Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Vỏ quít dầy, móng tay nhọn


Tháng 7-2018, Liên minh châu Âu xử phạt Google một mức phạt là 4,3 tỷ euro (khoảng 5 tỷ USD) do lạm dụng sự độc quyền của những ứng dụng Android. Mới đây, Google đã đưa ra một động thái cho thấy sự đáp trả của mình với quyết định này như thế nào.

Tại thời điểm Liên minh châu Âu tuyên bố xử phạt, Google đã phản bác lại rằng thay vì hành vi của họ được cho là làm giảm sự lựa chọn của người dùng thì trái lại nó lại mang đến cho họ nhiều cơ hội hơn. Google đang theo đuổi quá trình kháng nghị lại quyết định xử phạt của EU, quá trình này được dự đoán sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Mô tả một cách khái quát vụ việc này như sau:

Hệ điều hành trên smartphone được mọi người sử dụng hiện nay là Android, một sản phẩm của Google. Hệ điều hành Android này rất được phổ biến vì nó là một sản phẩm chất lượng và miễn phí, lại có mã nguồn mở. Song song với ưu điểm này, Google có “một chút” đòi hỏi đối với các nhà sản xuất thiết bị. Đó là các thiết bị điện thoại khi xuất xưởng ngoài việc cài đặt hệ điều hành Android thì phải cài đặt luôn các gói ứng dụng như Google Tìm kiếm và Chrome. Người dùng khi mua điện thoại mặc nhiên sẽ thấy trên đó có sẵn Google Tìm kiếm và trình duyệt Chrome rồi, đây cũng là những ứng dụng quá tốt và quá cần dùng nên họ dễ dàng chấp nhận ngay. Điều này giúp củng cố mảng kinh doanh quảng cáo khổng lồ của Google, đem lại cho họ khoản lợi nhuận to lớn.

Gần đây, các cơ quan quản lý của châu Âu đã thành công trong việc cho rằng, hành vi của Google đem lại cho họ các lợi thế bất bình đẳng, chống lại cạnh tranh. Vì thế, vào tháng Sáu vừa qua, một tòa án đã ra lệnh công ty phải thay đổi chính sách của mình, buộc Google nộp phạt 5 tỷ USD như nêu trên.

Trên một chiếc smartphone xuất xưởng, được cài đặt sẵn rất nhiều ứng dụng hữu ích của Google

Ngoài việc kháng nghị như nói trên, mới đây Google có động thái đáp trả như sau:

Google cho biết sắp tới các nhà sản xuất khi bán thiết bị của họ vào Khu vực Kinh tế châu Âu với các ứng dụng Google được cài đặt sẵn thì sẽ phải trả tiền cho Google.

Android vẫn là hệ điều hành mã nguồn mở và các nhà sản xuất vẫn được phép tinh chỉnh phần mềm phù hợp với đặc điểm kỹ thuật riêng của họ. Họ cũng được phép cài đặt trước phần mềm mình muốn trên thiết bị của họ. Nhưng Google cho biết, bộ ứng dụng di động đi kèm của họ (Play Store, Gmail, YouTube, Maps) sẽ yêu cầu phải trả phí nếu chúng được cài đặt sẵn trên các thiết bị xuất xưởng tới Khu vực Kinh tế châu Âu EAA. Hơn nữa, các ứng dụng như Search và Chrome còn đòi hỏi một giấy phép riêng biệt khác.

Trên thực tế, hiện nay công cụ tìm kiếm của Google chiếm địa vị thống trị, mà ngay cả những công ty lớn như Microsoft cũng rất khó khăn khi muốn cạnh tranh. Google Maps là một ứng dụng có tầm phủ sóng quá rộng, khó ai có thể thay thế (Apple Maps vẫn còn đầy các sai sót về dữ liệu ngay chính trên đất Mỹ). Ngoài ra, chưa ai đủ sức đối đầu với YouTube trên thị trường stream video do người dùng tạo ra. Một chiếc điện thoại được xuất xưởng mà không có những ứng dụng này thì người dùng… đâu có chịu mua. Mà muốn có ứng dụng thì nhà sản xuất lại phải trả phí cho Google.

Đòn trả đũa này tuy khá mạnh bạo, nhưng vẫn chưa biết các nhà sản xuất sẽ đối phó như thế nào. Họ có chấp nhận trả phí cấp phép không, hay họ sẽ chọn cài đặt trước trên thiết bị các ứng dụng miễn phí khác của đối thủ Google? Chỉ cần có trình duyệt, mọi thứ khác đều có thể tải xuống từ Google khi người dùng nào đó tải lên sau khi họ mua thiết bị. Mà trình duyệt thì ngoài Chrome còn có Firefox kia mà!

Google cho biết, những thay đổi này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 29-10-2018, nhưng nó vẫn chưa chắc chắn vì hiện giờ công ty vẫn đang trong quá trình kháng cáo lại quyết định chống độc quyền của Liên minh châu Âu EU. Câu chuyện “vỏ quít dày, móng tay nhọn” này sẽ còn dài.

Hà An
Lao động Đồng Nai - 22/10/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét