Một bê bối chưa từng thấy trong lịch sử các mạng xã hội trên thế giới:
Thông tin của 50 triệu người dùng Facebook đã bị rò rỉ. Điều này đã gián tiếp
chi phối kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và cuộc thăm dò ý dân tại Anh về
việc tách khỏi Liên minh Châu âu (Brexit) vào năm 2016.
Điều gì đã xảy ra với
thông tin của 50 triệu người dùng Facebook?
Ngày 17-3-2018, hai tờ báo lớn là New York Times (Mỹ) và
Guardian (Anh) đã đồng loạt đưa tin về việc các chuyên gia tư vấn trong chiến
dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump đã khai thác trái phép thông tin
cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook. Thông tin này được đăng kèm bằng
chứng rằng Facebook đã cho phép công ty Cambridge Analytica lấy thông tin của
50 triệu tài khoản Facebook để phục vụ cho cuộc tranh cử của tổng thống Mỹ vào
năm 2016.
Sự việc bắt đầu với một giảng viên đại học Cambridge là Aleksandr
Kogan. Ông này tạo nên một ứng dụng mang tên “thisisyourdigitallife” có chức năng
cung cấp những dự đoán dựa trên thói quen sử dụng của cá nhân. Kogan gọi đó là
công cụ nghiên cứu cho các nhà tâm lý học. Ứng dụng “thisisyourdigitallife” yêu
cầu người dùng đăng nhập bằng tài khoản Facebook. Công cụ đăng nhập này do
Facebook cung cấp, gọi là Facebook Login. Ta vẫn thường gặp điều này, như vẫn
thường đăng nhập Zalo hay các tài khoản mua hàng online qua tài khoản Facebook.
Đã có đến 270.000 người tham gia khảo sát của ứng dụng
“thisisyourdigitallife”. Điều này đồng nghĩa với 270.000 người chấp nhận Login
qua tài khoản Facebook. Công cụ Facebook Login cho phép nhà phát triển ứng dụng
(trong trường hợp này là Kogan) truy cập một loạt thông tin từ hồ sơ Facebook
của họ như tên, địa điểm, email hoặc danh sách bạn bè. Còn hơn thế nữa, nó cho
phép truy cập đến thông tin của bạn bè người đăng nhập trên Facebook. Kết quả
là có đến 50 triệu thông tin người dùng bị truy cập.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Kogan chỉ sử dụng dữ liệu thu
thập được cho mục đích nghiên cứu của mình và không tiết lộ cho bên thứ ba. Tuy
nhiên, ông đã gửi thẳng dữ liệu thu thập tới Cambridge Analytica mà không có
bất kỳ sự cho phép nào. Công ty Cambridge Analytica bị cho rằng đã chi ra số
tiền rất lớn để thu thập dữ liệu trên hàng triệu tài khoản Facebook và sử dụng
những thông tin đó để xây dựng hồ sơ tâm lý của người dùng và bạn bè của họ.
Sau đó, dùng dữ liệu có được để chi phối kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh
và cuộc tranh cử tại Mỹ vào năm 2016. Động thái này đã vi phạm nghiêm trọng các
điều khoản bảo mật thông tin trên mạng xã hội.
Hậu quả tai hại
Thông tin nói trên được đưa ra gây rúng động mạng xã hội và
cả các chính quyền, đặc biệt là ảnh hưởng cực kỳ tai hại đến Facebook.
Sau một vài ngày im lặng, ông chủ Facebook Zuckerberg đã
phải lên tiếng xin lỗi. Ngày 21-3-2018, thông qua một bài dài trên tài khoản
Facebook của mình, Zuckerberg đã có lời trần tình về sự kiện này. Tóm tắt, ông
giải thích về sự việc như sau:
“Năm 2007, Facebook đã cho phép mọi người đăng nhập vào các
ứng dụng và chia sẻ về bạn bè của họ và một số thông tin về bạn bè họ.
Năm 2013, Aleksandr Kogan đã tạo ra một ứng dụng câu đố cá
nhân. Ứng dụng này đã được khoảng 300.000 người cài đặt và chia sẻ dữ liệu của
họ cũng như một số dữ liệu của bạn bè họ. Theo cách mà nền tảng của Facebook
làm việc vào thời điểm đó, Kogan đã có thể truy cập vào hàng chục triệu dữ liệu
bạn bè của họ.
Năm 2014, để ngăn chặn các ứng dụng lạm dụng, Facebook thay
đổi toàn bộ nền tảng để hạn chế đáng kể các dữ liệu mà các ứng dụng có thể truy
cập. Các ứng dụng như của Kogan không còn có thể yêu cầu dữ liệu về bạn bè của
một người nào, trừ khi bạn bè của họ cũng đã cấp quyền cho ứng dụng.
Năm 2015, Facebook đã biết được từ báo The Guardian (Anh)
rằng Kogan đã chia sẻ dữ liệu từ ứng dụng của mình với Cambridge Analytica. Vì
thế, Facebook đã ngay lập tức cấm ứng dụng của Kogan khỏi nền tảng của mình và
yêu cầu Kogan và Cambridge Analytica chính thức xác nhận rằng họ đã xóa tất cả
dữ liệu được thu thập không hợp lệ đó. Họ cung cấp các chứng nhận này.
Tuần trước, Facebook đã biết được từ các báo The Guardian,
The New York Times và và kênh truyền hình Channel 4 rằng Cambridge Analytica có
thể đã không xóa dữ liệu như họ đã chứng nhận. Đây là sự vi phạm lòng tin giữa
Kogan, Cambridge Analytica và Facebook. Nhưng nó cũng là sự vi phạm lòng tin
giữa Facebook và những người chia sẻ dữ liệu của họ và mong muốn Facebook bảo
vệ nó. Facebook hứa sẽ nhanh chóng khắc phục điều đó.”
Bất chấp những biện minh của Facebook, Mỹ và Liên minh Châu
Âu đã tuyên bố sẽ tiến hành điều tra về cách khai thác, sử dụng dữ liệu người
dùng của Facebook và công ty Cambridge Analytica.
Theo trang công nghệ Techcrunch, chỉ sau 2 ngày khủng hoảng 19
và 20-3-2018, giá trị vốn hóa thị trường của Facebook giảm 60 tỷ USD. Riêng ông
chủ Facebook Zuckerberg, Forbes cho biết chỉ trong vài giờ ngày 19-3-2018, tài
sản của ông đã bốc hơi khoảng 6,7%, tương đương với khoảng 5,1 tỉ USD. Ghê gớm
hơn thiệt hại vật chất, rất nhiều người bày tỏ
sự mất lòng tin sâu sắc vào Facebook và tuyên bố tẩy chay mạng xã hội
này. Có một số ý kiến đề nghị Zuckerberg hãy từ chức để giải quyết khủng hoảng.
Rò rỉ dữ liệu người
dùng là dữ liệu gì?
Có nhiều người sẽ thắc mắc: rò rỉ dữ liệu người dùng của
Facebook thì có gì là ghê gớm?Bởi vì hầu hết thông tin của người dùng đều được
người ấy thể hiện trên Facebook cho mọi người cùng xem mà, đây đâu phải là mật
mã tài khoản ngân hàng để bị rút mất tiền, hay những thông tin bí mật để bị
tiết lộ?
Thắc mắc này có phần hợp lý. Tuy nhiên xin nhắc lại một
điều: mỗi khi bạn đăng nhập vào Facebook thì tất cả các hành động của bạn trên
đó đều được Facebook ghi nhận lại. Ngoài những thứ bạn đưa lên công khai cho
mọi người cùng xem (các dòng trạng thái, hình ảnh, clip…) là những thứ mà người
xem có thể căn cứ vào đó để biết được các hoạt động, sinh hoạt, cảm xúc… của
bạn một cách trực tiếp, thì còn những thứ khác như những lần bấm Thích, những
comment vào trang của người khác giúp Facebook (vâng, Facebook chứ không phải
cá nhân ai, vì như đã nói, mọi hành động của người dùng đều được Facebook ghi
nhận mà) có thể thống kê để suy đoán về tâm lý, tính tình của bạn.
Bạn muốn hình dung Facebook hiểu gì về mình? Xin hãy thử
bằng cách sau: Chọn mục Cài đặt, trên
đó chọn mục Quảng cáo.
Bạn sẽ thấy Facebook đã thu thập vô số thông tin về sở thích
của mình, như về kinh doanh thì quan tâm đến lĩnh vực gì, giải trí thì thích
gì, thích du lịch ở đâu, thích xem tin tức loại gì… Facebook còn tổng hợp thành
một bảng thông tin về bạn như sau:
Như tên của đề mục này, Facebook cho rằng đây là những thông
tin mà họ thu thập được từ bạn “chỉ nhằm mục đích đưa các quảng cáo phù hợp đến
cho bạn”. Họ bảo đảm rằng chỉ bạn mới có thể xem các thông tin về mình như vậy
thôi.
Trên thực tế Facebook biết về bạn sâu hơn tới mức nào, và họ
bảo mật những thông tin ấy tới mức nào thì… bạn chỉ có thể đoán thôi!
Phạm Hoài Nhân
Lao Động Đồng Nai - 26/03/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét