Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

IBM Việt Nam có tổng giám đốc mới


Ngày 24-10, tập đoàn IBM đã công bố chính thức bổ nhiệm ông Tan Jee Toon làm Tổng Giám đốc Công ty IBM Việt Nam..

Ông Tan Jee Toon – Tổng giám đốc IBM Việt Nam. Ảnh: IBM

Tổng giám đốc IBM Việt Nam – người mới mà cũ

Ông Tan Jee Toon không phải là một người mới đối với Việt Nam. Chính ông đã từng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc của IBM Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015 (thay cho ông Võ Tấn Long, giữ cương vị này từ 2008-2013). Từ tháng 1-2016, ông Eric Yeo đã đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc của IBM Việt Nam để thay thế ông Tan  Jee Toon được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhóm Điện toán Đám mây và các Giải pháp Phần mềm của IBM khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với trụ sở tại Singapore.

Với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, ông Tan Jee Toon đã từng nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau tại IBM. Ông có đóng góp rất lớn trong việc triển khai tích hợp các giải pháp và sản phẩm của IBM, đặc biệt trong các sáng kiến mang tính chiến lược của tập đoàn, như điện toán đám mây, điện toán biết nhận thức, dữ liệu lớn và các giải pháp phân tích dữ liệu. Ông cũng là người ủng hộ và hỗ trợ tích cực cho quá trình đổi mới sáng tạo kỹ thuật số của các khách hàng IBM toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong nhiệm kỳ mới, ông Tan Jee Toon sẽ tiếp tục củng cố và xây dựng quan hệ hợp tác giữa IBM với các cơ quan chính phủ, các khách hàng và cộng đồng tại Việt Nam. Ông Tan Jee Toon sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam gặt hái thành công trong nền kinh tế số nhờ đi tắt, đón đầu các công nghệ mang tính đột phá, như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain, và các giải pháp an ninh, bảo mật.

IBM trên thế giới

IBM, viết tắt của International Business Machines, là một tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Armonk, New York, Mỹ. IBM được thành lập năm 1911 tại Thành phố New York, lúc đầu có tên là Computing Tabulating Recording (CTR) và đổi thành International Business Machines vào năm 1924.

IBM là nhà sản xuất và bán phần cứng, phần mềm máy tính, cơ sở hạ tầng, dịch vụ máy chủ và tư vấn trong nhiều lĩnh vực từ máy tính lớn đến công nghệ na nô.

Với hơn 350.000 nhân viên, IBM là công ty tin học lớn nhất thế giới. IBM có đội ngũ kỹ sư và nhân viên tư vấn tại 170 quốc gia. IBM còn có 8 phòng thí nghiệm trên thế giới. Nhân viên của IBM đã giành được 5 giải Nobel, 5 giải thưởng Turing, 5 huy chương công nghệ quốc gia.

IBM từng được biết đến như là một công ty sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, là chủ công nhân công nghệ lớn nhất trên toàn thế giới. Đó là một lợi thế nhưng doanh thu của IBM đã bị tụt xuống hàng thứ hai sau Hewlett Packard trong năm 2007.

Có một điều dễ gây ngộ nhận rằng IBM đã được chuyển giao cho Trung quốc. Đó là thông tin vào năm 2005 IBM đã bán bộ phận máy tính cá nhân (PC) của họ cho hãng Lenovo của Trung quốc với giá 1,25 tỷ USD, rồi đến năm 2014 IBM lại bán luôn bộ phận máy chủ cho Lenovo với giá 2,3 tỷ USD. Đúng là bộ phận máy tính cá nhân cùng máy chủ là những bộ phận lớn, từng góp phần làm nên tên tuổi của IBM, nhưng đó không phải là toàn bộ IBM và những bộ phận này không còn mang lại hiệu quả cho IBM. Ngày nay, IBM không còn sản xuất máy PC cũng như máy chủ nữa nhưng họ hoạt động trên những lĩnh vực khác quan trọng hơn nhiều như điện toán đám mây, hệ thống máy tính, phần mềm, hệ thống mạng, thiết bị lưu trữ và vi điện tử…

IBM ở Việt Nam

Ở miền Nam Việt Nam từ trước 1975 tên gọi IBM gần như đồng nghĩa với máy tính. Nói “máy IBM” có nghĩa là nói đến máy tính. IBM có thể xem là công ty đầu tiên và duy nhất hoạt động trên lĩnh vực điện toán tại miền Nam. IBM có mặt tại miền Nam Việt Nam từ năm 1938 và kết thúc vào năm 1975.

Ngay sau khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận về kinh tế, IBM là một trong những công ty đầu tiên quay trở lại thị trường Việt Nam mở văn phòng đại diện vào năm 1994. Trong hơn 20 năm qua, IBM Việt Nam đã trưởng thành từ một công ty vài chục người thành một công ty vài trăm nhân viên, từ hai văn phòng đại diện nhỏ thành ba văn phòng khang trang tại các tòa nhà trung tâm ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Về mặt chức năng, thời gian đầu IBM Việt Nam là một công ty chuyên kinh doanh phần cứng. Từ sự kiện IBM bán mảng máy tính cá nhân năm 2005 rồi mảng máy chủ năm 2014 cho công ty Lenovo của Trung quốc, chức năng chính của công ty mẹ IBM có sự thay đổi. Điều này dẫn đến sự thay đổi chức năng của IBM Việt Nam, từ một công ty chuyên kinh doanh phần cứng thành một công ty cung cấp các giải pháp và dịch vụ giá trị cao, như điện toán đám mây và điện toán biết nhận thức.

Tổng giám đốc IBM Việt Nam phát biểu: “IBM chúng tôi mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ đối tác với chính phủ, các doanh nghiệp và công dân Việt Nam trong một tương lai chung. Tương lai chung này là một tương lai đầy hứa hẹn, khi chúng ta có thể sử dụng Điện toán biết nhận thức để giải phóng được những tiềm năng của dữ liệu – “tài nguyên thiên nhiên” của thời đại mới, đồng thời biến thông tin và trí tuệ số thành lợi thế cạnh tranh”

Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 29/10/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét