Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Bản đồ Google chi tiết hơn và “màu mè” hơn

Mười lăm năm trước, Google Maps ra đời. Ban đầu là một bản đồ với tính năng chính là chỉ đường, Google Maps bổ sung ngày càng nhiều tính năng hữu ích để trở thành người đồng hành không thể thiếu của hàng tỷ người trên thế giới. Tuần qua, Google Maps vừa bổ sung những tính năng mới, giúp bản đồ chi tiết hơn và nhiều màu sắc hơn. Nhiều màu sắc hơn không phải để lòe loẹt mà để trực quan sinh động hơn.


Bản đồ khu du lịch Bửu Long ở chế độ xem bản đồ (trên) và vệ tinh (dưới)

Tuần rồi, Google vừa tung ra các cải tiến hình ảnh mới mang lại độ chi tiết và rõ ràng hơn cho bản đồ, giúp người dùng dễ dàng hiểu khu vực trông như thế nào cho dù họ đang khám phá ảo hay lên kế hoạch ghé thăm.

Một cái nhìn đầy màu sắc và chính xác hơn về thế giới

Hãy nhớ lại các quy tắc tô màu bản đồ mà bạn đã học xem. Biển, sông, hồ thì màu xanh dương; rừng màu xanh lá; núi màu nâu. Và chỉ có thế, nếu xem ở chế độ bản đồ (street view) Google Maps cũng chỉ dừng ở đó thôi. Nếu không sử dụng chế độ vệ tinh (satellite view), màu sắc hiển thị trên bản đồ trực tuyến này không thực sự ấn tượng, và quan trọng nhất là không phản ánh đúng với đặc điểm tự nhiên trong thực tế của các khu vực trên thế giới. Ví dụ như cũng là màu xanh lá, làm sao phân biệt được rừng rậm Amazon và rừng thưa ở Xuân Lộc, Đồng Nai?

Google Maps có hình ảnh vệ tinh độ nét cao cho hơn 98% dân số thế giới. Google sử dụng kỹ thuật thuật toán bản đồ-màu (color-mapping) mới để lấy hình ảnh này và chuyển nó thành một bản đồ sống động, toàn diện hơn về một khu vực ở quy mô toàn cầu. Khám phá một địa điểm giúp người dùng có cái nhìn về các đặc điểm tự nhiên của nó - có thể dễ dàng phân biệt các bãi biển và sa mạc cháy nắng, khô cằn với các hồ, sông, đại dương và khe núi trong xanh. Chỉ cần nhìn thoáng qua là bạn có thể biết được một nơi có thảm thực vật tươi tốt và xanh tốt như thế nào, thậm chí có thể biết được liệu có tuyết phủ trên đỉnh núi hay không.

Không chỉ nhận biết được các loại màu khác nhau, thuật toán còn có thể phân biệt từng sắc thái trong cùng cùng nhóm màu. Tại những khu rừng rậm, ở những vùng có nhiều cây cối hơn, sắc thái của màu xanh lá sẽ đậm hơn so với rừng thưa. Các khu công viên sẽ có màu xanh lục, sa mạc cát thì được thể hiện bằng màu vàng xám, hay đỉnh những ngọn núi tuyết sẽ được bao phủ bằng màu trắng.

Với bản cập nhật này, Google Maps có một trong những chế độ xem toàn diện nhất về các đối tượng địa lý tự nhiên trên bất kỳ ứng dụng bản đồ chính nào. Google cho biết là chế độ xem này khả dụng ở tất cả 220 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Google Maps hỗ trợ. Phạm vi này rộng lớn cỡ nào? Đó là phạm vi phủ sóng cho hơn 100 triệu km vuông đất hoặc 18 tỷ sân bóng đá! Cập nhật này hiển thị cho dù bạn đang xem ở khu vực nào — từ các khu vực đô thị lớn nhất đến các thị trấn nông thôn nhỏ.

Kỹ thuật color-mapping

Là người sử dụng, có lẽ ta không cần phải hiểu chi tiết về kỹ thuật để thực hiện tính năng này của Google Maps, nhưng cũng nên đọc qua giải thích của Google sau đây:

Chính xác thì kỹ thuật color-mapping này hoạt động như thế nào? Đầu tiên, xem hình ảnh bằng máy tính để xác định các đặc điểm tự nhiên từ hình ảnh vệ tinh do Google chụp được, xem xét cụ thể các vùng khô cằn, băng giá, rừng rậm và miền núi. Sau đó, Google phân tích các tính năng này và gán cho chúng một loạt các màu trên không gian màu HSV (không gian màu HSV là không gian màu thường dùng trên máy tính, dựa trên 3 số liệu: Hue: vùng màu, Saturation: độ bão hòa màu và Value: độ sáng của màu). Ví dụ, một khu rừng có mật độ cao có thể được phân loại là màu xanh lá cây đậm, trong khi một khu vực cây bụi loang lổ có thể xuất hiện dưới dạng màu xanh lục nhạt hơn.

Bản đồ sẽ chi tiết hơn nữa

Không chỉ dừng lại ở bản đồ nhiều màu sắc hơn, Google cho biết trong thời gian sắp tới Google Maps sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin đi lại chi tiết hơn nữa.

Mặc dù nhìn thấy các đặc điểm tự nhiên có thể giúp người dùng cảm nhận được một khu vực, nhưng đôi khi họ vẫn cần thêm thông tin để đi lại một cách an toàn và hiệu quả. Chẳng bao lâu nữa, người dùng sẽ có thể xem thông tin đường phố rất chi tiết, hiển thị hình dạng và chiều rộng chính xác của con đường theo tỷ lệ. Người dùng cũng có thể biết chính xác vị trí của vỉa hè, lối đi dành cho người qua đường và lối đi riêng cho người đi bộ – đây là những thông tin quan trọng nếu người dùng có nhu cầu về khả năng tiếp cận, chẳng hạn như yêu cầu xe lăn hoặc xe đẩy. Những chi tiết này đặc biệt hữu ích vì ngày càng có nhiều người chọn đi bộ hoặc thực hiện các hình thức vận chuyển một mình khác do đại dịch.

Google cho biết sẽ bắt đầu phát hành bản đồ đường phố chi tiết ở London, New York và San Francisco trong những tháng tới, và có kế hoạch mở rộng đến nhiều thành phố hơn theo thời gian.

Thái Thư
(Theo Google, TheNextWeb)
Báo Đồng Nai - 24/08/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét