Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

20 năm con người có mặt trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS)

Trạm vũ trụ Quốc tế (International Space Station, viết tắt: ISS) là một tổ hợp công trình nghiên cứu không gian quốc tế, với sự hợp tác của 5 cơ quan: NASA (Mỹ), RKA (Nga), JAXA (Nhật), CSA (Canada) và 10 trong 17 nước thành viên của ESA (châu Âu). Cách nay đúng 20 năm, ngày 2-11-2000, phi hành đoàn đầu tiên gồm các nhà du hành vũ trụ và nhà nghiên cứu đến thường trú tại ngôi nhà mới của họ trên ISS, mở ra một chương mới trong khám phá không gian của con người.

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Ảnh: NASA

Nhân dịp này NASA phối hợp với Google Art & Culture tổ chức kỷ niệm bằng sự kiện online với rất nhiều nội dung hấp dẫn. Một trong những nội dung đó là tổng hợp 20 câu hỏi thường gặp nhất về Trạm vũ trụ quốc tế và câu trả lời của NASA, thông qua đó người đọc có thể hiểu một cách khái quát nhưng đầy đủ và chính xác nhất về Trạm vũ trụ quốc tế. Sau đây là nội dung 20 câu hỏi và trả lời.

1. Tại sao phải nghiên cứu trên trạm vũ trụ?

Trạm vũ trụ là phòng thí nghiệm duy nhất trên thế giới cho phép các nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm dài hạn trong môi trường vi trọng lực. Nó cho phép các phi hành gia thực hiện các cuộc khảo sát không thể thực hiện được ở bất kỳ nơi nào khác và thông tin thu thập được qua việc này mang lại nhiều lợi ích cho Trái đất.

2. ISS đã ở trong không gian từ bao lâu?

Trạm vũ trụ ISS liên tục có mặt con người kể từ tháng 11-2000. Tuy nhiên, Zarya, mô-đun đầu tiên của ISS đã được phóng lên từ tháng 11-1998.

3. ISS lớn cỡ nào?

ISS dài 109m, rộng 75m (tương đương một sân bóng đá) và nặng 420 tấn.

4. ISS bay ở độ cao bao nhiêu?

ISS bay ở độ cao khoảng 400 km phía trên Trái Đất.

5. ISS di chuyển với tốc độ bao nhiêu?

ISS di chuyển với tốc độ khoảng 8 km/giây. Nó quay quanh Trái đất khoảng 90 phút một vòng. Điều đó có nghĩa là mặt trời sẽ mọc và lặn trên trạm 16 lần một ngày.

6. Mất bao lâu để đến trạm vũ trụ quốc tế?

Việc di chuyển từ bãi phóng ở Baikonur, Kazakhstan đến ISS bằng tàu Soyuz của Nga có thể mất từ ​​6 đến 48 giờ, tùy thuộc vào quy trình phóng và vị trí của trạm trên quỹ đạo.

7. Các phi hành gia ở trên trạm vũ trụ bao lâu?

Một nhiệm vụ điển hình kéo dài khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, với các sứ mệnh kéo dài trong tương lai của NASA, một số phi hành gia sẽ phải ở lại tới 340 ngày để xem vi trọng lực ảnh hưởng đến cơ thể con người như thế nào trong thời gian dài ở trong không gian.

8. Cơ thể của bạn thay đổi như thế nào khi sống trên ISS?

Ngay khi bước vào trạng thái không trọng lực, chất lỏng ở chân và phần dưới của cơ thể di chuyển lên trên về phía đầu, làm cho khuôn mặt của bạn có cảm giác sưng tấy. Một số phi hành gia cảm thấy chóng mặt và đau bụng khi họ bắt đầu làm quen với chế độ không trọng lực, nhưng cảm giác này thường hết sau vài ngày. Các thành viên phi hành đoàn phải tập thể dục hai giờ mỗi ngày để giữ sức khỏe và giữ cho xương và cơ của họ chắc khỏe.

9. Các phi hành gia ăn gì trên ISS?

Phi hành đoàn Expedition 21 đang dùng bữa trên Trạm vũ trụ quốc tế, ngày 23-11-2009. Ảnh NASA

Phi hành gia có thể chọn từ nhiều loại thực phẩm như trái cây, các loại hạt, bơ đậu phộng, thịt gà, thịt bò, hải sản, kẹo, bánh hạnh nhân, v.v… Việc chuẩn bị khác nhau tùy theo loại thực phẩm. Vì không có bếp hoặc lò vi sóng trên trạm vũ trụ, hầu hết thực phẩm được nấu chín, sau đó đông lạnh sấy khô và đóng gói chân không, hoặc được ổn định nhiệt, giống như thực phẩm cắm trại. Những gói thực phẩm đông khô này có thể được hoàn nguyên bằng cách thêm nước và sau đó hâm nóng trong lò hâm nhỏ. Các nhà dinh dưỡng đảm bảo thực phẩm mà các phi hành gia ăn sẽ cung cấp cho họ nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cân bằng. Thức ăn được chuẩn bị sẵn ở Mỹ và các quốc gia có gửi phi hành gia đến sống trên ISS.

10. Các phi hành gia làm công việc gì trên trạm vũ trụ?

Các nhà du hành vũ trụ trên ISS luôn bận rộn với việc vận hành nhiều thí nghiệm khoa học trên trạm. Họ phải đảm bảo trạm ở trạng thái tốt nhất, vì vậy họ làm sạch, kiểm tra thiết bị và bảo trì, sửa chữa hoặc thay thế các thiết bị hỏng. Đôi khi các phi hành gia cần đi bộ ngoài không gian để làm công việc bảo trì bên ngoài trạm. Các hoạt động bên ngoài phương tiện này (Extra-vehicular activity, viết tắt EVAs) giúp duy trì hoạt động của ISS.

Stefanyshyn-Piper đang thực hiện chuyến EVA đầu tiên của phi hành đoàn Expedition 13, ngày 12-9-20016. Ảnh: NASA

11. Làm thế nào để các phi hành gia ngủ trong không gian?

Trong trạm không gian không có “trên” hoặc “dưới”, và do đó, các phi hành gia có thể ngủ ở bất kỳ hướng nào. Tuy nhiên, nhiều người thích gắn mình vào thứ gì đó, nhờ đó họ sẽ không bị trôi bồng bềnh và va vào  thứ gì đó. Các phi hành đoàn của ISS thường ngủ trong túi ngủ đặt trong các cabin nhỏ. Mỗi cabin này chỉ đủ chỗ cho một người.

12. Có bao nhiêu người đã bay lên trạm vũ trụ?

241 người (và đang tiếp tục tăng) từ 19 quốc gia đã đến ở ISS.

13. Nhiệt độ trên trạm vũ trụ là bao nhiêu?

Nhiệt độ bên trong ISS khoảng 22 độ C. Phi hành đoàn có thể đặt lại nhiệt độ trong khoảng từ 18 đến 26 độ C. Tùy thuộc vào hướng và luồng không khí, nhiệt độ bên trong ISS có thể thay đổi từ vị trí này sang vị trí khác.

14. Trạm vũ trụ đi theo múi giờ nào?

ISS sử dụng GMT (Giờ chuẩn Greenwich). GMT đã được chọn làm múi giờ cho trạm vì nó nằm quanh điểm giữa của tất cả các đối tác ISS.

15. Làm thế nào để các phi hành gia giặt quần áo của họ?

Không có máy giặt trên trạm vũ trụ, vì vậy các phi hành gia phải mặc quần áo của họ trong vài ngày mới được thay. Đồ mặc vận động được thay hàng tuần, đồ lót được thay vài ngày một lần, trong khi áo sơ mi và quần dài có thể phải mặc trong nhiều tuần.

16. Làm thế nào để bạn trở thành một phi hành gia?

Ở Mỹ, để trở thành phi hành gia, bạn phải đáp ứng 4 yêu cầu. Một, bạn phải là công dân Mỹ. Hai, bạn cần phải có bằng thạc sĩ trong lĩnh vực STEM từ một trường đại học hoặc tổ chức có uy tín được công nhận. Ba, bạn phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn có liên quan sau khi tốt nghiệp, hoặc ít nhất 1.000 giờ phi công chỉ huy trên máy bay phản lực. Bốn, bạn phải có khả năng vượt qua bài kiểm tra thể chất phi hành gia chuyến bay dài hạn của NASA.

17. Các phi hành gia được đào tạo bao lâu trước khi họ lên ISS?

Các phi hành gia được đào tạo liên tục cho chuyến bay. Khóa đào tạo ban đầu bao gồm tìm hiểu về các hệ thống trạm vũ trụ cơ bản, đi bộ trong không gian và vận hành cánh tay robot. Họ tiếp tục khóa đào tạo này trong khi chờ được giao nhiệm vụ. Sau khi được chỉ định thực hiện một chuyến bay, quá trình huấn luyện cụ thể cho sứ mệnh có thể mất đến ba năm. Thời gian đào tạo phụ thuộc vào mức độ phức tạp của các nhiệm vụ đối với sứ mệnh. Các sứ mệnh trên ISS yêu cầu các phi hành gia phải biết nói tiếng Nga, điều này làm tăng thêm thời gian cho khóa đào tạo.

18. Bạn đi vệ sinh trong không gian như thế nào?

Để không bị trôi, bạn phải sử dụng dây buộc chân và dây đai khi “ngồi” trên bàn cầu. Điều này giữ bạn trên bàn cầu, giống như một dây an toàn. Thứ hai, bô không gian sử dụng lực hút, không phải nước, để “xả”.

19. Các phi hành gia làm gì để giải trí trên ISS khi họ được nghỉ?

Các phi hành đoàn của ISS có thể yêu cầu bộ phận kiểm soát sứ mệnh gửi cho họ các chương trình để họ xem trong bữa tối hoặc ngoài giờ làm việc. Họ cũng có thể xem phim trên laptop. Họ có thể mang theo sách, nhạc cụ... Một số khác chọn làm công việc theo sở thích, như vẽ, chụp ảnh, nghe radio. Họ cũng có thể dành thời gian nhìn ra cửa sổ ngắm Trái đất xinh đẹp bên dưới, nghe nhạc, lướt web hoặc trò chuyện với bạn bè và gia đình ở quê nhà.

20. Các phi hành gia có thể gọi cho gia đình của họ từ ISS không?

Cho đến một vài năm trước, các phi hành gia không thể giao tiếp dễ dàng với những người trên mặt đất. Giờ đây, họ có thể gửi email trực tiếp cho bạn bè và gia đình, đồng thời có thể gọi điện thoại bằng kết nối thông qua máy tính.

Phạm Hoài Nhân
(Biên dịch từ Getting to Know the ISS của NASA trên Google Art & Culture,
có biên tập lại các đơn vị đo).
Đồng Nai Cuối tuần - 08/11/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét