Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Kỹ sư Dương Quang Thiện, người thầy kính yêu của giới tin học Việt Nam, đã ra đi


Kỹ sư Dương Quang Thiện, người sáng lập và tổ chức Nhóm SAMIS, người đã viết hàng trăm sách về điện toán và về ERP để phổ cập cho trí thức và giới trẻ Việt Nam sau năm 1975, vừa qua đời lúc 16g06 phút chìều 7-8-2019.

 Trang Facebook của ông Dương Quang Thiện


Người mở đường cho tin học quản lý tại Việt Nam

Cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, những bộ máy vi tính đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Thuở ấy không có nhiều tài liệu để tìm hiểu về việc lập trình, nhất là việc quản trị dữ liệu trên máy vi tính. Do vậy làm cách nào ứng dụng máy vi tính vào việc quản lý của cơ quan đơn vị là cả một vấn đề nan giải đối với người dùng. May thay, lúc ấy xuất hiện một loạt sách hướng dẫn theo đúng nhu cầu sử dụng. Đáng chú ý là các tài liệu này được biên soạn rất sát với nhu cầu thực tế và có phong cách rất bình dân, dễ hiểu. Đơn vị tổ chức biên soạn các tài liệu ấy là nhóm SAMIS, người sáng lập và chủ trì nhóm là kỹ sư Dương Quang Thiện. Có thể nói trong suốt những năm đầu thập niên 1990, những bộ sách SAMIS là sách gối đầu giường của nhiều người làm việc trong lĩnh vực tin học.

Người trở về quê hương từ IBM

Ông Dương Quang Thiện sinh năm 1934, quê quán tại Quảng Trị. Ông tốt nghiệp kỹ sư điện tử năm 1961 tại đại học Bordeaux (Pháp). Ông là người Việt Nam đầu tiên được IBM tuyển vào làm kỹ sư tin học. Giữa lúc đang làm việc tại IBM với mức lương cao ngất, năm 1965 ông Dương Quang Thiện quyết định về Việt Nam khi đất nước đang chiến tranh khói lửa. Ông nói: “Đất nước tôi còn nghèo, sẽ cần tôi hơn là các nước đã phát triển”.

Nhóm SAMIS (viết tắt từ Saigon Micro Services) được ông Dương Quang Thiện thành lập từ cuối những năm 1980, tập hợp những đồng nghiệp có tâm huyết với việc ứng dụng tin học vào quản lý, công việc chính là nghiên cứu và biên soạn tài liệu về vấn đề này để phổ biến cho mọi ngưới.

Tâm nguyện trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Kỷ sư Dương Quang Thiện viết: “Con người ta sinh ra, không phải chỉ để ăn như nhiều người bỡn cợt nói thế, mà thực chất là để giải quyết các vấn đề cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước hoặc cho nhân loại. Các vấn đề là muôn hình vạn trạng, thượng vàng hạ cám. Mà muốn giải quyết vấn đề thì phải học. Nếu giáo dục giúp đào tạo đúng và đủ người để giải quyết các vấn đề xảy ra trong mọi môi trường thì đây là một nền giáo dục tốt. Một nền giáo dục đào tạo được những con người có thể giải quyết vấn đề một cách ngon lành là một nền giáo dục tốt. Thế thôi!”.

Nhóm SAMIS đã một phần hiện thực hóa tâm nguyện của ông. Hơn nửa thế kỷ theo đuổi ngành công nghệ thông tin, ông còn thực hiện nhiều công trình tâm huyết khác. Tất cả đều âm thầm, miệt mài, không dao to búa lớn, không đòi hỏi nguồn kinh phí to lớn từ ngân sách…

Bộ sách tâm huyết cuối cùng của ông là “Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản trị xí nghiệp”. Ông tự giới thiệu: “Tập sách này không phải là phần mềm ERP (Enterprise Resources Planning - Hoạch định nguồn lực xí nghiệp), mà là sách hướng dẫn bạn tự tạo một phần mềm ERP thích ứng với xí nghiệp của mình, giống như bạn tự tay làm một cái bánh theo kiểu của mình, thay vì ra siêu thị mua bánh sản xuất hàng loạt... Lúc đó, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, dễ dàng, biến mất những bộ máy hành chính cồng kềnh để mọi người lo việc khác, và sẽ biến mất cả những cơ hội tham nhũng nữa”.

Nhà Mạnh Thường Quân

Ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin, ông bà Dương Quang Thiện còn là nhà Mạnh Thường Quân cho rất nhiều sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, những người đã từng nhận học bổng, sự trợ giúp, hỗ trợ vô điều kiện từ ông bà thông qua các chương trình mà ông bà tham gia.

Ông bà Dương Quang Thiện tham gia chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ từ năm 1989, đến nay đã chẵn 30 năm. Những khoản tiền từ nhuận bút, bán sách của ông được biến thành những suất học bổng cho sinh viên nghèo, những cây cầu bắc đến ngôi trường vùng khó, thay thế vật liệu cho những lớp học tranh nứa lá.

Ông nói: “Đây là khoản đầu tư cho tương lai chứ không phải làm từ thiện, các em không nợ chúng tôi cái gì, hãy trả lại cho cuộc đời”. Tâm nguyện ấy đã được ông thực hiện cho đến những ngày cuối của đời mình.

Cơn trọng bệnh đã đưa ông ra đi vào ngày 7-8-2019. Ông ra đi bình yên, thanh thản vì những mong muốn tốt đẹp nhất của đời mình đã được thực hiện. Ông ra đi không để lại tài sản vật chất gì nhưng di sản tinh thần là vô cùng to lớn. Vĩnh biệt ông, xin ghi nhớ mãi những bài học ông đã để lại, những bài học để làm việc và làm người.

Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 12/08/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét