Vụ việc Asanzo bị quy kết “hàng Tàu đội lốt hàng Việt” đang gây nên
nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Trong khi chờ đợi những kết luận chính
thức từ các cơ quan hữu quan, bài viết này xin nêu một số ý kiến riêng về “hàng
hóa sản xuất tại Việt Nam”.
Chưa có quy định thế
nào là “Made in Vietnam”
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4-7, nghi
vấn Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu linh kiện sản xuất tại
Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán đã được nêu ra thảo luận. Phó
cục trưởng Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải khẳng định rằng hiện nay Việt Nam chưa
có quy định rõ ràng về xác định xuất xứ hàng hóa như thế nào thì được gọi là
“Sản xuất tại Việt Nam”, “Hàng hóa của Việt Nam”.
Ông Hải cho biết: “Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với
Chính phủ xây dựng văn bản quy định thế nào hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam và
hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam”. Ông Hải cho biết thêm văn bản này dự
kiến sẽ ban hành ở cấp thông tư. Bộ Công Thương đang đưa ra dự thảo lần đầu,
khi có sẽ công bố trên website lấy ý kiến người dân.
Khái niệm về ODM, OEM
và OBM
Trước khi nêu ý kiến về vấn đề “hàng hóa sản xuất tại Việt
Nam”, ta hãy cùng tìm hiểu qua một số khái niệm.
Trong ngành công nghiệp,
nhất là công nghiệp điện tử, quá trình sản xuất một sản phẩm được chia
thành 3 giai đoạn lớn, được thực hiện bởi các ODM, OEM và OBM:
ODM là viết tắt của từ Original Designed Manufacturer hay
còn gọi là nhà thiết kế sản phẩm gốc. Công ty ODM là công ty hay công xưởng
thực hiện các công việc thiết kế, tạo ra sản phẩm theo sự chỉ định của khách
hàng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp đã có ý tưởng sẽ chỉ đạo bộ phận ODM
thuộc sở hữu của mình thiết kế ra sản phẩm mong muốn, hoặc thuê công ty ODM để
giải quyết vấn đề này. Việc biến ý tưởng thành một sản phẩm thực tế là nhiệm vụ
chính của các công ty ODM.
OEM là từ viết tắt từ Original Equipment Manufacturer hay
còn gọi là nhà sản xuất thiết bị gốc. OEM thường được dùng để chỉ các công ty,
công xưởng thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật
được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác.
OBM được viết tắt từ Original Brand Manufacturer hay còn gọi
là nhà sản xuất thương hiệu gốc. Nhiệm vụ chính của công ty này là phát triển
thương hiệu và duy trì thương hiệu mang lại uy tín tiêu dùng với khách hàng.
Công việc của OBM bao gồm: Marketing, bán hàng, thương hiệu, dịch vụ hậu mãi...
Có thể hiểu loại hình công ty này như một thương nhân, chính họ là người quyết
định chính sách giá cả của sản phẩm, cũng là người đặt tên cho sản phẩm theo
thương hiệu của mình.
Made in Vietnam chưa
phải là sản phẩm của Việt Nam
Bây giờ ta hãy xem xét một ví dụ: Các nhà máy của Samsung
tại Việt Nam hiện nay gia công khoảng 1/3 số smartphone Samsung trên toàn thế
giới. Trong 3 giai đoạn sản xuất nêu trên thì: giai đoạn nghiên cứu phát triển
(công việc của các ODM) là do phía Samsung Hàn quốc thực hiện, giai đoạn phát
triển thương hiệu và bán hàng (công việc của các OBM) cũng do Samsung Hàn quốc
chủ động. Chỉ có giai đoạn gia công (công việc của các OEM) là được thực hiện
tại Việt Nam. Cần chú ý rằng trong 3 giai đoạn trên thì 2 giai đoạn của các ODM
và OBM là mang lại giá trị thặng dư nhiều, đầu tư trí tuệ nhiều để mang lại
hiệu quả kinh doanh cao, còn giai đoạn của các OEM là mang lại giá trị thặng dư
thấp nhất.
Một chiếc smartphone Samsung sản xuất tại nhà máy Samsung ở
Việt Nam được in chữ Made in Vietnam. Điều
này hoàn toàn đúng. Đây là hàng hóa có Xuất
xứ từ Việt Nam. Cũng đúng luôn. Nhưng không ai cầm một chiếc smartphone
Samsung lên mà nói rằng “Đây là hàng Việt
Nam chất lượng cao” cả. Mọi người đều thừa nhận đây là hàng của Samsung, và
Samsung là của Hàn quốc.
Tương tự như vậy, nhà máy Intel ở Khu Công nghệ cao TPHCM
sản xuất ra các chip và các CPU Intel rất cần thiết cho máy tính. Các linh kiện
này được xuất đi khắp thế giới và có mang dòng chữ Made in Vietnam, nhưng không ai nói rằng đây là hàng Việt Nam mà
đều mặc nhiên hiểu rằng đây là sản phẩm của Intel, một công ty nổi tiếng của
Mỹ. Trong trường hợp này nhà máy ở Việt Nam cũng chỉ thực hiện công đoạn OEM,
công đoạn đem lại giá trị thặng dư thấp nhất.
Nhà máy Samsung tại
Việt Nam. Mặc dù các sản phẩm Samsung được sản xuất tại đây, nhưng không ai nói
đó là hàng Việt Nam cả.
Thương hiệu Việt Nam
so với Sản xuất tại Việt Nam
Qua phân tích ở trên, ta thấy rằng một sản phẩm Việt Nam có ý nghĩa thực sự và đem lại hiệu quả cao nhất
cho nền kinh tế Việt Nam lẫn uy tín cho nhà sản xuất Việt nếu nó mang Thương hiệu Việt Nam chứ không phải chỉ
là Made in Vietnam.
Một sản phẩm mang thương
hiệu Việt Nam thì nhà sản xuất phải tối thiểu làm chủ được giai đoạn OBM vì
đây là giai đoạn phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Giai
đoạn quan trọng kế tiếp cần phải làm chủ là ODM để sản phẩm mang những đặc
điểm, tính năng riêng của nhà sản xuất Việt. Hai giai đoạn này thực sự quan
trọng vì chính ở đây mới mang lại hiệu quả lợi nhuận cao nhất.
Giai đoạn OEM ngoài việc là một công đoạn chính trong quá
trình sản xuất, còn là công đoạn giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người
dân. Tuy nhiên, vì đây là giai đoạn mang lại giá trị thặng dư thấp nhất nên đa
số các công ty lớn đều chọn giải pháp là đưa công đoạn này ra nước ngoài, như
Samsung, Intel… lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam là những ví dụ. Hiện nay, đối
với Việt Nam thì việc làm OEM cho các công ty lớn vẫn là giải pháp hợp lý vì nó
giúp giải quyết nhu cầu việc làm và phát triển kinh tế, tuy nhiên về lâu về dài
thì cần phải có những giải pháp căn cơ hơn, đẩy mạnh việc làm chủ giai đoạn ODM
và OBM.
Hiện nay, có một số nhà sản xuất Việt Nam đã làm chủ được
giai đoạn OBM và đưa ra thị trường sản phẩm mang thương hiệu Việt như
smartphone Bphone của BKAV, Vsmart của VinGroup…; ô tô THACO của Trường Hải,
VinFast của VinGroup… Ở giai đoạn ODM thì do tính chất bí mật nội bộ ta khó có
thể biết được mức độ làm chủ công nghệ của các công ty này như thế nào nhưng có
thể tin rằng ở giai đoạn ODM này tất cả các doanh nghiệp trên đã góp phần không
nhỏ cho việc sáng tạo ra sản phẩm.
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 08/07/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét