Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Bắt nạt qua mạng: Không hề là chuyện nhỏ!

Hiện tượng bắt nạt vốn có từ xưa, thế nhưng khi không gian mạng ngày càng mở rộng và công nghệ tiến bộ thì nó càng phát triển mạnh và gây ra nhiều hậu quả khó ngờ. Một báo cáo gần đây của Microsoft khiến người ta giật mình khi cho biết hiện nay trong 10 người dùng Internet tại Việt Nam thì có hơn 5 người liên quan đến các hành vi bắt nạt.

Thế nào là bắt nạt qua mạng?

Bắt nạt qua mạng – một vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu - được diễn tả bằng thuật ngữ tiếng Anh là cyberbullying - là một hình thức bắt nạt hoặc quấy rối bằng các phương tiện điện tử. Diễn giải chi tiết hơn, bắt nạt qua mạng là khi một cá nhân bị đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm xấu hổ hoặc tra tấn tinh thần qua tin nhắn, trang web, mạng xã hội hay các thiết bị điện tử.

Hành vi bắt nạt qua mạng thường thấy nhất là nhục mạ người khác qua mạng xã hội, điều này nhiều khi gây ra hậu quả rất bi thảm. Ảnh minh họa.

Bắt nạt qua mạng thường được thể hiện qua những hành vi sau đây:

-        Gửi thông điệp hoặc tin nhắn có nội dung xấu tới email hoặc điện thoại di động của ai đó.

-        Phát tán những tin đồn nhảm, có tính chất xúc phạm hoặc đe dọa qua mạng.

-        Lấy trộm thông tin cá nhân, ảnh/clip riêng tư hoặc không đẹp của ai đó rồi tung ra thông điệp gây hại.

-        Giả danh ai đó khác trên mạng để làm tổn thương người khác.

-        Nhắn tin gợi dục (mà chưa có sự đồng thuận) hoặc lưu hành những hình ảnh hoặc tin nhắn khêu gợi tình dục về một ai đó.

Tác hại của hành vi bắt nạt qua mạng

Điều đáng sợ của hành vi bắt nạt qua mạng so với bắt nạt trực tiếp là trong hầu hết trường hợp nạn nhân bị nhiều người tấn công hơn và không biết ai là người tấn công mình. Trước đây, người ta cho rằng đối tượng bị bắt nạt qua mạng là thanh thiếu niên, nhưng ngày nay thực tế cho thấy người trưởng thành cũng bị bắt nạt qua mạng rất nhiều.

Theo khảo sát mới đây của Microsoft ở phạm vi toàn cầu, khi được được hỏi về tác động của hành vi bắt nạt qua mạng tại nơi làm việc, các đáp viên cho biết hậu quả phổ biến nhất là cảm thấy bị sỉ nhục (58%), theo sau là mất tinh thần (52%) và mất tự tin (51%). Các tác động cũng khác nhau giữa các thế hệ. 53% người được hỏi trong độ tuổi 18-24 cho biết cảm thấy bị cô lập và trầm cảm do bị bắt nạt, trong khi đó những đáp viên thuộc thế hệ X (những người sinh ra giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1980) làm việc kém hiệu quả hơn (58%). Những người gặp phải hành vi bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến tại nơi làm việc cũng cho biết họ cảm nhận được nỗi đau “không thể chịu đựng được hoặc nghiêm trọng” từ những trải nghiệm đó. (Trích báo cáo của Microsoft ngày 14-9-2020).

Một trường hợp đau lòng mới xảy ra do bắt nạt qua mạng trên thế giới là cái chết của ngôi sao người Nhật Hana Kimura. Hana Kimura là một nữ đô vật Nhật Bản đang lên. Ngoài những trận thượng đài ghi dấu tên tuổi, cô còn là một ngôi sao truyền hình thực tế, khi tham gia vào show Terrace House nổi tiếng. Cô đã quyết định từ giã cõi đời ở tuổi 22 vào rạng sáng 23-5-2020 (giờ Nhật Bản) sau những ngày là nạn nhân của sự bắt nạt, tấn công từ cộng đồng mạng, phải nhận hàng trăm tin nhắn mắng chửi mỗi ngày.

Nữ đô vật nổi tiếng Hana Kimyra đã tự tử chết ở tuổi 22 vì không chịu đựng nổi sự bắt nạt qua mạng. Ảnh: comicbook.com

Ở Việt Nam, có lẽ mọi người vẫn còn nhớ một trường hợp bi thảm xảy ra cách đây 5 năm, ngay tại Đồng Nai. T. là một nữ sinh cấp 2 mới 15 tuổi, cô bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Clip này bị chia sẻ nhanh chóng và nhận được vô vàn lời bình phẩm cay nghiệt. Chịu không nổi với miệng lưỡi người đời – trong đó hầu hết là những người chưa từng quen biết cô – cô bé đã uống thuốc diệt cỏ để quyên sinh và qua đời sau đó.

Hiện trạng bắt nạt qua mạng hiện nay ra sao?

Mặc dù trên thế giới và Việt Nam đã có những nỗ lực để hạn chế việc bắt nạt qua mạng, nhưng qua khảo sát của Microsoft công bố ngày 14-9 tình hình vẫn còn rất đáng ngại.

Theo kết quả nghiên cứu, 38% người dân ở 32 quốc gia nói rằng họ đã từng liên quan đến một vụ bắt nạt, với tư cách là nạn nhân, người có hành vi bắt nạt hoặc là người chứng kiến. Tại Việt Nam, 51% người dùng mạng, bao gồm 48% người trưởng thành và 54% thanh thiếu niên, cho biết họ từng có liên quan đến một “vụ bắt nạt”, 21% cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến ​​hành vi bắt nạt hoặc quấy rối.

Nghiên cứu cũng khảo sát người trưởng thành về hành vi “bắt nạt”, hay còn được gọi là “quấy rối”, cả trong và ngoài nơi làm việc. Tại Việt Nam, 15% cho biết đã thấy hành vi bắt nạt tại nơi làm việc của họ và 44% gặp ở bên ngoài. Đặc biệt trong tình hình đại dịch hiện nay, khi người ta phải làm việc online rất nhiều thì ranh giới giữa cuộc sống và công việc đã không còn rõ ràng, tình trạng bắt nạt lại càng trở nên trầm trọng hơn nữa.

Những giải pháp ứng phó với bắt nạt qua mạng của Microsoft

Nghiên cứu của Microsoft cho thấy khi là mục tiêu của hành vi bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến, hầu hết mọi người ở Việt Nam đều chặn kẻ bắt nạt (63%) hoặc chia sẻ với bạn bè về chuyện đã xảy ra (58%), số còn lại thì phớt lờ kẻ bắt nạt (43%). 50% đáp viên cho biết họ đã báo cáo hành vi cho công ty truyền thông xã hội hoặc nhà cung cấp khác.

Microsoft khuyến khích mọi người ở mọi lứa tuổi nếu gặp bất kỳ hành vi đe dọa hoặc quấy rối trực tuyến nào hãy báo cáo cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có liên quan. Báo cáo của người dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho mọi người trải nghiệm trực tuyến an toàn và đáng tin cậy. Microsoft luôn đính kèm đường dẫn để người dùng báo cáo lạm dụng hoặc chia sẻ mối quan tâm trong mỗi sản phẩm hoặc dịch vụ, hay các biểu mẫu web theo chủ đề cụ thể để người dung báo cáo nội dung khiêu dâm không có sự đồng thuận (hay còn gọi là “khiêu dâm trả thù”), nội dung khủng bố và phát ngôn tấn công.

Nghiên cứu mới nhất của Microsoft, “Ứng xử văn minh, An toàn và Tương tác trực tuyến – 2020”, đã thăm dò ý kiến ​​thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi và người trưởng thành từ 18-74 tuổi về trải nghiệm trực tuyến của họ và khả năng gặp phải 21 rủi ro trực tuyến khác nhau trong bốn danh mục: hành vi, tình dục, danh tiếng và cá nhân/xâm phạm. Kết quả đầy đủ của nghiên cứu này sẽ được công bố vào Ngày an toàn Internet quốc tế, diễn ra vào tháng 2 năm 2021.

Những điều khoản của Facebook để ngăn ngừa bắt nạt qua mạng

Trong các điều khoản của mình, Facebook có ghi: Chúng tôi không nhân nhượng bất cứ hành vi nào gây nguy hiểm cho mọi người, dù ai đó đang tổ chức hoặc ủng hộ sự bạo lực trong thế giới thực hoặc bắt nạt người khác. Người dùng có thể xem “Tiêu chuẩn cộng đồng” của Facebook để hiểu loại chia sẻ nào được phép trên Facebook, loại nội dung nào có thể bị báo cáo và bị gỡ.

Ví dụ nếu bị ai đó bắt nạt, quấy rối hoặc tấn công trên Facebook thì những điều bạn có thể làm là:

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình huống, bạn hãy làm như sau:

-        Hủy kết bạn với người này. Chỉ bạn bè trên Facebook mới liên hệ được với bạn qua tính năng trò chuyện của Facebook hoặc đăng trên dòng thời gian của bạn.

-        Chặn người này. Hành động này sẽ ngăn người đó thêm bạn làm bạn bè và xem những nội dung bạn chia sẻ trên dòng thời gian.

-        Báo cáo về người này hoặc bất kỳ nội dung lạm dụng nào họ đăng.

Những điều khoản của YouTube để ngăn ngừa bắt nạt qua mạng

Nội dung đe dọa các cá nhân không được phép xuất hiện trên YouTube. YouTube cũng không chấp nhận nội dung dùng lời lẽ xúc phạm có ác ý hoặc trong thời gian dài để nhắm vào một cá nhân dựa trên các đặc điểm riêng biệt, bao gồm đặc điểm cơ thể hay việc người đó thuộc nhóm người được bảo vệ.

Nếu bạn phát hiện nội dung vi phạm chính sách này, hãy báo cáo nội dung đó. Nếu phát hiện thấy nhiều video hoặc bình luận mà bạn muốn báo vi phạm, bạn có thể báo cáo kênh vi phạm.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét