Google vừa thông báo hai startup Việt Nam gồm Thuocsi và TopCV chính
thức được chọn tham dự chương trình Google for Startups Accelerator: Southeast
Asia (Chương trình thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á), đón
nhận hỗ trợ đặc biệt từ Google để xử lý các vấn đề thách thức về xã hội, giáo
dục, y tế, thương mại điện tử, hậu cần và tài chính của khu vực.
Về Chương trình thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp Đông
Nam Á
Google for Startups Accelerator: Southeast Asia là một
chương trình đào tạo trực tuyến kéo dài 3 tháng dành cho những doanh nghiệp
khởi nghiệp mới bắt đầu có tiềm năng lớn ở khu vực Đông Nam Á (chỉ gồm Việt
Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) và Pakistan. Năm
nay, chương trình đặc biệt tìm kiếm các công ty khởi nghiệp đang giải quyết các
thách thức mà chúng ta hiện đang phải đối mặt trong hoàn cảnh dịch bệnh
COVID-19 bùng phát: các công ty khởi nghiệp mới đang khai thác các giải pháp
chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tài chính hoặc vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh
giãn cách xã hội; sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo), ML (máy học) hoặc phân tích dữ
liệu theo những cách có ý nghĩa; hoặc sử dụng công nghệ để làm cho thế giới trở
nên dễ hòa nhập hơn đối với người già hoặc người khuyết tật.
Trước đây chương trình này có tên gọi Google Launchpad
Accelerator, bắt đầu từ năm 2014, có mục đích giúp các công ty khởi nghiệp giải
quyết các thách thức kỹ thuật cụ thể với sự hỗ trợ và tài nguyên của Google.
Tham gia chương trình Google for Startups Accelerator, những người sáng lập
được chọn sẽ phác thảo những thách thức hàng đầu mà doanh nghiệp khởi nghiệp
của họ đang phải đối mặt, và họ sẽ được ghép cặp với các chuyên gia phù hợp
trong ngành hoặc từ Google để giải quyết những thách thức đó. Các công ty khởi
nghiệp tham gia sẽ nhận được sự hướng dẫn chuyên sâu về cả thách thức kỹ thuật
và kinh doanh cũng như kết nối với các đội ngũ có liên quan từ khắp Google và
mạng lưới các đối tác trong ngành.
Hai doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được chọn tham gia chương
trình vào năm 2016 là ELSA Speak (ứng dụng tập nói tiếng Anh) và Haravan (ứng
dụng tạo website bán hàng nhanh chóng và tiện lợi), hiện giờ là những doanh
nghiệp đạt thành công lớn.
Năm nay chương trình được bắt đầu đăng ký từ 24-6 đến hết ngày
19-7.
Các doanh nghiệp được chọn tham gia chương trình
Google cho biết đã nhận được hơn 600 đơn đăng ký từ khắp nơi
trong khu vực Đông Nam Á, và ngày 5-8 đã công bố 15 startup được chọn tham gia.
Dưới đây là danh sách đầy đủ các startup:
- TopCV (Việt Nam) là một
nền tảng tuyển dụng kết nối tốt hơn cho nhà tuyển dụng với ứng viên
- Thuocsi.vn (Việt Nam) là
một nền tảng trực tuyến để mua thuốc, dụng cụ sơ cứu và pha chế
- Advance (Philippines) là
một nền tảng tín dụng cung cấp các khoản tạm ứng lương ngắn hạn cho nhân
viên người Philippines
- Rumarocket (Philippines) đã phát triển một công cụ
AI giúp các công ty đưa ra quyết định tuyển dụng bằng cách sử dụng khoa
học hành vi
- SenzeHub (Singapore) cung
cấp một thiết bị đeo trên nền trí tuệ nhân tạo (AI), xác định vị trí của
bệnh nhân, thực hiện việc đọc và phát hiện các khủng hoảng
- ShopLinks (Singapore) cung
cấp các công cụ cho khách hàng hàng tiêu dùng để số hóa các cam kết và khuyến
mãi cho khách hàng của họ
- Smart Future (Singapore)
là một nền tảng y tế từ xa và kiosk tự theo dõi chẩn đoán cho phép người
dùng kiểm tra các chỉ số sức khỏe quan trọng
- Hacktiv8 (Indonesia) giúp
đào tạo các nhà phát triển mới bắt đầu, hỗ trợ họ tìm việc làm và cung cấp
một khoản vay phù hợp hơn
- Kata.ai (Indonesia) đã
phát triển một nền tảng đàm thoại trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép các cuộc
trò chuyện tự nhiên hơn giữa các doanh nghiệp và khách hàng của họ
- Riliv (Indonesia) đã tạo
một ứng dụng tư vấn và thiền định trực tuyến để giúp những người về sức
khỏe tâm thần
- GIZTIX (Thái Lan) là một
nền tảng hậu cần (logistics) giúp các khách hàng phát triển doanh nghiệp
và giảm chi phí hoạt động
- MHub (Malaysia) là một nền
tảng giao dịch bất động sản từ đầu-đến-cuối giúp quá trình mua nhà dễ dàng
hơn bằng kết nối các nhà phát triển bất động sản, các công ty nhà đất và
khách hàng tiềm năng
- Sehat Kahani (Pakistan)
đang nỗ lực trong việc cung cấp quyền tiếp cận vào dịch vụ chăm sóc sức
khỏe bằng công nghệ qua một mạng lưới các nữ bác sĩ tại gia đạt chất lượng
- DeafTawk (Pakistan) đã tạo
ra một nền tảng dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu số, phá vỡ các rào cản
giao tiếp
- Walee (Pakistan) là một
ứng dụng giao dịch kết nối các doanh nghiệp muốn bán hàng trực tuyến với
những người có ảnh hưởng xã hội muốn hợp tác.
Trong vài tháng tới, các startup này sẽ được cố vấn cả trên
lĩnh vực kỹ thuật lẫn kinh doanh, họ sẽ được kết nối với các đội ngũ chuyên gia
từ Google và cộng đồng công nghệ rộng lớn, cung cấp các hội thảo tập trung vào
thiết kế các sản phẩm, dịch vụ khách hàng và phát triển khả năng lãnh đạo cho
các nhà sáng lập.
Vài nét về hai startup Việt Nam được chọn
Thuocsi.vn và topcv.vn là
2 startup Việtt Nam được chọn tham gia chương trình
Thuocsi.vn được thành lập từ năm 2018, là một trong những
startup thành công trong lĩnh vực công nghệ về y tế. Hiện tại là cổng điện tử
cung cấp thuốc cho hơn 1.000 nhà thuốc và phòng khám trên khắp Việt Nam. Thuocsi.vn
hướng đến không những giúp phát triển hệ thống Y tế tại Việt Nam mà còn là nền
tảng hiện đại hóa các kênh phân phối truyền thống. Với tầm nhìn này, thuocsi.vn
dần thay đổi các kênh phân phối lâu đời, giúp nâng cao chất lượng y tế đến mọi
vùng miền nhằm duy trì chất lượng cuộc sống.
TopCV được thành lập từ năm 2014, là nền tảng tuyển dụng
nhân sự hàng đầu Việt Nam. Có 4 chức năng chính: Tuyển dụng công nghệ số: chủ
động tìm và gợi ý ứng viên phù hợp từ 3.000.000 ứng viên; Trang tin việc làm
chất lượng cao: hơn 20.000 việc làm được cập nhật mỗi ngày từ hơn 40.000 doanh
nghiệp đã được xác thực; Ứng dụng tìm việc thông minh: Ứng dụng tự động gợi ý
công việc phù hợp với nhu cầu của ứng viên; Công cụ tạo CV: Công cụ tạo CV
online giúp người tìm việc có 80% thành công.
Thái Thư
Báo Đồng Nai - 10/08/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét