Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Đo nhịp tim cho… trái chuối


Hiện nay, với đà phát triển của kỹ thuật số và nhu cầu về sức khỏe của con người, những thiết bị kỹ thuật số đeo tay như đồng hồ đeo tay thông minh (smartwathch) có thêm chức năng đo các thông số sức khỏe như huyết áp, nhịp tim... Bên cạnh chức năng đo nhịp tim của cơ thể, dạo này rộ lên trò vui dùng smartwatch để đo nhịp tim của… trái chuối, cuộn giấy vệ sinh…

Cuộn giấy vệ sinh có nhịp tim không?

Câu chuyện bắt đầu từ việc có ai đó ở Trung quốc thử tinh nghịch dùng một vòng đeo tay thông minh Xiaomi Mi Band 3 (đây là một vòng đeo tay thông minh có thể nhắn tin, xem thời tiết, theo dõi sức khỏe… có bán tại Việt Nam với giá khoảng 6 – 700.000 đ) đeo vào… cuộn giấy vệ sinh và phát hiện rằng nó cho kết quả là có nhịp tim. Thông tin này được đưa lên mạng xã hội Weibo và lập tức được nhiều người chú ý, bắt chước làm thử và đều cho kết luận là… cuộn giấy vệ sinh có nhịp tim!

Trang tin Abacus (www.abacusnews.com) đã thử kiểm chứng và đăng kết quả lên trang. Abacus đã thử dùng vài loại vòng đeo tay thông minh khác nhau như Xiaomi Mi Band 3, Apple Watch Series 4, Ticwatch… và đeo lên những vật thể khác nhau, như: cuộn giấy vệ sinh. trái chuối, cái ly… Kết quả là… cái nào cũng có nhịp tim cả!

Apple Watch cho biết trái chuối này có nhịp tim là 31 lần/phút

Còn đồng hồ thông minh này thì cho nhịp tim của trái chuối là 54 lần/phút.

Rõ ràng ai cũng biết trái chuối hay cuộn giấy vệ sinh không thể có nhịp tim. Như vậy những kết quả đo nói trên là sai, và như vậy liệu khi dùng chúng để đo nhịp tim của người thì có chính xác không? Bài báo cho biết đã đưa câu hỏi cho Xiaomi và chưa nhận được câu trả lời chính thức.

Vì sao có kết quả như thế?

Thật ra câu chuyện trên chẳng có gì lạ (và có lẽ Xiaomi hay Apple cũng chẳng cần phải trả lời) nếu như ta biết sơ qua về nguyên lý đo nhịp tim thường dùng trên các thiết bị điện tử.
Một nguyên lý dạng là sử dụng điện tâm đồ để ghi lại hoạt động điện tim. Phần điện cực trong thiết bị cần có hơi nước hoặc mồ hôi để bắt các tín hiệu điện tim. Khi bạn đang vận động và đổ mồ hôi, các điện cực sẽ bắt những tín hiệu điện tim trong cơ thể, sau đó gửi dữ liệu vào bộ phận phát. Thiết bị loại này thiết kế dưới dạng dây đeo ngực.

Các loại thiết bị đeo tay thì lại dùng nguyên tắc quang học. Hầu hết các thiết bị này đều thu thập dữ liệu nhịp tim thông qua thể tích đồ (photoplethysmography - PPG), là quá trình sử dụng ánh sáng để đo lưu lượng máu. Các thiết bị này đều có những bóng đèn LED nhỏ ở mặt dưới, chiếu ánh sáng xanh lên bề mặt da trên cổ tay người dùng. Các bước sóng khác nhau của ánh sáng sẽ có những tương tác và khúc xạ khác nhau với mạch máu dưới da ở cổ tay. Khi ánh sáng được khúc xạ, một cảm ứng khác trong thiết bị điện tử sẽ ghi nhận thông tin này. Từ các thông tin thu thập được, các thuật toán cài đặt trong thiết bị theo dõi sức khỏe trên người sẽ xử lý để đưa ra thông số về nhịp tim cụ thể trong từng trường hợp.

Các thuật toán này được thiết lập để xử lý các thông số đo được trên cơ thể người, cho ra kết quả là nhịp tim của người chứ không phải là đo trên các vật thể khác. Bề mặt cuộn giấy vệ sinh, vỏ trái chuối hay cái ly có thể phản xạ ánh sáng xanh do thiết bị phát ra, nên dĩ nhiên có thể trả về kết quả là một số đo nào đó. Tuy nhiên đó không hề là thông tin hợp lý để thiết bị thu thập và xử lý tính toán, cho ra kết quả. Vì vậy, câu chuyện trên đây chỉ là trò đùa cho vui chứ không hề là một sự kiểm nghiệm cho tính chính xác phép đo nhịp tim của thiết biện điện tử.

Hà An
Lao động Đồng Nai - 15/10/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét