Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

Bloomberg: Trung quốc dùng chip tí hon xâm nhập các công ty Mỹ

Ngày 4-10, Bloomberg cung cấp một thông tin gây chấn động thế giới. Theo đó, một công ty Trung quốc chuyên cung cấp bản mạch dùng cho máy chủ đã bí mật gắn các microchip vào những bản mạch chủ ở máy chủ tại trung tâm dữ liệu của hơn 30 công ty và tổ chức tại Mỹ, trong đó có cả công ty liên quan đến Bộ Quốc phòng Mỹ.

Nghi vấn đến từ công ty Supermicro

Supermicro là một công ty phần cứng chuyên về máy chủ (server) được Charles Liang (người gốc Đài Loan) thành lập tại Mỹ vào năm 1993. Công ty này cung ứng các thiết bị máy chủ như: bản mạch chủ (motherboard), máy chủ (server), chassis (vỏ máy chủ). Đây là một trong hai nhà sản xuất bản mạch chủ nổi tiếng nhất trên thế giới. Supermicro đang thống trị thị trường hơn 1 tỷ USD với các bản mạch chủ dành cho những chiếc máy tính có nhiệm vụ đặc biệt, từ máy chụp cộng hưởng từ MRI cho đến các hệ thống vũ khí.

Mặc dù Supermicro có trụ sở tại Mỹ nhưng hầu như mọi bản mạch chủ của họ đều được sản xuất bởi các nhà thầu ở Trung Quốc. Theo những nguồn tin giấu tên mà Bloomberg tiếp cận được, những bản mạch chủ dành cho máy chủ có thể đã trở thành mục tiêu cho một cuộc tấn công bằng phần cứng thông qua những con chip siêu nhỏ gắn trong sản phẩm.

Một banner quảng cáo Supermicro server tại Việt Nam

Phát hiện ra microchip nhỏ bằng hạt gạo bí mật gắn vào bản mạch chủ

Theo thông tin từ Bloomberg, sự việc được phát hiện từ năm 2015, bắt đầu bằng thương vụ Amazon thâu tóm startup chuyên nén video Elemental Technologies. Trong quá trình kiểm tra các máy chủ của Elemental - được Supermicro cung cấp - các chuyên gia an ninh đã phát hiện những microchip nhỏ bằng hạt gạo được gắn trong đó, dù chúng không có trong thiết kế ban đầu của bản mạch chủ. Amazon báo sự việc này cho chính quyền Mỹ, và nó đã làm tình báo Mỹ hoảng hốt khi các máy chủ của Elemental cũng được sử dụng trong trung tâm dữ liệu Bộ Quốc phòng Mỹ, bộ phận điều hành drone của CIA, và mạng lưới liên lạc của tầu chiến Mỹ. Không những thế, Supermicro còn có hàng trăm khách hàng lớn khác, trong đó có cả Apple.

Với quy mô của Supermicro trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng các bản mạch chủ dành cho máy chủ, các microchip này có một vị trí hoàn hảo cho việc tấn công vào chuỗi cung ứng quan trọng nhất thế giới để nhắm tới các công ty Mỹ. Một quan chức cho biết, cuộc điều tra phát hiện ra rằng, bên cạnh Apple, các microchip này có thể đã ảnh hưởng tới gần 30 công ty và tổ chức, bao gồm cả một ngân hàng lớn, các nhà thầu chính phủ.

Amazon và Apple lên tiếng

Ngay sau khi báo cáo này được công bố, cả Apple và Amazon đều lên tiếng phủ nhận. Cả hai đều khẳng định rằng máy chủ của mình không bị tấn công bởi những con chip gián điệp Trung Quốc. Dưới đây là những tuyên bố của họ:

Apple: Trong suốt một năm qua, Bloomberg đã liên hệ với chúng tôi nhiều lần với một tuyên bố, đôi khi mơ hồ và đôi khi khá phức tạp, về một sự cố bảo mật đang xảy ra tại Apple. Mỗi lần, chúng tôi đều tiến hành điều tra dựa trên yêu cầu của họ và chúng tôi hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào. Chúng tôi liên tục phản hồi và bác bỏ những báo cáo của Bloomberg liên quan đến Apple.

Để làm rõ, Apple chưa bao giờ tìm thấy những con chip gián điệp trong bất kỳ máy chủ nào. Apple cũng chưa bao giờ liên hệ với FBI hoặc cơ quan Chính phủ Mỹ về các vấn đề này. Chưa từng có cuộc điều tra nào từ phía FBI hoặc Chính phủ được tiến hành.

Amazon: Hoàn toàn sai sự thật khi nói rằng AWS (Amazon Web Service) đã tìm thấy những con chip gián điệp hoặc bất kỳ lỗ hổng bảo mật phần cứng nào. Cũng hoàn toàn sai sự thật khi nói rằng AWS phát hiện những sửa đổi của các trung tâm dữ liệu đặt tại Trung Quốc, hay AWS đã liên hệ với FBI để điều tra.

Chúng tôi đã xem xét lại hồ sơ liên quan đến việc mua máy chủ Elemental từ nhà sản xuất SuperMicro. Và chúng tôi không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự tồn tại của một con chip gián điệp nhỏ bằng hạt gạo, hay bất kỳ sửa đổi phần cứng nào.

Những hiệu ứng đáng ngại

Mặc dù có sự lên tiếng phủ nhận của Amazon và Apple nhưng ảnh hưởng của thông tin này rất lớn. Ngay sau khi có thông tin về sự xâm nhập của Trung quốc vào hệ thống máy tính hàng chục công ty Mỹ, nhờ chip siêu nhỏ do các gián điệp chế tạo thì thị trường chứng khoán châu Á đã lao dốc. Ảnh hưởng nặng nề nhất là hai đại gia công nghệ Lenovo và ZTE, đây là hai công ty Trung quốc sử dụng bản mạch chính của Supermicro. Cổ phiếu Lenovo có lúc mất tới 23% trên sàn Hong Kong, mạnh nhất từ đầu năm 2009. Cổ phiếu ZTE cũng mất tới 14%.

Các chuyên gia bảo mật nổi tiếng thế giới cũng bày tỏ sự bàng hoàng trước thông tin này. Nicholas Weaver, giáo sư tại Viện Khoa học Máy tính Quốc tế Barkeley nói: “Phản ứng đầu tiên của tôi là hét lên: THẬT KHỦNG KHIẾP, đây là phương pháp hack đỉnh điểm mà tôi từng thấy”. Còn theo Theo Katie Moussouris, sáng lập kiêm CEO của hãng bảo mật Luta Security, thì: “Khi một phần cứng nguy hiểm được cấy vào hệ thống nó không những khó bị phát hiện mà còn có thể vượt qua cả những biện pháp bảo mật phần mềm tinh vi nhất”.

Việt Nam thì sao?

Chưa rõ thực chất vụ việc này như thế nào. Chỉ xin nêu vài thông tin của Supermicro có liên quan đến Việt Nam để tham khảo:

Supermicro đã được giới thiệu đến Việt Nam năm 2002, chính thức có mặt từ 2008. Hãng  đang khẳng định là thương hiệu máy chủ hàng đầu tại Việt Nam. Theo Supermicro, hãng hiện chiếm 59% thị phần bản mạch chủ trên thế giới, riêng tại Việt Nam, Supermicro chiếm 7% thị phần bản mạch cho máy tính để bàn và 25% cho server.


Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 08/10/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét