Hầu như ai trong chúng ta cũng có ít nhất một tài khoản Google, đó là
tài khoản dùng cho Gmail. Tài khoản này còn dùng chung cho cả Google tìm kiếm,
YouTube, Google Maps… Một khi ta đã đăng nhập vào Google (thường là khi check
mail) thì tất cả mọi hành động của ta trên máy tính và điện thoại đều được/bị
Google theo dõi và ghi nhận!
Google đang theo dõi
bạn
Có lẽ mọi người đều biết một đáp ứng quen thuộc khi tìm kiếm trên Google: Khi chúng ta chỉ mới
gõ vài ký tự đầu tiên của từ khóa cần tìm thì Google sẽ tự đoán ra những ký tự
kế tiếp. Thí dụ: khi ta vừa gõ “sơn” thì
lập tức Google sẽ hiện ra các gợi ý: Sơn
Đoòng, Sơn Tùng… Đó là vì Google đã ghi nhận những cụm từ được tìm kiếm
nhiều nhất.
Khi anh Lý Nguyên Long, một người dùng máy tính, vào Google
để search tìm kiếm tên của chính mình, thì mới gõ “Lý N” Google đã hiện ra gợi
ý Lý Nguyên Long, cùng với những gợi
ý khác như Lý Nhã Kỳ, Lý Nhân Tông… Anh
Long vô cùng thích chí, vì với sự gợi ý như vậy rõ ràng là tên anh đã được rất
nhiều người tìm kiếm trên Google, nói cách khác: anh là người nổi tiếng!
Thật sự không phải như vậy. Nếu bây giờ tôi, hay bạn, hay
bất cứ một người nào khác không phải anh
Long vào Google để search thì khi nhập “Lý
N…” sẽ không hề thấy gợi ý Lý Nguyên
Long. Điều đó chỉ xảy ra khi chính anh Long search trên máy tính/điện thoại
của mình. Nguyên nhân là anh Long đã search tên của mình khá nhiều lần trên
Google, Google đã ghi nhớ điều đó, nên khi anh ta vừa nhập “Lý N” là nó hiểu
ngay anh ta muốn tìm tên mình.
Trên đây là một minh họa cho thấy Google đã theo dõi và ghi
nhận các động tác của người dùng như thế nào.
Google theo dõi những
cái gì?
Việc Google theo dõi như vậy khiến cho nhiều người lo lắng,
nhất là ở Mỹ, cho rằng như vậy Google đã xâm phạm quyền riêng tư. Theo luật, Google đã phải công khai tất cả những gì
mình đang theo dõi cho người dùng biết. Sau đây là tóm lược những nội dung của
chính Google nói về việc thu thập thông tin của người dùng:
Chúng
tôi thu thập thông tin bằng hai cách:
1.
Thông tin mà bạn cung cấp cho chúng tôi. Ví dụ: nhiều dịch vụ của chúng tôi yêu
cầu bạn đăng ký Tài khoản Google. Khi bạn đăng ký, chúng tôi sẽ yêu cầu thông
tin cá nhân, như tên, địa chỉ email, số điện thoại hoặc thẻ tín dụng của bạn.
Nếu bạn muốn khai thác tối ưu các tính năng chia sẻ mà chúng tôi cung cấp,
chúng tôi cũng có thể yêu cầu bạn tạo Tiểu sử trên Google hiển thị công khai,
tiểu sử này có thể bao gồm tên và ảnh của bạn.
2.
Những thông tin chúng tôi thu thập trong quá trình bạn sử dụng dịch vụ của
chúng tôi. Chúng tôi thu thập thông tin về các dịch vụ mà bạn sử dụng và cách
sử dụng của bạn, chẳng hạn như khi bạn xem video trên YouTube, truy cập trang
web sử dụng dịch vụ quảng cáo của chúng tôi hay bạn xem, tương tác với quảng
cáo và nội dung của chúng tôi. Thông tin này bao gồm:
- Thông tin thiết bị: Chúng tôi thu thập thông tin cụ thể của từng thiết bị (chẳng hạn như mẫu phần cứng, phiên bản hệ điều hành của bạn, số nhận dạng thiết bị duy nhất và thông tin mạng di động, bao gồm cả số điện thoại).
- Thông tin nhật ký: Khi bạn sử dụng dịch vụ của chúng tôi hoặc xem nội dung do Google cung cấp, chúng tôi tự động thu thập và lưu trữ một số thông tin trong nhật ký máy chủ. Những thông tin này bao gồm: các chi tiết về cách bạn sử dụng dịch vụ của chúng tôi chẳng hạn như truy vấn tìm kiếm của bạn, thông tin nhật ký hệ thống điện thoại như số điện thoại của bạn, số chủ gọi, số chuyển tiếp, thời gian và ngày gọi, thông tin định tuyến SMS và loại cuộc gọi, địa chỉ giao thức Internet, thông tin sự cố thiết bị như lỗi, hoạt động của hệ thống, cài đặt phần cứng, loại trình duyệt, ngôn ngữ trình duyệt, ngày và thời gian bạn yêu cầu và URL giới thiệu.
- Thông tin vị trí: Khi bạn sử dụng dịch vụ của Google, chúng tôi có thể thu thập và xử lý thông tin về vị trí thực của bạn. Chúng tôi sử dụng nhiều loại công nghệ để xác định vị trí, bao gồm địa chỉ IP, GPS và các bộ cảm biến khác có thể cung cấp chẳng hạn như thông tin về các thiết bị, điểm truy cập Wi-Fi và tháp di động lân cận cho Google.
Google còn “tự khai” thêm một số thông tin họ thu thập nữa
nhưng về mặt kỹ thuật khá khó hiểu nên không kể ra đây. Tuy nhiên, với bấy
nhiêu điều thì ta đã có thể thấy Google theo dõi sát mọi đường đi nước bước của
người dùng rồi.
Theo dõi để làm gì?
Tổng Giám đốc Apple Tim Cook năm 2014 từng phát biểu: “Khi một dịch vụ trực tuyến miễn phí, bạn
không phải khách hàng mà chính là sản phẩm”. Ta đang dùng Google miễn phí,
vì thế những thông tin Google thu thập được từ chúng ta chính là những sản phẩm
phục vụ cho việc kinh doanh của họ. Chúng ta hãy xem thử chính Google nói họ sẽ
sử dụng những thông tin thu thập này như thế nào:
Chúng
tôi sử dụng thông tin thu thập được từ tất cả các dịch vụ của mình nhằm cung
cấp, duy trì, bảo vệ và cải thiện các dịch vụ, nhằm phát triển các dịch vụ mới
và nhằm bảo vệ Google và người dùng của chúng tôi. Chúng tôi cũng sử dụng thông
tin này nhằm cung cấp cho bạn nội dung phù hợp – như cung cấp cho bạn kết quả
tìm kiếm và quảng cáo liên quan hơn
Nghe qua thì rất là thiện chí, vì lợi ích của người dùng,
nhưng có lẽ ta cần phải phân tích kỹ hơn nữa những vấn đề đằng sau công bố này
(sẽ phân tích trong một bài sau).
Có giữ bí mật không?
Có vẻ như người dùng
bị Google ràng buộc quá nhiều
Google “hứa” là sẽ giữ bí mật những thông tin mà họ thu thập
được, nhưng… ngoại trừ 4 trường hợp sau:
- Có sự đồng ý của bạn
- Với quản trị viên tên miền. Nếu Tài khoản Google của
bạn được quản trị viên tên miền quản lý cho bạn (ví dụ như đối với người dùng
Google Apps) thì quản trị viên tên miền sẽ có quyền truy cập vào thông tin Tài
khoản Google của bạn (bao gồm cả địa chỉ email và dữ liệu khác của bạn).
- Để xử lý bên ngoài. Chúng tôi cung cấp thông tin cá
nhân cho các chi nhánh của mình hoặc các doanh nghiệp hay cá nhân đáng tin cậy
khác để xử lý thông tin cho chúng tôi dựa trên hướng dẫn của chúng tôi và tuân
theo Chính sách bảo mật cũng như mọi biện pháp bảo mật và an ninh thích hợp
khác.
- Vì lý do pháp lý. Chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin cá
nhân với các công ty, tổ chức hoặc cá nhân bên ngoài Google nếu chúng tôi tin
một cách ngay tình rằng việc truy cập, sử dụng, bảo toàn hoặc tiết lộ thông tin
đó là cần thiết một cách hợp lý để đáp ứng bất kỳ điều luật, quy định, thủ tục
pháp lý hiện hành hoặc yêu cầu có thể cưỡng chế thi hành của chính quyền.
Có thể nói, khi sử dụng Google (và cả Facebook nữa) thông
tin của chúng ta đã trở thành sản phẩm của họ, đúng như lời Tim Cook: “Khi một dịch vụ trực tuyến miễn phí, bạn
không phải khách hàng mà chính là sản phẩm”. Sử dụng những dịch vụ này thì
chắc là vẫn phải tiếp tục rồi, vấn đề là ý thức được điều này để bảo vệ an toàn
thông tin cho chính mình.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét