Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Các ứng dụng “xem bói”

Bên cạnh 2 ứng dụng có xuất xứ rõ ràngcủa Microsoft là Đoán tuổi (How-Old.net) và Đo độ giống nhau (TwinsOrNot.net) đã và đang thu hút người dùng thì hiện nay có rất nhiều ứng dụng khác dạng “xem bói” đang được cộng đồng mạng nhiệt tình chia sẻ, như: “Tên bạn thực sự có nghĩa gì” , “Bạn là đại hiệp nào trong thế giới võ hiệp Kim Dung”,… Điều đáng nói là hầu hết các ứng dụng này đều không có xuất xứ rõ ràng và cũng không có cơ sở khoa học nào cả!

Các ứng dụng “xem bói” này là gì?

Hãy lấy thí dụ trò bói “Tên bạn thực sự có nghĩa gì”. Khi bạn nhập vào một cái tên, ứng dụng sẽ cho ra một nhận xét về ý nghĩa của cái tên đó. Nội dung nhận xét này nằm trong tập hợp một số nhận xét được viết sẵn và được lấy ra một cách ngẫu nhiên, hoàn toàn không dựa trên một cơ sở nào cả. Một thí dụ là tên “Đầu đất” sẽ cho kết quả như sau:



Trong khi các ứng dụng của Microsoft như How-Old, TwinsOrNot đều nêu rõ cơ sở suy luận để họ đoán tuổi, so sánh vẻ mặt (dù kết quả có thể không hoàn toàn chính xác) thì các ứng dụng này chỉ là đoán mò, thậm chí không đoán luôn mà chỉ lấy đại ra một kết quả nào đó. Thành thử nếu so sánh 2 loại với tư cách là trò chơi thì các ứng dụng Microsoft giống như chơi cờ (có suy luận) còn các ứng dụng này giống như chơi bài cào (hên xui may rủi).

Vô nghĩa như vậy sao người ta thích dùng?

Đáng nói là mặc dù vô nghĩa như vậy nhưng các ứng dụng này lại được nhiều người thích thú và chia sẻ trên Facebook, và càng chia sẻ thì nó lại càng được phổ biến. Tại sao vậy? Có thể giải thích bằng những lý do sau:

-      Ứng dụng đơn giản, dễ dùng, dễ hiểu.
-      Ứng dụng chạm đến cái Tôi của mỗi người (tên tôi, tên con tôi, tên vợ/chồng tôi…) và thường là nói tốt nên người ta thích xem.
-      Ứng dụng cho kết quả “sai tè le” tạo nên sự buồn cười, vui thích (mà chẳng hại đến ai!)

Việc lây lan các trò chơi này có tác hại gì không?

Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia bảo mật thì ứng dụng “Tên bạn thực sự có nghĩa gì” trên địa chỉ gốc là vi.nametests.com không thấy có biểu hiện lấy cắp thông tin cá nhân hay chứa mã độc. Các ứng dụng khác như: “Bạn là đại hiệp nào trong võ hiệp Kim Dung?”, “Nhân vật thần thoại nào ngự trị trong bạn?”,  “Bạn là cô nàng Disney nào?”… (của playnhe.com) cũng thế. Tuy nhiên sự ra đời ào ạt của các ứng dụng kiểu này sẽ khiến khó mà kiểm soát nổi và không ai dám chắc ứng dụng nào là “trong sạch”. Mặt khác, một số ứng dụng được nhiều người thích có thể bị làm giả với hàm ý xấu, người dùng nếu không để ý sẽ rước lấy tai họa cho thiết bị của mình.

Tóm lại, những ứng dụng nêu trên thường không có xuất xứ đáng tin cậy, không có ý nghĩa gì nhiều, vì thế người dùng nên cân nhắc khi sử dụng kẻo có khi mang họa.


Hà An
LĐĐN - 15/06/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét