Tuần qua, có hai thông tin quan trọng liên quan đến thị trường gọi xe
công nghệ tại Việt Nam. Đó là: ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia chính thức
tuyên bố nhảy vào thị trường Việt Nam, và ứng dụng gọi xe Go-ixe của Việt Nam
khai trương công ty CP Công nghệ Go-ixe
Cần Thơ và mở văn phòng Go-ixe Đồng bằng Sông Cửu Long.
Go-Jek nhảy vào thị
trường Việt Nam
Go-Jek là đối thủ lớn
của Grab
Theo tin từ CNBC, Go-Jek ra một tuyên bố ngày 24-5, cho biết
sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD để tiến vào 4 thị trường mới gồm Việt Nam, Thái
Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới. Kế hoạch của Go-Jek là sẽ
bắt đầu với dịch vụ gọi xe, sau đó là những dịch vụ bổ sung.
Go-Jek chính là đối thủ lớn nhất của Grab tại Đông Nam Á, được
thành lập năm 2010 và có trụ sở tại Indonesia. Khi mới thành lập, Go-Jek là một
công ty ứng dụng gọi xe máy (xe ôm). Về sau, công ty này mở rộng sang các lĩnh
vực khác như giao hàng đồ ăn, kinh doanh thực phẩm và thanh toán.
Dịch vụ của Go-Jek hiện đã phủ sóng 50 thành phố ở Indonesia
và được hậu thuẫn bởi những nhà đầu tư nổi tiếng như quỹ đầu tư quốc gia
Temasek Holdings của Singapore và tập đoàn công nghệ khổng lồ Tencent của Trung
Quốc. Việc mở rộng hoạt động sang những thị trường mới sẽ làm gia tăng sự đối
đầu giữa Go-Jek và đối thủ Grab có trụ sở ở Singapore. Cả hai đều có những dịch
vụ tương tự là gọi xe, thanh toán kỹ thuật số, và giao hàng đồ ăn.
Ngay ở Indonesia, cuộc cạnh tranh giữa Go-Jek và Grab đã rất
nóng, bây giờ sẽ thêm những thị trường mới, trong đó có Việt Nam.
Ứng dụng gọi xe
Go-ixe của Việt Nam mở văn phòng tại Đồng bằng Sông Cửu Long
Gần như cùng thời điểm Go-Jek tuyên bố đầu tư mở rộng thị
trường tại Việt Nam, ngày 23-5 Công ty CP công nghệ Go-ixe VN đưa vào hoạt động
văn phòng Go-ixe Đồng bằng sông Cửu Long và khai trương Công ty CP công nghệ
Go-ixe Cần Thơ.
Go-ixe không phải là một công ty mới. Ứng dụng gọi xe Go-ixe
có chức năng tương tự Uber, Grab, được một chàng thanh niên trẻ là Hoàng Bá
Trí, sinh năm 1984, quê tại Bến Tre, cho ra đời năm 2016. Trí từng theo học
ngành công nghệ thông tin tại Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia
TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, năm 2006 anh vào làm việc tại một công ty Nhật Bản
và đã có kinh nghiệm hơn 10 năm tại trong lĩnh vực phần mềm, từ vị trí nhân
viên đến quản lý sản phẩm. Năm 2016, Trí quyết định nghỉ việc và thành lập Go-ixe,
ứng dụng gọi xe tương tự như Uber và Grab.
Hàng Bá Trí, sáng lập
viên và CEO của Go-ixe
Mặc dù có một số thành công nhất định, nhưng Go-ixe bị che
mờ bởi cái bóng quá lớn của Uber, Grab. Khi Uber biến mất, một cơ hội mở ra cho
Go-ixe. Nếu theo dõi thị trường, người ta sẽ thấy cả Uber lẫn Grab phát triển
mạnh ở những thành phố lớn, trong đó chủ yếu là Hà Nội và TPHCM. Ở những vùng
khác, sự phát triển chậm, thậm chí không có dịch vụ gọi xe này, đặc biệt là
đồng bằng sông Cửu Long. Nắm được đặc điểm này, tận dụng thế mạnh đồng bằng
sông Cửu Long là quê hương của mình, dịch vụ Go-ixe của Hoàng Bá Trí quyết
nhanh tay chiếm lĩnh thị trường. Việc đưa vào hoạt động văn phòng Go-ixe Đồng
bằng sông Cửu Long và khai trương Công ty CP công nghệ Go-ixe Cần Thơ chính là
động thái cụ thể để thực hiện chiến lược. Dự kiến đến tháng 10-2018, Go-ixe sẽ
có mặt ở 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Như vậy, có thể thấy cuộc cạnh tranh trên thị trường gọi xe
công nghệ vẫn ngày càng sôi nổi. Bên cạnh đó, các kết luận ban đầu của Cục Quản
lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật
cạnh tranh liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông
Nam Á, chắc chắn là Grab không thể yên ổn thụ hưởng chiến thắng sau khi mua
Uber.
Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 28/05/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét