Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Sắm máy bay để… chơi!

Năm 2006, khi quay bộ phim Áo lụa Hà Đông, để thực hiện một cảnh quay đoàn người đi qua cánh đồng với góc quay từ trên cao trong vài mươi giây, đoàn làm phim đã phải thuê thiết bị và chuyên gia từ nước ngoài với chi phí là 30.000 USD. Thiết bị quay phim ấy là một loại máy bay không người lái được gọi là flycam. Bạn có biết không, bây giờ chính bạn có thể sở hữu một chiếc flycam với giá… chưa tới 1 triệu đồng!

Thật ra, nói như vậy là hơi quá, một chiếc flycam giá dưới 1 triệu đồng tuy cũng có thể bay và quay phim được nhưng có những tính năng rất hạn chế (độ cao, thời gian bay, chất lượng phim quay được…), còn flycam có tính năng tương đối cao, đáp ứng được nhu cầu quay phim tốt thì có giá khoảng 10 triệu trở lên cho đến hàng trăm triệu. Với giá đó, tại Việt Nam nhiều người yêu thích chụp ảnh, quay phim đã trang bị cho mình những chiếc flycam để chụp ảnh và quay phim với các góc nhìn từ trên cao thật đặc sắc.


Drone, máy bay không người lái

Quay phim chỉ là một trong những công dụng của loại thiết bị này, thực chất nó là một loại máy bay không người lái, hay gọi một cách chính xác hơn là thiết bị bay điều khiển từ xa. Thuật ngữ tiếng Anh gọi là drone.

Không kể đến những máy bay không người lái “thứ dữ” dùng trong quân đội, các loại drone hiện nay đang có rất nhiều ứng dụng khác nhau trong đời sống:

-      Phục vụ nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu về thời tiết. Thí dụ: một chiếc drone được gắn nhiều cảm biến, được đưa vào tâm bão giúp các nhà khoa học đo đạc được các dữ liệu cần thiết.
-      Tìm kiếm cứu nạn, drone bay đi tìm kiếm người bị nạn ở các khu vực núi cao, hẻo lánh.
-      Ứng dụng cho nông nghiệp hiện đại, drone với chương trình cài sẵn sẽ bay qua các cánh đồng bạt ngàn, thu thập dữ liệu và đề ra phương thức canh tác tối ưu.
-      V.v…

Đối với người sử dụng bình thường, lắp một camera vào drone để làm thành flycam quay phim, chụp ảnh từ trên cao là ứng dụng phổ biến nhất. Ngoài ra ở Việt Nam hiện nay có một số nhóm đầu tư các drone khá đắt tiền để làm dịch vụ quay trên cao cho các đoàn làm phim (dĩ nhiên là với chi phí thấp hơn rất nhiều so với con số 30.000 USD của phim Áo lụa Hà Đông ngày xưa).

Flycam hoạt động ra sao?

Để hình dung ra drone dùng cho quay phim, chụp ảnh từ trên không như thế nào, ta hãy minh họa bằng một drone cụ thể: DJI Phantom 3

Chiếc drone này có giá khá cao, khoảng 26 triệu. Bù lại, nó có khá đầy đủ các tính năng cho người dùng.

Phần chính của drone là thiết bị bay, chạy bằng pin, phía dưới bụng có lắp camera để quay phim, chụp ảnh. Khi cho máy bay bay lên, người dùng sẽ dùng bộ điều khiển  để điều chỉnh tốc độ, hướng bay cũng như quay phim, chụp ảnh. Trên bộ điều khiển ta còn thấy có màn hình, hình ảnh quay hay chụp được sẽ được truyền trực tiếp (live) về đây để người dùng theo dõi.

Camera của DJI Phantom 3 có cảm biến 12 MP, quay phim HD 1280x720p. Hình ảnh chụp được và phim quay được sẽ lưu vào thẻ nhớ. Thẻ nhớ tối đa 64 GB.

Về phần máy bay, có thể bay được đến độ cao tối đa 6.000 met (so với mặt nước biển), tốc độ tối đa 16 m/s (lặng gió). Trọng lượng máy bay (kể cả pin) 1280g. Thời gian tối đa một lần bay là 20 phút.

Đối với các drone rẻ hơn thì tính năng sẽ hạn chế hơn. Thí dụ drone Parrot Bebop giá khoảng 10 triệu thì thời gian một lần bay không quá 10 phút và không có bộ điều khiển riêng. Người dùng điều khiển máy bay bằng điện thoại di động dùng hệ điều hành Android hay iOS. Hình ảnh, phim được xử lý và truyền về màn hình điện thoại.

Rẻ nhất hiện nay là drone Hubsan X4 giá chỉ khoảng 900.000 đ. Với mức giá này, chiếc drone Hubsan X4 xứng đáng làm… đồ chơi trẻ con. Nó chỉ có thể bay tối đa 5 phút, phạm vi bay rất hạn chế, camera độ phân giải kém và không điều chỉnh được. Nó cũng không có bộ điều khiển riêng mà điều khiển bằng điện thoại. Ngoài ra hình ảnh, phim thực hiện khi đang bay thì không thề truyền về màn hình điện thoại được (nghĩa là có chụp ảnh hay quay phim gì thì tới khi máy bay đáp xuống thì mới xem được!).

Cầu Nhật Tân (Hà Nội) quay bằng flycam

Những điều chưa ổn

Như chúng ta thấy ở trên, sử dụng drone để quay phim, chụp ảnh trên không là một thú chơi khá xa xỉ. Giá drone còn quá cao, những model rẻ tiền thì thực chất giống như đồ chơi, không đáp ứng được nhu cầu người dùng.

Thú chơi này còn tốn tiền hơn nữa vì các phụ tùng thay thế đều rất đắt đỏ. Thí dụ: pin của DJI Phantom 3 giá 2 triệu đồng. Ngoài ra drone còn dễ bị hư hỏng. Không phải hư hỏng vì chất lượng kỹ thuật, mà do vận hành. Nếu điều khiển không khéo thì drone va vào gốc cây, bờ tường, núi đá… khi đang bay với tốc độ cao là chuyện bình thường và… hư là cái chắc! Cũng có khi bị rơi xuống sông, hồ, biển… Cũng có thể bị bay lạc ngoài tầm kiểm soát và bị chôm mất. Chính vì xác xuất xảy ra hư hỏng quá cao nên hiện giờ hầu như tất cả các drone bán ra ở Việt Nam đều không có bảo hành.

Về phía cộng đồng và xã hội, hiện nay chưa có điều luật nào quản lý các thiết bị bay này, một vật thể bay với tốc độ khá cao có thể gây tai nạn bất ngờ (chạm đường dây điện, va vào cửa sổ cao ốc…). Drone được điều khiển từ xa bằng sóng Wi-fi, có thể gây nhiễu cho các thiết bị điện tử xung quanh. Và một tình huống rợn người hơn: nếu chiếc drone được gắn chất nổ và điều khiển cho bay vào đâu đó thì sao nhỉ?

Kết luận

Có thể bạn chưa hề có ý định sắm máy bay để… chơi, tuy nhiên bạn cũng nên biết rằng đây là một thú chơi đang bắt đầu phát triển ở Việt Nam và chắc chắn khi được phổ biến nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Có những hiểu biết sơ bộ về nó không phải là thừa.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 01/06/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét