Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Học miễn phí về Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu

Bạn vẫn còn một tuần để đăng ký và tham gia các khóa học miễn phí nhưng rất có giá trị từ Căn bản đến Trung và Cao cấp do Google cung cấp. Chương trình phù hợp ngay cả với những người chưa có kinh nghiệm về Dữ liệu (Data) hay Máy học (AI/ML), hữu ích cho người kinh doanh trực tuyến, người làm tiếp thị số (digital marketer) hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Hãy nhanh tay lên!

Vận dụng dữ liệu mua bán online của mình như thế nào để tối ưu kinh doanh? Đây là câu hỏi của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn người kinh doanh cá nhân, tuy nhiên, hầu hết đều chưa biết bắt đầu từ đâu. Việc phân tích dữ liệu cho các chiến dịch Tiếp thị (marketing) đóng vai trò rất quan trọng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tối ưu chi phí và tăng hiệu quả, hoặc từ đó định hướng chiến lược kinh doanh. Không chỉ vậy, kỹ năng phân tích dữ liệu là yếu tố gần như bắt buộc đối với các sinh viên hay lập trình viên gia tăng ưu thế với nhà tuyển dụng trong thời đại số.

Bản đồ Google chi tiết hơn và “màu mè” hơn

Mười lăm năm trước, Google Maps ra đời. Ban đầu là một bản đồ với tính năng chính là chỉ đường, Google Maps bổ sung ngày càng nhiều tính năng hữu ích để trở thành người đồng hành không thể thiếu của hàng tỷ người trên thế giới. Tuần qua, Google Maps vừa bổ sung những tính năng mới, giúp bản đồ chi tiết hơn và nhiều màu sắc hơn. Nhiều màu sắc hơn không phải để lòe loẹt mà để trực quan sinh động hơn.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Staycation giúp Airbnb hồi sinh trong đại dịch


Du lịch có lẽ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, trong đó nền tảng chia sẻ dịch vụ lưu trú Airbnb chịu tổn thương vô cùng nghiêm trọng, đến mức các nhà quan sát cho rằng đại diện tiêu biểu của nền kinh tế chia sẻ này đang tiến tới cái chết lâm sàng. Thế nhưng một vài tháng qua Airbnb bỗng hồi sinh với doanh thu tăng vọt, nhờ một loại dịch vụ: Staycation.

Airbnb và cơn ác mộng COVID-19

Airbnb (chia sẻ nơi lưu trú) cùng với Uber (chia sẻ phương tiện vận chuyển) được xem là những công ty khởi nguồn cho nền kinh tế chia sẻ và cùng là những kỳ lân khởi nghiệp lừng lẫy nhất thế giới. Thế nhưng thật bất ngờ, cùng với những biến tướng bất lợi của nền kinh tế chia sẻ, năm 2019 Airbnb đã công bố lỗ 322 triệu USD.

Không dừng lại ở đó, bước sang năm 2020 đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, toàn bộ dịch vụ du lịch gần như đóng băng, kéo theo tình trạng không có khách của các dịch vụ lưu trú. Doanh thu của Airbnb suy giảm trầm trọng.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Điện thoại có thể phát hiện và cảnh báo động đất

Động đất xảy ra hàng ngày trên khắp thế giới, với hàng trăm triệu người sống ở các vùng dễ xảy ra động đất. Một cảnh báo sớm có thể giúp mọi người chuẩn bị cho rung chuyển, nhưng việc xây dựng và triển khai cơ sở hạ tầng công cộng để phát hiện và cảnh báo cho mọi người về một trận động đất rất tốn kém. Google đã nhận thấy cơ hội sử dụng điện thoại Android để cung cấp cho mọi người thông tin động đất hữu ích, kịp thời khi họ tìm kiếm, cũng như cảnh báo trong vài giây để đưa bản thân và những người thân yêu của họ đến nơi an toàn nếu cần.

Tình huống cụ thể: Gửi thông báo động đất tới các thiết bị Android ở California

Đầu tiên, Google hợp tác với Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) và Văn phòng Dịch vụ Khẩn cấp (Cal OES) của Thống đốc California để gửi cảnh báo động đất, được cung cấp bởi ShakeAlert®, trực tiếp đến các thiết bị Android ở California.

Được phát triển bởi các nhà địa chấn học hàng đầu của quốc gia, hệ thống ShakeAlert sử dụng tín hiệu từ hơn 700 máy đo địa chấn được USGS, Cal OES, Đại học California Berkeley và Viện Công nghệ California lắp đặt trên toàn tiểu bang. Một vài giây cảnh báo có thể tạo ra sự khác biệt trong việc cho bạn thời gian để làm những việc cần thiết trước khi diễn ra rung lắc do động đất.

Facebook cảnh báo khi chia sẻ thông tin về COVID-19 để hạn chế tin giả

Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra vô cùng phức tạp trên toàn thế giới. Trong tình hình ấy việc lan truyền thông tin giả càng khiến việc phòng chống dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy, trong các biện pháp hạn chế tin giả nói chung, Facebook vừa tăng cường thêm giải pháp hạn chế các thông tin không đáng tin cậy về COVID-19.

Hạn chế việc chia sẻ các thông tin lỗi thời

Tháng 6 năm nay, Facebook đã bổ sung một tính năng mới. Theo đó, khi người dùng chia sẻ một liên kết, Facebook sẽ tự động kiểm tra thời điểm nội dung trong liên kết đó ra đời và sẽ thông báo nếu nó đã quá 3 tháng.

Màn hình thông báo cho biết thông tin được chia sẻ đã cũ (hơn 1 năm). Người dùng có thể chọn Continue (vẫn tiếp tục chia sẻ) hay Go Back (trở lại, không chia sẻ nữa)

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Không quan tâm ai sẽ mua TikTok, Facebook tung ra Reels để thay thế TikTok

Giữa lúc TikTok đang bị cấm sử dụng tại Mỹ và các đại gia Microsoft, Twitter đang lăm le thâu tóm ứng dụng này từ Trung quốc thì Facebook lại chọn một hướng đi khác. Ngày 5-8 Facebook vừa cho ra mắt Reels, ứng dụng tạo video ngắn với những tính năng tương tự TikTok để thách thức đối thủ này.

Instagram Reels của Facebook rất giống TikTok. Ảnh: Facebook

Reels là gì?

Reels không phải là một ứng dụng độc lập mà là một phần nằm trong Instagram, vốn là một ứng dụng nổi tiếng đã được Facebook mua lại từ năm 2012 với giá 1 tỷ USD. Chính điều này là một lợi thế lớn của Reels, bởi vì một người đã cài đặt Instagram rồi thì mặc nhiên họ sẽ được cập nhật Reels và trở thành người dùng Reels. Trên thực tế, Instagram đã ra mắt Reels lần đầu tiên ở Brazil vào tháng 11-2019, sau đó là Pháp, Đức và Ấn Độ. Ngày 5-8, Instagram chính thức mở rộng Reels sang Mỹ và hơn 50 quốc gia, khu vực khác (chưa có Việt Nam).

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

Hai startup Việt Nam được chọn tham gia Google for Startups Accelerator

Google vừa thông báo hai startup Việt Nam gồm Thuocsi và TopCV chính thức được chọn tham dự chương trình Google for Startups Accelerator: Southeast Asia (Chương trình thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á), đón nhận hỗ trợ đặc biệt từ Google để xử lý các vấn đề thách thức về xã hội, giáo dục, y tế, thương mại điện tử, hậu cần và tài chính của khu vực.

Về Chương trình thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp Đông Nam Á

Google for Startups Accelerator: Southeast Asia là một chương trình đào tạo trực tuyến kéo dài 3 tháng dành cho những doanh nghiệp khởi nghiệp mới bắt đầu có tiềm năng lớn ở khu vực Đông Nam Á (chỉ gồm Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) và Pakistan. Năm nay, chương trình đặc biệt tìm kiếm các công ty khởi nghiệp đang giải quyết các thách thức mà chúng ta hiện đang phải đối mặt trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát: các công ty khởi nghiệp mới đang khai thác các giải pháp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tài chính hoặc vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh giãn cách xã hội; sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo), ML (máy học) hoặc phân tích dữ liệu theo những cách có ý nghĩa; hoặc sử dụng công nghệ để làm cho thế giới trở nên dễ hòa nhập hơn đối với người già hoặc người khuyết tật.