Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2015

Ngày 29-01- 2016, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Lễ Công bố Chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2015.  Cũng trong dịp này, VECOM đã thông tin một số số liệu tổng kết về Ngày Mua sắm trực tuyến Việt Nam (diễn ra từ 0 giờ đến 24 giờ ngày 4-12-2015).

Công bố Chỉ số TMĐT Việt Nam 2015

Ông Nguyễn Kỳ Minh – Chánh văn phòng Hiệp hội TMĐT Việt Nam, công bố Chỉ số TMĐT năm 2015. Ảnh: VECOM


Ngày 29-01-2016 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Lễ Công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2015. Tham dự Lễ Công bố có ông Vũ Bá Phú – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Bội Lan – Vụ trưởng Vụ Bưu chính – Bộ Thông tin và Truyền Thông, ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VECOM cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên cả nước.

Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao và được Bộ Công Thương chỉ đạo, năm 2015 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục xây dựng Chỉ số Thương mại điện tử (eBusiness Index, gọi tắt là EBI). EBI giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá một cách định lượng sự sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử trên phạm vi cả nước cũng như tại mỗi địa phương trong từng năm và so sánh sự phát triển qua các năm.

EBI 2015 được xây dựng trên cơ sở điều tra khảo sát gần năm nghìn doanh nghiệp trên cả nước. Kết quả cho thấy trong năm 2015 thương mại điện tử phát triển nhanh, thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh và có sự gắn kết khăng khít với công nghệ thông tin và truyền thông, trở thành một trong các trụ cột của tiến trình xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức ở nước ta. Một số doanh nghiệp hàng đầu về thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng trên 200%.

Chỉ số Thương mại điện tử 2015 cho thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương và xu hướng này có thể tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội liên tiếp đứng đầu Chỉ số Thương mại điện tử trong bốn năm qua và vượt xa tất cả các địa phương khác.

Chỉ số Thương mại điện tử 2015 cho thấy có sự tiến bộ đáng kể trong giao dịch trực tuyến giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp (G2B). Đón bắt xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động đã trở thành công cụ quan trọng trong kinh doanh trực tuyến, đã có 26% doanh nghiệp có website tương thích với thiết bị di động và 18% có các ứng dụng di động phục vụ kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chưa đáp ứng việc triển khai thương mại điện tử theo chiều sâu. Đồng thời, dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng và thanh toán trực tuyến chưa đáp ứng tốt đòi hỏi của thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm thỏa đáng tới hoạt động tiếp thị trực tuyến.

Căn cứ Chỉ số Thương mại điện tử 2015, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá thương mại điện tử Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn thứ ba là giai đoạn phát triển nhanh. Hai giai đoạn trước là giai đoạn hình thành (1998 – 2005) và phổ cập (2006 – 2015).

Số liệu tổng kết Ngày Mua sắm trực tuyến Việt Nam 2015

Ngày Mua sắm trực tuyến Việt Nam diễn ra từ 0 giờ đến 24 giờ ngày Thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 hàng năn. Trong năm 2015, đó là ngày 4-12. Việc mua hàng trực tuyến được thực hiện thông qua website chính thức của chương trình tại địa chỉ: www.onlinefriday.vn. Đây là lần thứ hai Ngày Mua sắm trực tuyến được Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương phối hợp cùng VECOM tổ chức với mục tiêu thu hút đông đảo cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan đến TMĐT tham gia, từ đó đẩy mạnh trào lưu mua sắm trực tuyến trong xã hội, góp phần mở rộng thị trường TMĐT Việt Nam.

Trang web Ngày mua sắm trực tuyến OnlineFriday.vn

Trong báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2015, Hiệp hội này đã thừa nhận trong Ngày mua sắm trực tuyến 2015 đã xuất hiện nhiều hành vi không lành mạnh.

Năm 2015, website www.onlinefriday.vn  có cải tiến so với 2014 là cung cấp cho người tiêu dùng công cụ so sánh giá thị trường và đánh giá những khuyến mại không tốt.

Với công cụ so sánh giá thị trường, người tiêu dùng có thông tin tham khảo để đánh giá xem giá bán sản phẩm có thực sự được giảm giá tốt hay không. Công cụ này so sánh giá trên website với dữ liệu của hơn 6 triệu sản phẩm đến từ hai hệ thống so sánh giá hàng đầu Việt Nam là ChonGiaDung.com và WebSoSanh.vn.

Với công cụ phản ánh trực tuyến, người dùng đánh giá các khuyến mại không tốt theo các tiêu chí: thông tin nhãn hiệu, nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng, link liên kết không đúng, giá gốc sản phẩm không đúng với giá thị trường, khuyến mãi không tốt…

Với các công cụ này, người tiêu dùng hỗ trợ Ban tổ chức đánh giá một cách nhanh chóng các khuyến mãi không tốt.

Số liệu thống kê trong ngày này cho thấy có 392 phản ánh của người tiêu dùng với sản phẩm của 105 doanh nghiệp. Trong đó, tỷ lệ phản ánh sản phẩm có giá gốc không đúng với giá thị trường chiếm đến 48%. Phản ánh về liên kết sản phẩm không đúng và nhãn hiệu, nguồn gốc không rõ ràng đều có tỷ lệ 18%. Các phản ánh khác như giá khuyến mãi không đạt chuẩn của Ban tổ chức hay một sản phẩm xuất hiện quá nhiều chiếm dưới 16%.

Xét trên tổng số sản phẩm đăng ký tham gia Ngày mua sắm trực tuyến 2015 của 105 doanh nghiệp bị người tiêu dùng phản ánh, số lượng sản phẩm bị phản ánh chiếm trung bình 2% tổng số sản phẩm.

Ước tính quy mô giao dịch của Ngày mua sắm trực tuyến 2015 cao gấp 3 lần so với năm 2014 (ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam đầu tiên diễn ra ngày 5-12-2014, đã thu hút được hơn 10 triệu lượt xem tại trang web của chương trình, mang lại tổng doanh thu 7,5 triệu USD.

VECOM cho biết thêm, thanh toán bằng tiền mặt chiếm tỷ lệ cao nhất trong Ngày mua sắm trực tuyến. Cụ thể, trong ngày mua sắm trực tuyến 2015,  phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt giao hàng (COD: Cost On Delivery) vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất là 73%, kế đến là chuyển khoản (13,4%); tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 10% gồm 6,5% qua thẻ nội địa và 3,5% qua thẻ quốc tế, thanh toán qua di động chiếm 1%.


Thái Thư
(Theo VECOM)
LĐĐN - 01/02/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét