mạng xã hội Gapo (www.gapo.vn) của Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo (Gapo Technology) chính thức ra mắt tại Việt Nam sau 4 tháng phát triển. Tại buổi ra mắt, Gapo nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital. Khoản đầu tư này dự kiến được sử dụng trong giai đoạn 1 của dự án, mục tiêu đạt 50 triệu người dùng vào năm 2021.

Lễ ra mắt mạng xã hội Gapo ngày 23-7 tại Hà Nội


Mạng xã hội Gapo ra mắt với nhiều triển vọng lớn

Giống như nhiều mạng xã hội khác, Gapo có những tính năng cơ bản như cho phép người dùng đăng bài viết, hình ảnh, video, kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến… Mạng xã hội này cũng sẽ có tính năng livestream và viết blog.

Bên cạnh đó, Gapo cho phép người dùng định danh tài khoản thông qua giấy tờ tuỳ thân để bảo vệ tài khoản, thanh toán trực tuyến hay sử dụng các dịch vụ công. Người dùng không phải lo lắng về việc mất hoặc mạo danh tài khoản để đi lừa đảo. Điểm hấp dẫn là Gapo sẽ chia sẻ doanh thu với những tài khoản định danh. Bạn không cần là một người nổi tiếng, chỉ cần bạn cung cấp một nội dung hấp dẫn như một bài viết hay có nhiều người đọc, một video có nhiều người xem… bạn có thể tạo ra một nguồn thu nhập ổn định.

Những phản hồi tiêu cực

Sự kiện ra mắt khá đình đám và có phần bất ngờ của Gapo khiến nhiều người tò mò, quan tâm tìm hiểu xem Gapo là gì, và họ search trên Google để biết. Kết quả tìm thấy khá bất ngờ: Hội chứng GAPO là một rối loạn di truyền rất hiếm gặp, đặc trưng bởi chậm phát triển, rụng tóc, thiếu răng, teo mắt tiến triển. Cho đến nay, mới chỉ ghi nhận được khoảng 33 trường hợp mắc hội chứng này trên toàn thế giới.

Thế là cộng đồng mạng đua nhau đùa giỡn trên cái tên này, chọc rằng mạng xã hội mang tên một căn bệnh hiểm nghèo thì làm sao phát triển nổi! Chưa hết, có người lại từ cái tên Gapo liên tưởng đến tổ chức Gestapo của Đức quốc xã và nhắc rằng đây là cơ quan mật vụ khét tiếng tàn bạo.

Rủi cho Gapo, ngay sau khi ra mắt với những định hướng lớn lao thì đến chiều ngày hôm ấy mạng này đã chập chờn, khó truy cập và sau đó là chính thức… sập mạng, không truy cập được.

Nhận xét từ giới chuyên môn

Sự cố sập mạng Gapo xảy ra từ chiều 23-7 và ngày 24-7, sau đó đã được khắc phục. Ông Dương Vi Khoa - Giám đốc Chiến lược Gapo - đã đăng một status trên trang Facebook cá nhân thừa nhận rằng Gapo đang gặp phải tình trạng “crash và tắc nghẽn” do hệ thống quá tải khi lượng người truy cập đạt tới giới hạn. Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng điều này chứng tỏ Gapo có sức thu hút nhất định. Qua đó, ông đã xin lỗi người dùng và cho rằng đây là bài học đắt giá cần rút kinh nghiệm.

Một câu hỏi cắc cớ được đưa ra là: Vì sao giám đốc chiến lược của mạng xã hội Gapo lại dùng mạng xã hội khác (Facebook) để thông báo về sự cố của mình?

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã phát hiện và nêu ra khá nhiều lỗi của Gapo, cả về kỹ thuật lẫn nội dung.

Trước hết, những người trong ngành cho rằng thời gian 4 tháng  chuẩn bị để cho ra mắt một mạng xã hội là quá ngắn. Nhiều vấn đề kỹ thuật chưa được xử lý một cách hoàn hảo nên dễ xảy ra lỗi, mà điển hình là sự cố sập mạng ngay ngày đầu tiên ra mắt.

Người ta cũng phát hiện thấy rằng có nhiều phần trong Điều khoản sử dụng của Gapo là sao chép nguyên xi từ Google (giống đến từng chữ!). Người dùng cho rằng ngay cả điều khoản sử dụng cho chính mình Gapo còn không tự tạo ra được thì làm sao người dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm được?

Về việc “Gapo sẽ chia sẻ doanh thu với những tài khoản định danh”, Gapo vẫn chưa cho biết được là mình sẽ chia sẻ như thế nào!

Mạng xã hội Việt Nam

Khi nói đến mạng xã hội, người ta thường nghĩ ngay đến Facebook, bởi vì đây là mạng xã hội lớn nhất thế giới với trên 2 tỷ người dùng. Thế nhưng đó không phải là mạng xã hội duy nhất, có nhiều mạng xã hội khác có độ phủ cũng rất lớn. Ví dụ: WeChat của Trung quốc với 1 tỷ người dùng, Instagram của Mỹ với 1 tỷ người dùng, Twitter của Mỹ với 330 triệu người dùng,...

Ở Việt Nam, Facebook là mạng xã hội lớn nhất với 58 triệu người dùng (số liệu của Statistica tháng 7-2019). Bên cạnh đó người ta còn sử dụng các mạng xã hội khác với số lượng ít hơn nhiều, đặc biệt là các mạng xã hội “made in Vietnam”.

Trước đây đã có những mạng xã hội của Việt Nam như tamtay.vn, Go.vn… nhưng đều không thành công. Tamtay.vn được xem là mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam, ra đời từ 2008 nhưng đã chính thức đóng cửa từ tháng 4-2018 sau 10 năm tồn tại. Go.vn do Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC thực hiện năm 2010 với tham vọng soán ngôi Facebook nhưng nay đã đi vào quên lãng. Ngoài ra, cần phải nhắc đến Zalo. Khởi đầu là một ứng dụng nhắn tin OTT, Zalo phát triển rất nhanh và hiện giờ hoạt động như một mạng xã hội, dù họ chưa hề công nhận điều đó. Theo công bố của chính Zalo, họ đạt được 100 triệu người sử dụng. Nếu đúng vậy, đây là mạng xã hội nhiều người dùng nhất Việt Nam.
Chỉ từ đầu năm đến giờ đã có 4 mạng xã hội của Việt Nam ra đời, đó là VCNET của Ban Tuyên giáo Trung ương (kết hợp với Viettel), VietNamTa của Công Ty TNHH Sản xuất & Đầu tư Thương mại Nhật Việt (trụ sở tại Bình Dương), Hahalolo của Cty Cổ phần Mạng xã hội du lịch Hahalolo và bây giờ là Gapo của Công ty cổ phần công nghệ Gapo.

Trừ VCNET, 3 mạng xã hội còn lại là của tư nhân. VietNamTa ra đời một cách âm thầm từ tháng 2-2019 và đến nay chỉ có 50.000 người đăng ký sử dụng. Hahalolo ra mắt tháng 6-2019 với những màn giới thiệu hoành tráng như “Mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam” (?), dự kiến đạt 2 tỷ người dùng trong 5 năm tới (??)… nhưng bị đánh giá là trò lừa đảo để huy động vốn . Riêng Gapo tạo sự chú ý nhờ có sự cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital.

Rút kinh nghiệm vụ Hahalolo bị “ném đá” khi tuyên bố sẽ đạt 2 tỷ người dùng trong 5 năm tới, đồng sáng lập kiêm CEO của Gapo – ông Hà Trung Kiên – cho rằng “chúng tôi không cạnh tranh với Facebook”, và mục tiêu số người dùng của Gapo cũng khiêm tốn hơn: đến cuối năm 2021 đạt 50 triệu người dùng.

Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp CNTT phía Nam gần đây, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Việt Nam cần có mạng xã hội và công cụ tìm kiếm riêng, khác biệt với Google, Facebook. Từ đó giới chuyên môn tin rằng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm những mạng xã hội nữa ra đời. Qua quá trình sàng lọc từ chính người dùng, những mạng xã hội đáp ứng nhu cầu người dùng cao nhất sẽ được chấp nhận và phát triển, số còn lại sẽ tự đào thải. Đó có thể là VCNET, Gapo hay một mạng xã hội nào khác, hiện nay chưa xuất hiện. Những nhận định ban đầu chỉ là ý kiến tham khảo mà thôi.

Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 29/07/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét