Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Kết thúc vụ kiện vi phạm bản quyền phần mềm tại Đồng Nai

Ngày 7/3/2014, trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam có đăng thư xin lỗi công khai của công ty Long John đối với Microsoft và Lạc Việt về hành vi vi phạm bản quyền phần mềm của 2 đơn vị này.

Công ty Long John có tên đầy đủ là Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai, có trụ sở tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai. Đây là một công ty Đài Loan, chuyên sản xuất và bán buôn vải sợi.


Vụ việc xảy ra như thế nào?

Ngày 17/6/2013, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp Phòng 4/C50 thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an tiến hành kiểm tra đột xuất tại công ty Gold Long John Đồng Nai đã phát hiện nhiều phần mềm không bản quyền được cài sử dụng trong 69 máy tính tại công ty, bao gồm Windows XP, Windows Server và tự điển Lạc Việt. Tổng giá trị số phần mềm này ước tính 45.000 USD. Công ty Gold Long John Đồng Nai đã ký vào biên bản thanh tra, thừa nhận có hành vi sao chép, sử dụng phần mềm bất hợp pháp.

Mặc dù đã thừa nhận vi phạm, nhưng trong suốt 6 tháng, Long John không hề đưa ra biện pháp giải quyết nào. Do đó, công ty Lạc Việt và Microsoft Việt Nam đã đứng nguyên đơn khởi kiện công ty Gold Long John Đồng Nai, với sự hỗ trợ của Liên minh phần mềm BSA và cục Bản quyền tác giả Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thụ lý đơn kiện để giải quyết.  Buổi họp báo công bố khởi kiện diễn ra ngày 18/12/2013 tại TPHCM.

Tại sao lại là Long John?

Việt Nam được xem là một trong những nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới. Mặc dù đã có cải thiện, nhưng theo BSA tỷ lệ này vẫn ở mức cao, năm 2011 tỷ lệ vi phạm là 81%. Đã có nhiều cuộc kiểm tra phát hiện vi phạm bản quyền phần mềm trong cả nước (có cả ở Đồng Nai). Thế nhưng tất cả đều dừng ở mức xử phạt hành chính. Đây là lần đầu tiên một công ty có vốn đầu tư nước ngoài bị kiện ra tòa vì vi phạm bản quyền phần mềm.

Thế nhưng tại sao lại là Long John? Với tỷ lệ vi phạm 81% thì gần như chắc chắn hễ có kiểm tra là sẽ lòi ra vi phạm, bất kể công ty nào kia mà.

Và tại sao lại là công ty Lạc Việt kết hợp cùng Microsoft Việt Nam để kiện mà không phải một mình Microsoft? Giá trị phần mềm tự điển Lạc Việt chỉ bé tẻo tèo teo so với Windows thôi mà!

Đây là một sự suy tính chiến lược rất hay của Microsoft Việt Nam và Lạc Việt. Chúng ta xét các yếu tố sau đây:

  1. Không chỉ Microsoft và các công ty nước ngoài bị vi phạm bản quyền, rất nhiều phần mềm Việt Nam cũng bị vi phạm. Thế nhưng hầu hết các công ty Việt Nam đều thấp cổ bé miệng, không đủ tiềm lực để khởi kiện. Việc Lạc Việt tham gia cùng Microsoft khởi kiện giúp tạo nên một cú hích, nhấn mạnh cho những người vi phạm bản quyền rằng các công ty phần mềm Việt Nam cũng sẵn sàng thưa họ ra tòa!
  2. Chắc chắn doanh nghiệp Việt vi phạm bản quyền nhiều hơn doanh nghiệp nước ngoài, nhưng với tâm lý thông cảm cho doanh nghiệp nước ta còn nghèo, lại đang rơi vào điều kiện kinh tế khó khăn, giới truyền thông sẽ không mặn mà lắm trong việc tố khổ người anh em Việt. Chọn vụ kiện đầu tiên là doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp nguyên đơn tranh thủ được sự ủng hộ của người dân và báo chí nhiều hơn.
  3. Long John được xác định là một đơn vị đang làm ăn khấm khá, lại là đơn vị đang sản xuất vải để làm giày cho những thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike… Nghĩa là đây là một anh có tiền và sợ mất uy tín trên trường quốc tế. Hai yếu tố này khiến cho Long John dễ thuận theo yêu cầu của Microsoft hơn.
Kết quả vụ kiện?

Theo thông tin từ BSA hôm 7/3/2014, 2 tháng sau khi khởi kiện các bên đã đạt được thỏa thuận đền bù. Long John cam kết thực hiện mọi yêu cầu đặt ra từ Microsoft và Lạc Việt, bao gồm việc công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại 100% giá trị phần mềm vi phạm, khoảng hơn 1 tỷ đồng (45.000 USD).

Long John đã phát đi thông báo công khai xin lỗi Microsoft và Lạc Việt do hành vi sử dụng phần mềm Microsoft Windows, Microsoft Office và từ điển Lạc Việt MTD không có bản quyền trong hoạt động kinh doanh, đồng thời thừa nhận hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm của Microsoft và Lạc Việt là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Lạc Việt và Microsoft tuyên bố rằng đây chỉ là vụ kiện đầu tiên, họ sẽ tiếp tục các khiếu kiện vi phạm bản quyền đối với nhiều công ty khác nữa. Thắng lợi của vụ kiện này sẽ thúc đẩy nhiều vụ kiện khác diễn ra, đồng thời cũng khiến cho nhiều đơn vị đang dùng phần mềm lậu lo âu và mua phần mềm có bản quyền.

Hy vọng rằng với những diễn biến này, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam sẽ giảm đi nhiều so với con số 81% chăng?

Thái Thư
LĐĐN - 10/03/2014

Box:

Vi phạm bản quyền phần mềm là gì?

Vi phạm bản quyền phần mềm là sao chép hoặc phát tán trái phép phần mềm có bản quyền. Hành động này có thể được thực hiện bằng cách sao chép, tải xuống, chia sẻ, bán, hoặc cài đặt nhiều lần một bản sao vào máy tính cá nhân hoặc máy tính làm việc. Điều mà nhiều người không nhận ra hoặc không nghĩ tới là khi bạn mua phần mềm, đó là bạn mua giấy phép sử dụng nó, chứ không phải bản thân phần mềm. Giấy phép đó cho biết bạn có thể cài đặt phần mềm đó bao nhiêu lần, vì vậy bạn phải đọc kỹ giấy phép đó. Nếu bạn cài đặt nhiều lần hơn số lần giấy phép cho phép thì bạn đang vi phạm bản quyền đó.


Định nghĩa của Liên minh phần mềm (BSA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét