Hiện nay đang rộ lên phong trào sử dụng ứng dụng FaceApp. Chức năng
được sử dụng nhiều nhất của ứng dụng này là đưa vào chân dung của mình để xem
nhiều năm sau mình sẽ già đi ra sao. Việc đổ xô dùng FaceApp khiến các chuyên
gia đưa ra lời cảnh báo rằng nguy cơ mất dữ liệu cá nhân rất cao khi dùng ứng
dụng này.
FaceApp là gì?
Như tên gọi của nó (FaceApp nghĩa là ứng dụng về gương mặt),
đây là một ứng dụng cho phép người dùng xử lý ảnh chân dung của mình một cách
nhanh chóng nhất, như: thay đổi kiểu tóc, thêm râu, trang điểm gương mặt, thêm
nụ cười trên mặt… và đặc biệt là thay đổi độ tuổi, xem khi mình già đi thì
gương mặt sẽ như thế nào. Chính tính năng thay đổi độ tuổi này, được xử lý bằng
trí tuệ nhân tạo, đang thu hút nhiều người dùng nhất.
Ứng dụng FaceApp trên
Android và hình minh họa tính năng thêm tuổi
Trên kho ứng dụng Android, ta thấy FaceApp đã có trên 100
triệu lượt tải xuống, được đánh giá 4,5 sao và là ứng dụng miễn phí phổ biến
nhất hiện nay. Điều đáng chú ý là đây không phải ứng dụng mới ra đời, mà đã
phát hành từ 14-2-2017, có nghĩa là đã gần hai năm rưỡi. Thế nhưng suốt từ đó
đến thời gian gần đây, hầu như không ai biết hay quan tâm đến nó.
Lời cảnh báo của các
chuyên gia
Vấn đề cốt lỏi nằm ở điều khoản sử dụng của FaceApp. Điều
khoản sử dụng là nội dung mà tất cả các ứng dụng đều phải có và phải được ghi
rõ trong thông tin về ứng dụng và người dùng cần đọc kỹ trước khi quyết định
tải ứng dụng đó về dùng, tiếc là đa số người dùng đều… không thèm đọc mà cứ tùy
tiện tải về. Điều khoản của FaceApp được ghi rõ như sau:
Khi đồng ý, bạn đã cấp
cho FaceApp một giấy phép vĩnh viễn, không thể hủy ngang, không giới hạn, miễn
phí bản quyền, hợp lệ trên toàn thế giới, giấy phép phụ có quyền chuyển nhượng,
tái bản, sửa đổi, điều chỉnh, xuất bản, dịch, tạo các sản phẩm phái sinh, phân
phối, đăng tải công khai nội dung người dùng của bạn cùng với bất kì thông tin
tên tuổi, ảnh chân dung đi kèm dưới bất kì dạng thức hiển thị nào mà không phải
bồi thường. Khi bạn chia sẻ nội dung người dùng thông qua ứng dụng của chúng
tôi, bạn cần hiểu rằng nội dung đó cùng những thông tin liên quan như tên, ảnh
chân dung, thông tin vị trí... được hiển thị công khai.
Đọc điều khoản này, bạn sẽ thấy một khi đã đồng ý sử dụng
FaceApp thì bạn đã chấp nhận trao gần như toàn bộ cho nó thông tin cá nhân của
mình và nó có quyền sử dụng những thông tin ấy một cách công khai mà bạn không
có quyền khiếu nại.
Còn đây là quyền của FaceApp:
Khi đọc thấy FaceApp có quyền: đọc nội dung thẻ SD của bạn,
sửa đổi hoặc xóa nội dung thẻ nhớ, có quyền truy cập mạng đầy đủ, xem kết nối
mạng, nhận dữ liệu từ Internet, đọc cấu hình dịch vụ của Google… thì liệu bạn
có yên tâm không?
Ông Peter Kostadinov, từ website PhoneArena, đặt tình huống:
“Khuôn mặt của bạn có thể sẽ được xuất hiện đâu đó trên bảng quảng cáo ở
Moscow. Bên cạnh đó, chúng cũng sẽ được dùng để huấn luyện các thuật toán nhận
diện khuôn mặt của AI”.
Những vụ rò rỉ thông tin cá nhân trên Facebook gần đây đã
làm hãng này lao đao khắc phục, còn giờ đây với FaceApp sẽ không phải là rò rỉ
thông tin nữa mà là do người dùng đã tự nguyện cung cấp, lại còn đồng ý cho
FaceApp sử dụng thông tin của mình một cách thoải mái nữa.
Sự việc được nâng lên một mức độ cảnh giác cao hơn nữa, khi
có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trên thế giới, mà cụ thể là Mỹ. Ngày
17-7-2019, Thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ ở Thượng viện Mỹ, Chuck Schumer, chính
thức gửi văn bàn yêu cầu FBI và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ điều tra về tính
an toàn, bảo mật, nguy cơ an ninh của FaceApp này. Lý do: FaceApp là một ứng
dụng của Nga nên dữ liệu và hình ảnh của người dùng do ứng dụng thu thập được có
thể bị cơ quan an ninh tình báo Nga khai thác cho hoạt động của mình để chống
Mỹ.
FaceApp không có gì
nguy hiểm?
Khi những cảnh báo nêu trên được đưa ra, nhiều người đã lỡ
dùng FaceApp giật mình lo ngại. Những người chưa dùng thì cảnh giác ngay và
không đụng tới ứng dụng này. Tuy nhiên lại có một luồng ý kiến khác cho rằng
chẳng có gì đáng quan ngại.
Lập luận của luồng ý kiến này như sau:
Việc Mỹ cùng một số nước phương Tây cảnh giác trước ứng dụng
FaceApp chỉ đơn giản vì đây là một ứng dụng của Nga. Cái gì của Nga hay Trung
quốc đều làm cho Mỹ và các nước phương Tây e dè, còn trên thực tế chưa có gì
chứng minh sự nguy hiểm của FaceApp.
Việc lo sợ FaceApp lấy cắp thông tin và hình ảnh cá nhân thì…
có lo cũng bằng thừa, vì trên thực tế… đâu còn dữ liệu cá nhân nào là riêng tư
nữa. Các ứng dụng trước đó, và ngay cả Facebook cũng đã sở hữu thông tin cá
nhân của người dùng từ lâu rồi. Hầu như khi tham gia mạng xã hội hay cài đặt
ứng dụng nàolà mặc nhiên bạn đã cho họ quyền sở hữu và khai thác thông tin cá
nhân của mình rồi. Vấn đề chỉ là ít hay nhiều và mục đích sử dụng mà thôi. Như
vậy việc có thêm một ứng dụng là FaceApp khai thác thông tin cá nhân của bạn
cũng chẳng làm ảnh hưởng gì thêm đến tính riêng tư cả.
Có nên sử dụng
FaceApp không?
Với hai quan điểm trái ngược nhau như vậy, liệu có nên dùng
FaceApp hay không? Dùng hay không là quyền chủ động của mỗi người, tùy theo
nhận định riêng của mình và sự ham thích sử dụng ứng dụng mới này, nhưng dù sao
đi nữa, sự an toàn trên không gian mạng cần phải luôn luôn được đề cao. Ngày
càng có nhiều những ứng dụng cố tình sử dụng thông tin cá nhân của người dùng
vào những mục đích không tốt mà chúng ta chưa lường hết được. Vì thế, khi chưa
được kiểm chứng bởi những đơn vị có uy tín và/hoặc không có được sự bảo đảm bởi
chính ứng dụng đó trong Điều khoản sử dụng thì tốt nhất là ta chưa nên sử dụng
để bảo đảm an toàn thông tin cho mình.
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 22/07/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét