Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Rồi ai sẽ thất nghiệp?

Những ngày Tết, đi dạo ở đường hoa, hội hoa xuân có lẽ bạn vẫn còn thấy một vài người chụp ảnh dạo. Còn, nhưng rất ít. Số người thuê họ chụp ảnh lại càng ít hơn nữa vì hầu như ai cũng có một máy chụp ảnh kỹ thuật số, hoặc tối thiểu là một smartphone có khả năng chụp ảnh. Nếu đi đông người thì họ chụp cho nhau, mà nếu không có ai để chụp giúp thì họ cũng không cần nhờ đến thợ, họ dùng gậy selfie!

Nghề chụp ảnh dạo lụi tàn

Đã có một thời nghề chụp ảnh dạo nuôi sống rất nhiều người. Thời ấy chưa có máy ảnh kỹ thuật số, máy ảnh cơ thì khá đắt tiền và kỹ thuật chụp ảnh không phải là dễ nắm bắt. Lại nữa, máy chụp bằng phim, chụp xong rửa ra mới biết kết quả, nếu là tay ngang ảnh bị hư hỏng tốn tiền phim đã đành mà còn bỏ mất cả khoảnh khắc kỷ niệm quý giá đã bấm máy nữa. Vì vậy, thuê thợ chụp là phương án hiệu quả và an tâm nhất.


Thế rồi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, đa số đều có chế độ tự động khiến cho người không biết gì về kỹ thuật nhiếp ảnh cũng có thể giơ máy lên bấm đại và ra được những bức ảnh khá tốt. Ảnh được xem lại ngay trên màn hình và nếu chưa ưng ý thì bấm tiếp. Lại nữa, ảnh xấu thì cứ xóa thoải mái, không sợ tốn tiền phim như máy ảnh cơ. Giới chụp ảnh sau một thời gian bảo thủ cho rằng máy ảnh cơ mới là chuyên nghiệp rồi cũng phải chuyển từ máy ảnh cơ sang máy ảnh số. Họ cắn răng đầu tư những máy ảnh số DSLR trị giá vài chục triệu đồng với niềm tin rằng với chất lượng máy ảnh cao cùng trình độ kỹ thuật của mình sẽ giúp tạo nên những bức ảnh đẹp, vượt xa so với ảnh của tay ngang. Có thế mới giữ được khách hàng.  Tiếc thay, điều này chỉ đúng với những sự kiện quan trọng như cưới hỏi, lễ lạc… còn với đại chúng – nhóm khách hàng lớn nhất – thì không tội gì mất tiền thuê thợ khi họ có máy ảnh trong tay, với giá tiền không cao, không cần phải học và không có tổn phí phụ gì cả.

Nghề chụp ảnh dạo chịu thêm một đòn nữa khi chiếc smartphone được trang bị máy ảnh số. Mà smartphone thì hầu như ai cũng có và lúc nào cũng mang theo người. Người ta chụp ảnh bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu như một thú vui đơn giản. Số người thuê thợ chụp ảnh dạo lại suy giảm thêm nữa.

Thợ chụp ảnh dạo và gậy selfie tại đường hoa Nguyễn Huệ, Ảnh: Phạm Hồng Phước

Đòn trí mạng đối với nghề chụp ảnh dạo chính là sự ra đời của gậy selfie. Mục đích ban đầu của sản phẩm này không phải bẻ gãy chiếc cần câu cơm của các bác thợ ảnh, mà chỉ là đáp ứng nhu cầu “tự sướng” của người dùng, muốn chụp chính chân dung của mình mà thôi. Thế nhưng khi bạn chỉ có một mình mà vẫn có thể tự chụp ảnh cho mình thì liệu rằng bạn có chịu tốn tiền cho thợ hay không?  Vậy là gần như những khách hàng cuối cùng của thợ chụp ảnh dạo đã mất đi.

Do đó, năm sau hoặc năm sau nữa khi đi dạo đường hoa, hội hoa xuân, bạn đừng ngạc nhiên nếu không thấy bóng một bác thợ chụp ảnh dạo nào, mà thay vào đó là những chiếc gậy selfie lô nhô giữa rừng hoa khoe sắc

Thế nhưng đâu chỉ có nghề chụp ảnh dạo bị mai một vì sự phát triển công nghệ, ta có thể kể thêm vài dự đoán những nghề có thể mất đi trong thời gian tới.

Những nghề khác có thể mất đi

  • Dịch vụ chỉnh sửa ảnh kỹ thuật số:
Cuối những năm 199x, đầu những năm 2000, chất lượng ảnh của máy ảnh số chưa được tốt lắm trong khi phần mềm Photoshop đã có tính năng khá mạnh và không nhiều người nắm vững. Thế là bùng phát dịch vụ chỉnh sửa ảnh số bằng Photoshop. Tuy nhiên chất lượng ảnh từ máy chụp ảnh số và cả smartphone ngày càng tốt lên dần, chẳng những vậy phần mềm chỉnh sửa ảnh sẵn có trên máy hoặc download từ các App Store rất dễ sử dụng và đem lại hiệu quả cao. Thí dụ như các ứng dụng Camera 360, B612… đã đáp ứng được thị hiếu của những người thích da mịn, môi hồng và nhanh gọn hơn rất nhiều, so với việc phải ra tiệm ảnh kĩ thuật số. Hiện nay các điểm dịch vụ chỉnh sửa ảnh kỹ thuật số còn rất ít và có khả năng biến mất trong thời gian không xa.

  • Dịch vụ xe ôm truyền thống
Xin nhấn mạnh là dịch vụ xe ôm truyền thống, tức là những người có chiếc xe máy, ra đứng lề đường hay tụ điểm để đón khách. Xe ôm vẫn còn, nhưng có lẽ sẽ không phải như vậy. Chắc các bạn còn nhớ Uber Taxi? Đây là mô hình kết nối giữa người cần đi xe và người có xe ô tô thông qua ứng dụng trên smartphone. Mô hình tương tự như vậy đã được phát triển cho xe gắn máy hai bánh, thí dụ như ứng dụng GrabBike. Với ứng dụng này các bác xe ôm đầu ngõ, lề đường sẽ không còn khách nữa, mà thay vào đó khách cần đi xe ôm sẽ mở smartphone ra và đăng ký. Hiện giờ dịch vụ này chưa phát triển mạnh lắm nhưng chắc chắn trong tương lai sẽ là phương thức chủ đạo cho việc vận chuyển người bằng xe gắn máy hai bánh, vừa thuận tiện cho chủ xe lẫn khách đi, lại vừa quản lý tốt hơn. Vì thế, để tránh thất nghiệp, ngay từ bây giờ các bác tài xe ôm cần đăng ký ngay với GrabBike hoặc một dịch vụ tương tự.

  • Nhân viên kiểm soát vé các trạm thu phí
Từ năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải bắt đầu thực hiện thí điểm công nghệ thu phí không dừng (ETC), theo công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C. Để sử dụng dịch vụ này, mỗi chủ xe sẽ phải đăng ký một tài khoản và sử dụng một thẻ E-tag, mỗi khi chạy xe đến gần các trạm thu phí, trạm thu phí sẽ nhận diện tín hiệu từ thẻ E-tag, phân tích tài khoản (trừ tiền phí) và tự động mở thanh chắn trạm thu phí. Công nghệ này trên thực tế đã được ứng dụng đại trà tại các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước tiên tiến. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, công nghệ mới được áp dụng sẽ tiến kiệm được hàng nghìn tỉ đồng cho Nhà nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhân viên kiểm soát vé tại các trạm thu phí sẽ bị nghỉ việc (chuyển sang nghề khác)!


Thái Thư
LĐĐN - 18/02/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét