Dường như không muốn tỏ ra thua kém đối thủ trong lĩnh vực ứng dụng trí
tuệ nhân tạo (AI), nên ngay sau hội nghị Google I/O 2018 – nơi mà Google đã
trình diễn những ứng dụng AI xuất sắc của mình – Facebook và Microsoft đã đua
nhau giới thiệu những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực này.
Facebook vừa làm ra
một AI có thể biến một bản nhạc thể loại này sang thể loại khác
Các nhà khoa học ở bộ phận khảo sát AI của Facebook
(Facebook AI Research, viết tắt là FAIR) hôm 22/5 công bố họ vừa chế ra một con
AI có thể chuyển đổi âm nhạc từ một thể loại, nhạc cụ,... này sang một thể
loại, nhạc cụ khác. Đưa cho con AI này một thứ, thí dụ như một giàn nhạc đang
chơi nhạc giao hưởng của Bach, bạn có thể biểu nó biến thành thứ khác, thí dụ
như piano đang chơi nhạc theo phong cách Beethoven chẳng hạn.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố:
“Theo như chúng tôi biết thì kết quả chúng tôi đạt được chưa
từng được phát hiện ra trước đây. Khi được yêu cầu chuyển đổi từ nhạc cụ sang
nhạc cụ khác, mạng lưới của chúng tôi tương đương, hoặc chỉ kém hơn chút đỉnh
sovới các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Trong
nhiều trường hợp, người nghe không thể phân biệt được đâu là file nhạc gốc, đâu
là file đã được chuyển đổi sau khi AI đã chuyển nó thành một bản nhạc với một
nhạc cụ và phong cách khác hoàn toàn.”
Mức độ trung thực đến khó tin này đạt được bằng cách dạy cho
mạng thần kinh nhân tạo cách tự động mã hoá âm thanh. Ở mức độ mà AI này xem
xét, nó tạo nên một “bó” âm thanh này giống như một “bó” âm thanh khác, nhưng
không phải chuyển đổi phong cách một cách máy móc. Nhóm nghiên cứu cho biết:
“Chúng tôi tránh xa kiểu chuyển đổi phong cách nhạc đơn
thuần, không cố gắng sử dụng phương pháp đó vì chúng tôi tin rằng giai điệu do
một chiếc piano chơi thì không giống với giai điệu do một giàn hợp xướng hát.
Quá trình mapping được thực hiện ở mức
cao hơn, các sửa đổi sẽ không phải chỉ là những thay đổi từng phần mà như một
người nhạc sĩ thực thụ xem bản nhạc gốc và sáng tạo lại nó cho một nhạc cụ khác."
FAIR tiếp cận một phương pháp mã hoá tự động phức tạp, cho
phép mạng lưới xử lý âm thanh đầu vào theo cách mà AI chưa từng được huấn luyện
để xử lý. Vì vậy, thay vì cố tìm cách làm hợp âm hay ghi nhớ các nốt nhạc,
phương pháp học tập không qua giám sát của AI sử dụng các diễn giải ngữ nghĩa
cấp cao. Nó giống như cái cách mà nhạc công chuyên nghiệp nghe “bằng tai” rồi
tự mình trình diễn lại bằng một nhạc cụ khác.
Đây có thể là một trong những con AI đầu tiên mà có thể
khiến người nghe lầm tưởng là đang nghe một nhạc công thực thu chơi nhạc. Và
hãy thử tưởng tượng xem, một ngày nào đó bạn có thể đưa cho con AI này một bản
nhạc Jazz và ra lệnh cho nó hãy chơi bản nhạc này theo kiểu… quan họ Bắc Ninh.
Kết quả sẽ rất là thú vị!
Trợ lý ảo của
Microsoft cũng biết gọi điện thoại như trợ lý ảo Google!
Nửa tháng trước, tại hội nghị thường niên Google I/O 2018,
CEO Sundar Pichai của Google đã giới thiệu trợ lý ảo có thể thay thế người dùng
gọi điện đặt lệnh với một đơn vị dịch vụ nào đó. Mới đây, ngày 22-5 Microsoft
cũng giới thiệu một trợ lý ảo có khả năng gọi điện, không chỉ đặt lệnh mà nó
còn biết trò chuyện với người bên kia đầu dây nữa. Nếu trợ lý ảo của Google
khiến người xem thích thú vì nó biết “à há” thì trợ lý ảo của Microsoft cũng
biết “à há” hay “ừm”…
Trợ lý ảo của Microsoft có tên là Xiaoice (có nghĩa là Tiểu
Băng), vừa được giới thiệu khả năng gọi điện và trò chuyện như người thật tại
London vào ngày 22-5 vừa qua.
Từ lâu, trên Windows đã có trợ lý ảo của Microsoft tên là
Cortana. Ở Trung quốc, nó có tên là Xiaoice. Tại đây, Xiaoice là một nhân vật
nổi tiếng, vì “cô ta” có đến 500 triệu bạn bè giao tiếp mình qua các dịch vụ
nhắn tin của Trung Quốc, bao gồm WeChat. Cho đến nay, giao tiếp của Cortana lẫn
Xiaoice chủ yếu vẫn là văn bản (text).
Điều khá ngạc nhiên là Microsoft chỉ giới thiệu tính năng
gọi điện và trò chuyện của Xiaoice chứ không phải của “người chị” Cortana,
nghĩa là tính năng này chỉ được sử dụng tại Trung quốc chứ chưa sử dụng được
tại các nước phương Tây.
Ông Satya Nadella - Giám đốc điều hành Microsoft - cho biết
rằng Xiaoice có một chương trình truyền hình riêng, có thể viết thư và đã trở
thành một nhân vật khá nổi tiếng ở Trung quốc. Không chỉ sắp xếp các cuộc hẹn
và đặt chỗ cho bạn như trợ lý ảo của Google, Xiaoice có thể tổ chức một cuộc
trò chuyện qua điện thoại với một người. Xiaoice có thể trò chuyện với bạn trên
WeChat (bằng văn bản) rồi dừng lại để gọi cho bạn (bằng giọng nói). Cuộc trò
chuyện sau đó có thể tiếp tục qua điện thoại.
Tại buổi giới thiệu, được minh họa bằng một cuộc gọi của
Xiaoice, Nadella nhắc rằng trên thực tế Xiaoice đã từng thực hiện đến 1 triệu
cuộc gọi tại Trung quốc. Theo đánh giá của Angela Chen, phóng viên khoa học có
uy tín của tạp chí The Verge, thì chất lượng cuộc gọi rất tốt. Trong đoạn video
demo, Xiaoice cho thấy nó có thể “đoán trước” người đối thoại sẽ nói tiếp điều
gì và trả lời nhanh chóng. Cũng trong đoạn video demo, Xiaoice đã ngắt lời
người đối thoại giữa chừng để cảnh báo rằng… đang có gió mạnh và người đối
thoại cần đóng cửa sổ trước khi đi ngủ.
Mặc dù hiện giờ trợ lý thông minh này chỉ có tại Trung quốc,
nhưng chắc chắn rằng Microsoft đã nắm được công nghệ này và họ sẽ sớm đưa vào
ứng dụng tại Âu, Mỹ cùng các nước khác để cạnh tranh với trợ lý ảo thông minh
của Google. Đến lúc ấy, chắc rằng khi chúng ta chuẩn bị lên giường ngủ, sẽ nghe
trong chiếc smartphone tiếng của trợ lý nhắc nhở: Đánh răng chưa mà đi ngủ vậy?
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 28/05/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét