Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Du lịch khám phá thế giới trong mùa dịch bằng Google Earth


Ngày 22-4 vừa qua là kỷ niệm tròn 50 năm Ngày Trái đất. Nhân dịp này Google đã mời mọi người sử dụng Google Trái đất (Google Earth) cùng ngắm trái đất đẹp tươi, cùng khám phá những điều độc đáo nhất mà thiên nhiên dành tặng cho hành tinh xanh để hiểu thêm, yêu quý và gìn giữ môi trường.

Google Earth – chương trình dành cho những người yêu khoa học, đam mê khám phá

Google Earth là một chương trình máy tính thể hiện bản đồ 3D của toàn bộ trái đất thông qua dữ liệu là ảnh vệ tinh. Chương trình này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2001, bởi công ty Keyhole, Mỹ, và sau đó được Google mua lại vào tháng 10-2004. Kể từ đó chương trình được mang tên Google Earth.

Thời điểm ấy chưa có Google Maps, do đó mọi người dùng Google Earth như là một bản đồ để tìm địa điểm. Đến khi Google Maps ra đời năm 2005 nhưng đến mấy năm sau mới dần dần hoàn thiện thì người ta vẫn còn dùng Google Earth như công cụ tìm địa điểm chủ yếu. Thế rồi Google Maps ngày càng cải tiến, ngày càng tiện lợi, được mọi người sử dụng thường xuyên, Google Earth đi vào quên lãng. Nhiều người nghĩ rằng Google Earth đã bị xóa sổ rồi, bởi vì Google không để tồn tại làm gì hai chương trình có tính năng tương tự nhau là Google Maps và Google Earth.


Thực tế thì Google Earth không hề bị xóa sổ mà trái lại, phát triển rất mạnh. Chỉ có điều là hướng phát triển của Google Earth khác hẳn Google Maps. Nếu Google Maps là công cụ định vị, chỉ đường cho người dùng đúng với tên gọi bản đồ của nó, thì Google Earth là công cụ tìm hiểu, khám phá về hành tinh xanh của chúng ta.

Hiện giờ Google Earth có 3 phiên bản, tất cả đều miễn phí:

-        Google Earth trên web: chạy trên trình duyệt, nhập địa chỉ: earth.google.com hoặc google.com/earth.
-        Google Earth cho thiết bị di động: tải về từ các kho ứng dụng.
-        Google Earth Pro cho máy tính: chương trình chạy độc lập, vào website google.com/earth tải về và cài đặt.

Như tên gọi, Google Earth đem đến cho người dùng trải nghiệm trực quan về một trái đất qua hình ảnh 3 chiều (3D) tại địa chỉ earth.google.com ngay trên trình duyệt web Chrome, hoặc qua ứng dụng di động hay phiên bản dùng trên máy tính. Google Earth phù hợp cho mọi đối tượng và nhiều nhóm sử dụng, từ các cơ quan tổ chức, những người yêu khoa học, và trẻ em.

Khám phá những điểm đến kỳ thú

Tổ chức UNESCO sử dụng Google Earth để đánh dấu và cung cấp thông tin với những hình ảnh 360 độ để bạn có thể chiêm ngưỡng 30 di sản văn hoá thế giới UNESCO.

Bạn có thể chạy Google Earth, rồi vào mục Tìm kiếm, nhập “UNESCO World Heritages” để tới mục này. Hãy chọn một di sản trong danh sách bên phải hoặc bấm vào giọt nước ở vị trí tương ứng trên bản đồ (nếu bạn biết vị trí di sản đó ở đâu) để bắt đầu tìm hiểu.

Chọn địa điểm ở danh sách bên trái hoặc bấm vào giọt nước màu đỏ trên bản đồ

Di chuyển con chuột để xem hình ảnh toàn cảnh của lâu đài Taj Mahal

Với Google Earth, phụ huynh có thể ngao du “năm châu bốn bể” cùng con cái của bạn, dẫn chúng đi khắp thế giới. Nếu bạn đã có chủ đích đến một nơi nào đó, thì hãy vào mục Tìm kiếm để chỉ ra địa điểm đó. Ví dụ như đưa trẻ ngắm hoa anh đào nở, dẫn chúng đi xem “tận mắt” Platform 9 3/4  của Harry Potter,...

Ngắm hoa anh đào nở ở Washington DC

Còn nếu như bạn chưa biết nên đi đến đâu, hãy nhấp chuột vào biểu tượng ô xúc xắc “Di chuyển đến vị trí bất kỳ” ở thanh công cụ bên trái màn hình, bạn và cả nhà có thể nhắm mắt lại và mở mắt ra để xem Google Earth đã đưa bạn tới vùng đất nào trên thế giới và cùng khám phá.

Với tính năng đo khoảng cách (bằng cách nhấp chuột vào biểu tượng cây thước ở thanh công cụ bên trái màn hình), trẻ em có thể tự trả lời những câu hỏi như “từ nhà bạn đến Hawaii là bao nhiêu km”, khám phá khoảng cách giữa các địa điểm, diện tích các khu vực, hay tìm hiểu xem mất bao lâu để đi bộ, nhảy boogie, bơi, chèo thuyền hoặc bay đến những địa điểm mà chúng hằng mơ ước.

Khám phá trò chơi và hình ảnh trên Google Earth Voyager

Tính năng Voyager (Lữ khách) là một tính năng hấp dẫn của Google Earth. Bạn chọn tính năng này bằng cách nhấp vào Voyager ở thanh công cụ bên trái màn hình.

Nếu như Google Earth như một lăng kính hiển thị đa dạng về hành tinh xanh của chúng ta, thì tính năng Google Earth Voyager như một “thư viện trái đất” sở hữu kho tài nguyên đồ sộ những chương trình giới thiệu các chuyến tham quan, trò chơi, câu đố và các lớp hướng dẫn đầy tính tương tác mang đến kiến thức sinh động của hành tinh Trái Đất.

Bạn là người yêu khoa học tự nhiên, bạn sẽ yêu thích  những câu chuyện về các lớp địa tầng (layers) của trái đất, lịch sử về những đợt sóng thần dữ dội nhất cùng các cơn bão nhiệt đới, câu chuyện 10.000 năm những ngọn núi lửa, rừng mưa nhiệt đới và các hồ kỳ lạ nhất trên thế giới, độ sâu của các đại dương và các điểm nhiệt độ của bề mặt trái đất.

Dưới dạng Trò chơi trắc nghiệm, Google Earth Voyager kích thích trí tò mò và khám phá khoa học tự nhiên của trẻ, thử thách kiến thức với các câu đố, từ sinh vật học với tiếng kêu của các loài động vật, đến nguồn gốc của loại thực phẩm trên thế giới; từ những phương tiện di chuyển trên thế giới; đến những câu đố về kiến thức bóng đá cho các ông bố, hay “bạn biết gì về các biểu tượng Rock ’n’ Roll?”…

Các đối tác giáo dục qua Google Earth

Google Earth là nguồn cung cấp những kiến thức địa lý và văn hóa hữu ích, trực quan, giúp nhiều thầy cô giáo trên thế giới truyền tải nội dung dễ dàng, tạo sự hào hứng khi tiếp thu kiến thức ở học sinh. Nhiều đối tác cung cấp các nguồn tài nguyên mang tính giáo dục miễn phí thông qua Google Earth. Học sinh có thể nâng cao kỹ năng địa lý của mình và lấy nguồn cảm hứng từ Tạp chí Địa lý Quốc gia National Geographic  (https://www.nationalgeographic.org/education/google-earth/). Nhấp chuột vào nút “Chia sẻ đến Google Classroom” để chia sẻ cho cả lớp bộ sưu tập video và giáo trình về các nhà thám hiểm thế giới của PBS Learning Media (https://www.pbslearningmedia.org/collection/pbs-world-explorers/).

Ngày Trái đất đã đi qua được hơn một tuần rồi, nhưng tìm hiểu thêm về hành tinh xanh của chúng ta thông qua Google Earth vẫn còn là một việc làm có ý nghĩa. Đặc biệt là trong những ngày nghỉ lễ, thay vì đi đó đi đây không đảm bảo an toàn trong mùa dịch thì du hành khắp thế giới bằng một chương trình sinh động, phong phú trên máy tính thực sự là một giải pháp thích hợp.

Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai cuối tuần - 03/05/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét