Tuần qua, Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM đưa ra đề án sử dụng sách giáo khoa
điện tử, trong đó mỗi học sinh sở hữu một máy tính bảng. Đề án này tạo nên sự
lo ngại cho phụ huynh học sinh, sự băn khoăn của lãnh đạo các trường lớp tại
TPHCM, và sự phản ứng dữ dội của dư luận chung.
Đề án mang tên “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện
giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014 - 2015”, theo đó toàn bộ nội dung của sách giáo khoa
truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình
ảnh và cài đặt vào máy tính bảng, tạo ra sự tương tác, giúp học sinh dễ học, dễ
hiểu, không phải di chuyển nặng nề... Kinh phí thực hiện khoảng 4.000 tỉ đồng.
Một học sinh lớp 6 đang
sử dụng máy tính bảng trong lớp học tại Mỹ. Ảnh: New York Times
Phản ứng từ các nhà
quản lý trường tiểu học ở TPHCM
Cuôc hội thảo giới thiệu đề án diễn ra ngày 18/8/2014, đối
tượng tham dự là lãnh đạo các phòng giáo dục quận, huyện và hiệu trưởng các trường
giáo dục. Đa số các vị này tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của đề án. Kinh phí
để thực hiện đề án lấy từ đâu ra? Nếu việc trang bị máy tính bảng là do phụ
huynh học sinh bỏ tiền ra mua thì có tạo nên gánh nặng cho họ không khi tình
hình kinh tế hiện đã quá khó khăn? Quản lý việc sử dụng thiết bị điện tử này
đối với học sinh sẽ như thế nào?
Không nên cho trẻ em
tiếp xúc quá sớm và thường xuyên với thiết bị điện tử
Các nhà giáo dục và nhà khoa học đều lên tiếng cảnh báo về
tác hại của việc cho trẻ em tiếp xúc quá sớm với thiết bị điện tử, đặc biệt là
máy tính bảng và smartphone. Báo Lao động Đồng Nai (LĐĐN) cũng đã từng có bài
viết về vấn đề này. Xin nhắc lại nội dung như sau:
Báo cáo của Kaiser Foundation 2010, Active Healthy Kids
Canada 2012 cho rằng giới trẻ hiện nay đang dành quá nhiều thời gian tiếp xúc
với thiết bị điện tử, và điều này thường để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Bà Cris Rowan, chuyên gia trị liệu y khoa trẻ em, đã nêu lên
10 lý do để kêu gọi các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và chính phủ nên hạn chế sử
dụng thiết bị di động cho trẻ dưới 12 tuổi. Tóm tắt như sau:
- Ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển não bộ của trẻ khi tuổi còn nhỏ.
- Chậm phát triển thể chất. Bệnh béo phì. Mất ngủ. Các chứng bệnh về tinh thần. Gây hấn. Chứng mất trí nhớ kỹ thuật số. Nghiện kỹ thuật số
- Ảnh hưởng bởi bức xạ: Tháng 5 năm 2011, Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) xếp điện thoại di động và các thiết bị không dây khác vào danh mục những thứ có khả năng tạo bức xạ ảnh hưởng tới sức khỏe. Trẻ em nhạy cảm với các yếu tố tác động hơn người lớn vì não và hệ thống miễn dịch của chúng vẫn đang phát triển.
- Giáo dục trẻ bằng các thiết bị điện tử không mang tính bền vững. Tương lai trẻ sẽ thiếu ổn định nếu lạm dụng và sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử dẫn tới tình trạng nghiện kỹ thuật số và hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn khác.
Gần đây nhiều bài báo và phương tiện truyền thông đã đưa ra
cảnh báo về việc mọi người (người
lớn) hiện nay đã quá lệ thuộc vào công nghệ (máy tính bảng, điện thoại) dẫn đến
sự khô cằn, cô lập trong cuộc sống với nhau và thiếu sự hòa quyện với thiên
nhiên. Vấn nạn với người lớn đang được cảnh báo và chưa được giải quyết, thế mà
người ta lại đưa điều này đến với trẻ em lớp 1 đến lớp 3!
Sách giáo khoa điện
tử là sách giáo khoa điện tử nào?
Cũng trên LĐĐN đã có bài phân tích về một loại sách giáo
khoa điện tử được nhà xuất bản Giáo dục hỗ trợ mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa thuyết
phục được người dùng về nhiều mặt: chất lượng phần cứng, giá cả và nội dung.
Cần thấy rằng đưa sách
giáo khoa vào máy tính bảng là chuyện rất đơn giản, nhưng tổ chức dữ liệu
thế nào cho hiệu quả, hấp dẫn và thuận tiện là việc đòi hỏi nhiều công sức và
tài năng. Cho tới nay, những sách giáo khoa điện tử đã có chưa cho thấy được
tính ưu việt của mình. Vậy, nếu đề án được triển khai thì sẽ dùng sách nào?
Tiền đâu để thực hiện
đề án?
Có một điều đáng chú ý trong đề án là: những cơ sở khoa học
dẫn tới việc thực hiện đề án, hiệu quả của việc thực hiện đề án đều khá mơ hồ
và thiếu sức thuyết phục, thế nhưng những
con số cụ thể về chi phí đầu tư được nêu lên rất chi tiết, rõ ràng.
Kinh phí thực hiện khoảng 4.000 tỉ đồng. Trong số 327.127
học sinh lớp 1 đến lớp 3 có 5.334 học sinh thuộc diện chính sách sẽ được ngân
sách TP hỗ trợ, số còn lại phụ huynh tự trả kinh phí mua sắm.
Các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, Người Lao động, Pháp
luật TPHCM… đặt thẳng vấn đề: Đề án đặt
ra để bán máy, bất chấp hậu quả!
Không dám nhận định về mục tiêu gì trong đề án này, nhưng
quả thật con số 4.000 tỷ đồng khiến ta phải suy nghĩ. Ngành giáo dục ở TPHCM
còn quá nhiều chuyện để lo. Trong đó lo cho trẻ em thì việc đáng quan tâm là
các đơn vị nuôi dạy trẻ công lập đang quá thiếu thốn, khiến xảy ra chuyện cơ sở
nuôi dạy trẻ không có chất lượng, bảo mẫu bạo hành trẻ em, mà vừa qua báo chí
phát hiện quá nhiều. Không có kinh phí để giải quyết!
Ở góc độ phụ huynh học sinh, báo Pháp luật TPHCM nhắc lại
chuyện bi thảm cách đây hơn một năm: Người
mẹ nghèo Nguyễn Thị Mỹ Nhân đã phải tự tử để gia đình có sổ hộ nghèo được vay
tiền cho con đi học (bằng SGK truyền thống). Vậy những người đề xuất đề án này,
trong đó trước hết phải nhấn mạnh vai trò của Sở GD&ĐT, đã đánh giá chính
xác các hộ gia đình nghèo chưa? Số tiền 5 triệu đồng mua máy với hộ cận nghèo
là một gia tài.
Phản hồi từ Sở Giáo
dục TPHCM
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 20/8, ông Đỗ Minh Hoàng,
chánh văn phòng Sở cho biết:
- Đây là một đề án đúng đắn và cần thiết, bởi vì TPHCM đang thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, triển khai thí điểm 1 số giải pháp đột phá để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Ngoài ra, buổi làm việc đầu năm 2014 của HĐND TP, các em có đề đạt, muốn được triển khai lớp học thông minh, ứng dụng SGK điện tử, máy tính bảng, thay vì SGK phải cầm theo nặng nề (?).
- Về kinh phí, Sở sẽ có cân nhắc và chọn lọc.
- Trước những lo ngại về việc cho trẻ tiếp cận công nghệ thông tin quá sớm, ông Hoàng nhận định: "Nói như vậy là hoàn toàn sai, hiện nay đến trẻ mẫu giáo đã biết xài CNTT”. (!)
Ý kiến của Bộ Giáo
dục:
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết,
trong vài ngày tới sẽ có báo cáo của Sở TP.HCM về đề án "mỗi học sinh một
máy tính bảng". Ông nói:
“Một đề án muốn thực hiện phải xin phép qua nhiều cấp, và
không phải là chuyện đơn giản. Quan trọng nhất là phải được phụ huynh đồng
tình. Hiện nay Sở GDĐT TPHCM vẫn chưa báo cáo lên Bộ. Trong vài ngày tới sẽ có
báo cáo của Sở TP.HCM. Nếu khả thi thì Sở phải tiếp tục xin phép, không thì
dừng lại”.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 25/08/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét