Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Việt Nam: Nhà máy công nghệ cao của thế giới

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Microsoft – ông chủ mới của hãng điện thoại Nokia – đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy Nokia Việt Nam thành đơn vị sản xuất điện thoại di động chủ lực của mình. Như vậy, sau Samsung, Intel, một ông lớn nữa của nền công nghệ cao thế giới đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất chính của mình.

Những đầu tư mạnh mẽ của Intel, Samsung, Microsoft

Nhà máy Nokia tại Việt Nam được khởi công xây dựng từ tháng 4 năm 2012 tại Bắc Ninh, và bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 6 năm 2013. Microsoft thì có mặt tại Việt Nam từ 2007. Sau khi Microsoft mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia hồi tháng 4 năm 2014, Công ty TNHH Nokia Việt Nam cũng theo đó thuộc quyền sở hữu của Microsoft.

Theo văn bản được Công ty TNHH Nokia Việt Nam gửi đến UBND tỉnh Bắc Ninh, Microsoft đã xác định chiến lược "đưa Nokia Việt Nam trở thành nhà máy đóng vai trò chủ lực trong sản xuất thiết bị điện thoại di động" của Microsoft trên toàn cầu.

Microsoft cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ hoặc một phần các nhà máy tại Komarom (Hungary), Bắc Kinh và Đông Quảng (Trung Quốc) và Reynosa (Mehico), chuyển giao khoảng 39 dây chuyền sản xuất smartphone sang Việt Nam.

Dây chuyền nhà máy Nokia ở Bắc Ninh. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Trước đó chỉ vài tuần, ngày 29/07/2014, tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) Công ty Intel Products Việt Nam đã chính thức giới thiệu sản phẩm bộ vi xử lý (CPU) lần đầu tiên được sản xuất tại nhà máy của Intel Việt Nam (đặt tại SHTP). Còn hơn thế nữa, bà Sherry Boger – tổng giám đốc Intel Products Vietnam – cho biết rằng nửa năm nữa 80% số lượng CPU Intel trên toàn cầu sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

Còn trước đó nữa, Samsung đã xác nhận rằng 50% số điện thoại di động của Samsung sản xuất ra trên toàn thế giới được sản xuất tại Việt Nam.

LG Electronics cũng thông báo đưa dự án 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng vào hoạt động trong tháng 10 tới. Với LG smartphone chưa là sản phẩm chủ lực từ đầu mà sẽ là các thiết bị gia dụng như tivi, máy giặt, máy hút bụi. Tuy nhiên, đại diện LG cũng cho biết sau khi xây dựng thị trường, LG sẽ đầu tư sản xuất mạnh smartphone.

Với Apple, trong cuộc họp báo diễn ra giữa tháng 7/2014, thị trường Việt Nam đã được ban quản trị hãng lưu tâm và đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, điều hiếm thấy trong các nhận xét của Apple về triển vọng thị trường toàn cầu.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi các doanh nghiệp đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao chọn đây là địa điểm đầu tư lý tưởng.

Ông Toàn phát biểu: "Những tín hiệu đó cho thấy Việt Nam sẵn sang bắt tay với các nước. Hạ tầng và nguồn nhân lực cũng có những tiến bộ và các địa phương đang dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực hơn trong thu hút vốn nước ngoài".

Ông cũng nhấn mạnh: "Việt Nam lại có mối quan hệ khá tốt trên trường quốc tế thời gian gần đây. Do vậy, khi rời Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài sẽ ưu tiên hơn tới Việt Nam. Đây là thời cơ cần nắm lấy trong bối cảnh môi trường đầu tư khởi sắc".

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, các chuyên gia lưu ý rằng các cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm. VAFIE khuyến nghị cơ quan quản lý cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và giảm bớt những phiền hà trong thủ tục hành chính.

Đại diện Samsung góp ý: "Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao minh bạch và cải thiện cơ sở tầng, khi đó chắc chắn đầu tư nước ngoài vào còn tăng hơn nữa".

Cụ thể hơn nữa, hiện nay Microsoft đang có một số vướng mắc khi tiến hành chuyển giao hàng chục dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc, Hungary và Mexico về Việt Nam. Microsoft khẳng định: Sự phát triển đầu tư trong tương lai sẽ phụ thuộc lớn vào động thái tháo gỡ của cơ quan quản lý đối với những vướng mắc này.

Cần phát triển công nghiệp hỗ trợ

Điều tất cả chúng ta đều biết là các nhà máy sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam đã nêu ở trên đều sử dụng dây chuyền sản xuất, công nghệ từ nước ngoài. Những đóng góp của Việt Nam chỉ là địa điểm đầu tư, nguồn nhân công và kỹ thuật viên. Để sự đóng góp của Việt Nam vào những quy trình sản xuất này được nhiều hơn nữa cần đẩy mạnh và phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT).

CNHT tại Việt Nam được hiểu nôm na là tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghệ cao là bao nhiêu? Có bao nhiêu linh kiện trong sản phẩm công nghệ cao ấy được các công ty Việt Nam sản xuất để cấu thành sản phẩm?

Thật đáng buồn, nếu trong ngành sản xuất xe máy các linh kiện sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ khá cao thì trong ngành thiết bị điện tử này hầu như các công ty Việt Nam không thể tham gia được phần nào vào chuỗi sản xuất của Samsung, Intel, Nokia.

Có 3 yếu tố cần để phát triển CNHT: chính sách của nhà nước, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp nước ngoài và năng lực của các công ty Việt Nam.

Chúng ta hãy xem xét trường hợp của Samsung. Samsung sẵn sàng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của mình sản xuất tại Việt Nam. Mới đây, Samsung đã đệ trình danh sách 170 linh kiện lên Bộ Công thương để đề nghị tìm doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng. Những linh kiện trên có những thứ khá đơn giản, như: tai nghe, sạc pin, cáp USB… Vậy các doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng thế nào?

Câu trả lời từ các doanh nghiệp Việt là: Chưa thể sản xuất được thứ gì cả! Thật đau lòng!
Về phía Nhà nước, nhận thức được vai trò quan trọng của việc phát triển CNHT, Nhà nước đã ban hành một số văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển CNHT, trong đó quan trọng nhất là Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT. Thế nhưng ba năm qua những chính sách này chưa mang lại kết quả đáng khích lệ vì nhiều nguyên nhân.

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, ông Trương Thanh Hoài, phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương, cho biết: Bộ Công thương vừa trình dự thảo nghị định mới, với tư duy và cách làm mới, để phát triển được CNHT. Dự thảo nghị định này có Chương trình quốc gia phát triển CNHT để thống nhất chỉ đạo điều hành, trong đó sẽ thành lập các trung tâm phát triển CNHT tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Chúng ta hy vọng rằng những cơ chế, chính sách mới của Nhà nước sẽ tiếp tục tạo nên sự phát triển tốt cho đầu tư về công nghệ cao, biến Việt Nam thành một nhà máy sản xuất công nghệ cao của thế giới, với sự đóng góp đáng kể của con người và những doanh nghiệp Việt.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 01/09/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét