Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

Zalo nộp hồ sơ xin cấp phép mạng xã hội


Tại họp báo thường kỳ của Chính phủ vào chiều ngày 1/8/2019, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), cho biết hiện Zalo đã nộp hồ sơ xin cấp phép cung cấp mạng xã hội, trước đó Bộ TT&TT đã cho Zalo khoảng thời gian để hoàn thiện xin cấp phép.

Zalo ban đầu phát triển là ứng dụng thoại và tin nhắn qua nền tảng Internet (OTT), dịch vụ này theo quy định không cần phải cấp phép. Sau đó Zalo phát triển thêm nhiều ứng dụng mới, trong đó có tính năng mạng xã hội. Ban đầu dịch vụ mạng xã hội chỉ gói gọn cung cấp trong số những người dùng Zalo, không phải là dịch vụ cung cấp rộng rãi như một mạng xã hội thông thường. Cho đến gần đây, Cục PTTH&TTĐT và Sở TT&TT đã phát hiện Zalo hoạt động như một mạng xã hội thật sự và đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu Zalo làm thủ tục hồ sơ xin cấp phép. Quan điểm của Bộ TT&TT là xử phạt nghiêm minh, nhưng vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Các doanh nghiệp OTT trong nước đang cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới nước ngoài vốn rất khó khăn rồi, do đó Bộ TT&TT đã cho Zalo khoảng thời gian để hoàn thiện xin cấp phép.

Đã từ lâu, mọi người mặc nhiên thừa nhận Zalo là một mạng xã hội


Việc Zalo chưa được cấp phép là mạng xã hội làm nhiều người bất ngờ, vì từ lâu nay nhìn vào cách thức và mô hình hoạt động thì ai cũng cho rằng Zalo là một mạng xã hội, với đầy đủ tính năng như các mạng xã hội khác như đăng tải thông tin, hình ảnh, like, bình luận (comment)… Câu hỏi đặt ra là: “Zalo không được cấp phép mạng xã hội” hay “Zalo không muốn xin cấp phép mạng xã hội”?

Một chuyên gia trong lĩnh vực nội dung số cho biết việc xin giấy phép thiết lập mạng xã hội rất đơn giản, Zalo có vị thế trên thị trường, có khả năng cạnh tranh được với các mạng xã hội của nước ngoài thì việc xin giấy phép có thể sẽ còn dễ hơn. Như vậy không thể có chuyện “Zalo không được cấp phép mạng xã hội” mà chính là “Zalo không muốn xin cấp phép mạng xã hội”.

Theo chuyên gia trên, khi Zalo hoạt động theo hình thức mạng xã hội chắc chắn sẽ bị quản chặt hơn nhiều ở các quy định về kỹ thuật như về thời gian lưu trữ thông tin tài khoản, quy định về tiếp nhận và xử lý cảnh báo thông tin vi phạm từ người dùng, ngăn chặn loại bỏ thông tin vi phạm, hay thiết lập cơ chế cảnh báo khi người dùng đăng thông tin có nội dung vi phạm; và đặc biệt là những quy định về nội dung như thời gian loại bỏ nội dung vi phạm… (theo quy định tại Nghị định Số 27/2018/NĐ-CP). Chính bởi chịu những quy định, những điều khoản khác nhau nên quá trình phát triển, sáng tạo của ứng dụng sẽ không bắt kịp được xu thế thế giới, xu thế xã hội, và nếu cố bắt kịp thì cũng rất dễ bị phạt. Đây có thể là lý do chính khiến VNG không xin giấy phép thiết lập mạng xã hội cho Zalo.

Nếu đúng như vậy, câu chuyện của Zalo không nên nhìn đơn thuần ở góc độ có phép hay không có phép, mà vấn đề lớn hơn, toàn diện hơn, mang tính chất mở đường là doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các start-up cần lắm một cơ chế để được thỏa sức sáng tạo, phát triển trong môi trường bình đẳng với các doanh nghiệp, các ứng dụng công nghệ nước ngoài tại Việt Nam.

Hà An
Lao động Đồng Nai - 05/08/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét