Uber là một công ty nổi bật về công nghệ trên thị trường thế giới, được
xem là nhà tiên phong cho nền kinh tế chia sẻ, là một trong những startup (nhà
khởi nghiệp) thành công nhất đầu thề kỷ 21. Chính vì thế Uber là công ty nhận
được đầu tư rất lớn từ các nhà đầu tư sừng sỏ trên thế giới. Thế nhưng điều
nghịch lý là: sau 9 năm từ ngày thành lập, Uber vẫn lỗ triền miên với khoản lỗ
lên đến trên 10 tỷ USD. Cũng là khoản lỗ vào… bậc nhất thế giới!
Uber được xem là
thành công, nhưng… lỗ!
Uber là công ty công nghệ đã đưa ra được mô hình kinh doanh
mới lạ, là nhà tiên phong ứng dụng nền kinh tế chia sẻ vào lĩnh vực vận chuyển,
từ đó tạo đà phát triển cho các ngành nghề khác. Với tiềm năng phát triển rất
lớn, Uber thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đến cuối năm 2017,
tổng số tiền mà Uber có được là 37 tỷ USD, trong đó số tiền được các nhà đầu tư
trên toàn thế giới rót vào Uber là hơn 17 tỷ.
Tuy nhiên, điều cực kỳ khó hiểu – nhất là đối với một công
ty công nghệ như Uber – là mặc dù phát triển rất mạnh, có tầm ảnh hưởng rất lớn
trên phạm vi toàn thế giới nhưng Uber chưa bao giờ có lãi, trái lại công ty này
luôn luôn lỗ, thậm chí lỗ rất đậm.
Cuối năm 2017, báo cáo kết quả kinh doanh của Uber cho thấy
một khoản lỗ khổng lồ: 4,5 tỷ USD. Theo một số nguồn tin thì khoản lỗ tích lũy
của Uber từ khi thành lập (2009) đến nay lên tới 10,7 tỉ USD. Nếu so sánh với
số tiền 17 tỷ USD mà các nhà đầu tư rót vào thì Uber đã “ăn” hết hơn 60% số
tiền này!
Cũng theo báo cáo kinh doanh năm 2017 của Uber thì doanh thu
thuần trong năm của công ty này là 7,4 tỷ USD. So với số vốn là 37 tỷ USD và
đối chiếu với các công ty có số vốn tương tự thì doanh thu của Uber là vô cùng
thấp!
Ông Dara Khosrowshahi,
CEO mới của Uber
Tháng 8-2017, Dara Khosrowshahi lên làm CEO của Uber. Dưới
sự lãnh đạo của ông, Uber vẫn lỗ, nhưng khoản lỗ của quý 4-2017 đã thấp hơn,
công ty bắt đầu có những dấu hiệu khả quan hơn về mặt tài chính. Theo lời phát
ngôn viên của Uber, thì “Chúng tôi vẫn đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, và
doanh thu của Uber đã bắt đầu có những dấu hiệu khả quan hơn. Dưới sự lãnh đạo
của ông Dara, chúng tôi đang đánh cược cho tương lai với những công nghệ mới
như Express POOL, cũng như những dịch vụ như UberEATS - và những dịch vụ này
đang phát triển với tốc độ chóng mặt”.
Có thể thấy rằng, để tạo dựng vị thế trên thị trường, Uber
đã đánh đổi bằng rất nhiều tiền. Do vậy, tuy Uber lỗ trầm trọng, các nhà đầu tư
vẫn tin tưởng vào tương lai của tập đoàn này, nhờ vào sự tăng trưởng cực kỳ
mạnh mẽ về mặt doanh số bán hàng. Quý 4-2017, doanh thu của Uber đạt 2,3 tỉ
USD, tốc độ tăng trưởng thường niên của công ty đạt mức vô cùng lớn: tăng 90%
so với cùng kỳ năm 2016.
Tại Đông Nam Á, Uber
sắp bị Grab thâu tóm
Ở Việt Nam, Uber và Grab là hai nhà cung cấp dịch vụ vận
chuyển đứng đầu thị trường. Thế mạnh của Uber là công ty có số vốn lớn (37 tỷ
USD), có phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Grab có số vốn nhỏ hơn
nhiều (6 tỷ USD) và phạm vi hoạt động chỉ là Đông Nam Á, nhưng chính vì thế sự
am hiểu về thị trường này của Grab sâu sắc hơn Uber nhiều.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy của Bloomberg, Grab đang
hoàn thiện những thỏa thuận cuối cùng để có thể thâu tóm mảng kinh doanh tại
Đông Nam Á của Uber. Thỏa thuận này có thể sẽ được ký chỉ trong tuần này, hoặc
tuần tới. Như vậy là ngày mà Grab thống trị Đông Nam Á đang đến rất gần. Theo
thỏa thuận này, Grab sẽ mua lại các hoạt động kinh doanh của Uber tại thị
trường Đông Nam Á. Uber sẽ nắm giữ cổ phần của Grab sau thương vụ này, nhiều
chi tiết khác của thỏa thuận chưa được tiết lộ. Cổ phần của Uber trong Grab có
thể lên đến 20% sau khi thỏa thuận được hoàn tất, với tỷ lệ cổ phần này Uber
vẫn có được lợi nhuận từ thị trường cho đi nhờ xe tại Đông Nam Á dù không chính
thức tham gia.
Trong phi vụ này, thoạt nhìn có vẻ như “cá bé nuốt cá lớn”
khi một công ty nhỏ có vốn chỉ 6 tỷ USD là Grab lại thâu tóm một công ty lớn có
số vốn 37 tỷ USD là Uber. Thực ra, Grab chỉ thâu tóm mảng kinh doanh tại Đông
Nam Á của Uber mà thôi. Mặc dù là thế, Grab vẫn phải đàm phán với các nhà tài
trợ của mình, trong đó có SoftBank để đủ nguồn lực thâu tóm Uber.
Có vẻ như số phận của Uber tại thị trường Đông Nam Á được
định đoạt bởi vai trò đặc biệt của Softbank. SoftBank là cổ đông lớn nhất của Uber
với khoản đầu tư 10 tỷ USD vào đây. Mặt khác, SoftBank cũng có cổ phần lớn
trong Grab và đã thể hiện rõ ý muốn đưa Uber rời khỏi thị trường Đông Nam Á,
nhằm tránh việc tranh chấp lợi ích. Grab hiện có hơn 81 triệu lượt tải trên
smartphone, cung cấp dịch vụ tại 178 thành phố trên khắp các quốc gia
Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và
Campuchia.
Cũng cần nói thêm là trong thị trường vận chuyển hành khách
– nói riêng tại Việt Nam – không chỉ có 2 ông lớn Uber và Grab cùng các dịch vụ
vận chuyển truyền thống (như taxi), mà còn có khá nhiều đối thủ cạnh tranh theo
mô hình kinh tế chia sẻ. Tập đoàn viễn thông Viettel trong năm 2017 đã mua 30%
cổ phần của sàn giao dịch vận tải hành khách GoNow. Ngoài ra còn hàng loạt các
startup khác như Vivu, Rada, iMove… Đáng chú ý hơn nữa, thời gian gần đây có
một số dấu hiệu cho thấy khả năng nhảy vào thị trường Việt Nam của Go-Jek. Go-Jek
hiện là startup về dịch vụ di chuyển bằng xe máy lớn nhất Indonesia và trong
năm ngoái, giá trị của họ đã đạt tới con số tỷ USD. Điểm mạnh lúc này của
Go-Jek đang là sự hỗ trợ của 2 “ông lớn” Google và Tencent bằng cả nguồn vốn và
công nghệ. Tổng giá trị đầu tư mà Go-Jek nhận được đã lên đến hơn 5 tỷ USD.
Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ “đi nhờ xe” này ngày
càng gay gắt hơn và chịu ảnh hưởng không nhỏ bời những tính toán chiến lược của
nhiều bên khác nhau chứ không chỉ đơn thuần từ các công ty công nghệ.
Phạm Hoài Nhân
Lao Động Đồng Nai - 12/03/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét