Trong 4 tháng qua, từ tháng 12-2019 đến tháng 4-2020, số lượng người
tạo và xem My Maps - một công cụ nhỏ nằm trong ứng dụng Google Maps - tăng vọt,
đã có thêm gần một tỷ lượt tạo mới, chỉnh sửa và lượt xem. So với cùng kỳ năm
ngoái, tăng từ 2 tỷ lên gần 3 tỷ. Vì sao có sự đột biến này?
My Maps (Bản đồ của tôi) là một công cụ nhỏ nằm trong ứng dụng
Google Maps, được Google cho ra đời từ năm 2007. Mục đích ban đầu của công cụ
này là giúp người dùng tạo nên những bản đồ của riêng mình dựa trên nền bản đồ
chính để ghi nhớ các địa điểm cần lui tới, nơi ở của những người thân quen. Trong
mùa dịch bệnh và tình trạng giãn cách xã hội khiến người ta nghĩ ra nhiều giải
pháp ứng dụng My Maps rất hiệu quả cho cộng đồng. Các cộng đồng đã sử dụng My
Maps để chia sẻ thông tin hữu ích, thông tin địa phương để giúp nhau phòng chống
lây lan COVID-19 tốt hơn, tìm đến nơi kiểm tra và điều trị dịch bệnh nhanh hơn,
hay biết được nơi hỗ trợ hiệu quả cho những người khó khăn về kinh tế…
Những bản đồ giúp mỗi chúng ta và cộng đồng an toàn hơn
Một bản đồ rõ ràng là hữu ích hơn nhiều so với một bảng danh
sách các địa điểm đơn thuần, nó giúp bạn nhìn thấy trực quan những điểm cần thiết,
vị trí tương đối của các điểm ấy với nhau và với vị trí hiện tại của bạn. Nếu đó
là bản đồ dựa trên nền Google Maps lại càng thuận tiện hơn nữa, vì bạn có thể xác
định đường đi từ vị trí của bạn đến đó (cùng với ước lượng thời gian và khoảng
cách).
Với My Maps, bất kỳ ai cũng có thể là người vẽ bản đồ. Mọi
người có thể nhập dữ liệu của riêng họ vào một bản đồ tùy chỉnh. Ví dụ như bạn
có thể tạo ra bản đồ cho thấy sự lây lan của COVID-19 trong thành phố hay bản
đồ chỉ ra nơi cần xét nghiệm coronavirus ở khu vực bạn cư ngụ.
Dưới đây là 2 ví dụ về việc ứng dụng My Maps để tạo nên các
bản đồ hữu ích cho cộng đồng:
Bản đồ các điểm hỗ trợ
thực phẩm và bữa ăn miễn phí ở Glasgow, Scotland do các tổ chức từ thiện ở đây
tạo nên.
Bản đồ thể hiện đường đi
của bệnh nhân nhiễm COVID-19 do CDC Đài Loan thực hiện
Bạn có thể tạo bản đồ của riêng mình
Mọi người chúng ta đều có thể tạo bản đồ của riêng mình tương
tự như các bản đồ trên bằng cách sử dụng My Maps trong Google Maps. Để thực hiện,
hãy mở Google Maps, nhấp vào Menu (biểu tượng 3 sọc ngang ở góc trên bên
trái) rồi chọn Địa điểm của tôi, xong rồi chọn Maps. Bảng Menu bên
trái sẽ hiện ra tên tất cả bản đồ mà bạn đã tạo hoặc được chia sẻ, ở dưới cùng
menu là nút Tạo bản đồ. Nhấp vào đây bạn sẽ tạo một bản đồ mới.
Việc tạo bạn đồ khá dễ dàng. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm
đến một địa điểm nào đó (cách tìm giống như tìm địa điểm trên Google Maps). Xác
định rằng có muốn đưa địa điểm đó vào bản đồ của riêng bạn hay không. Mỗi địa điểm
đưa vào bạn có thể: đặt tên cho địa điểm, chọn biểu tượng cho địa điểm (Google
có sẵn hàng ngàn biểu tượng để đặt như: văn phòng, bệnh viện, khách sạn, sân vận
động…), mô tả về địa điểm. Bạn cũng có thể tải lên những hình ảnh về địa điểm đó.
Bạn có thể yêu cầu Google vẽ đường đi từ địa điểm này đến địa điểm kia trên bản
đồ của mình (tương tự tính năng chỉ đường trên Google Maps). Ngoài ra bạn còn có
thể vẽ thêm những đường gấp khúc trên bản đồ để thể hiện những vùng, khu vực…
muốn nhấn mạnh.
Một tính năng cực kỳ hữu dụng của My Maps là tính năng chia
sẻ. Sau khi đã tạo và lưu bản đồ, bạn có thể chia sẻ nó. Có 3 tùy chọn chia
sẻ là: Chỉ riêng bạn (nghĩa là không chia sẻ), chia sẻ cho một số người nhất định
và công khai trên web (ai cũng có thể xem). Ứng với mỗi tùy chọn, bạn lại có thể
chọn một trong 2 phương án: chỉ cho xem hay cho phép sửa. Với tùy chọn chia sẻ
cho một số người nhất định và cho phép sửa bạn đã tạo nên một đội ngũ cùng tham
gia biên soạn để hoàn chỉnh bản đồ.
Một số ví dụ ứng dụng My Maps
Tất nhiên là ứng dụng My Maps không chỉ hữu hiệu cho phòng
chống COVID-19 như các ví dụ trên. Bạn có thể tìm thấy nhiều ứng dụng thú vị khác.
Dưới đây là ví dụ về một bản đồ vẽ vị trí các khu di tích lịch
sử đã được xếp hạng tại TP Hồ Chí Minh. Tác giả đã xác định vị trí các di tích
trên bản đồ, gán biểu tượng hình ngôi đền màu vàng cho các di tích cấp quốc gia,
biểu tượng giọt nước màu tím cho các di tích cấp thành phố. Khi người xem nhấp
vào địa điểm nào thì bên trái sẽ hiện ra các hình ảnh, thuyết minh về di tích đó.
Rõ ràng đây là công cụ để tìm hiểu về các di tích hữu hiệu hơn nhiều so với một
bảng liệt kê tên các di tích kèm theo địa chỉ.
Bản đồ tự tạo bằng My
Maps thể hiện các khu Di tích Lịch sử ở TP. Hồ Chí Minh
Ứng dụng tương tự ví dụ này, bạn có thể tạo ra bản đồ các điểm
tham quan du lịch tại Biên Hòa chia sẻ cho các chuyên gia du lịch với chức năng
cho phép sửa để họ bổ sung các điểm du lịch hoặc thuyết minh thêm về các điểm đã
có; chia sẻ công khai trên web để mọi người có thể qua đó đến tham quan du lịch
tại Biên Hòa.
Một ví dụ khác về ứng dụng My Maps: Giả sử bạn đang sở hữu một
trang trại hay khu vui chơi. Thường thì Google Maps chỉ thể hiện trên bản đồ đó
là một địa điểm, trong khi nó khá rộng lớn và là một phức hợp nhiều thành phần
như: vườn cây, ao cá, chổ nghỉ ngơi, hồ bơi… Bạn có thể tự mình dùng My Maps để
vẽ thêm các thành phần (dùng công cụ vẽ đường gấp khúc, đa giác trong My Maps)
kèm theo thuyết minh và hình ảnh, sau đó chia sẻ công khai để mọi người biết đến
trang trại hay khu vui chơi của bạn.
Google vừa kể câu chuyện về một ứng dụng rất dễ thương của
My Maps. Một nhóm các bà mẹ ở Brooklyn, New York xin hàng xóm của mình hãy dán
hình vẽ cầu vồng lên cửa sổ nhà mình để các em bé đi ngang qua có thể nhìn thấy.
Một trong số các bà mẹ ấy nảy ra ý tưởng tạo một bản đồ My Maps thể hiện vị trí
các nhà có hình cầu vồng trên cửa sổ. Bản đồ ấy được chia sẻ công khai, và mỗi
ngôi nhà vẽ cầu vồng lên cửa sổ đều tự mình điền thêm vị trí nhà của mình lên bản
đồ. Một người lại tự thiết kế biểu tượng hình cầu vồng để thay cho biểu tượng
khô khan đang có. Phong trào này lan tỏa mạnh và hiện nay người ta có “bản đồ cầu
vồng” trên toàn thế giới!
Những bản đồ đang mang mọi người đến gần với nhau hơn!
Bản đồ cầu vồng ở Brooklyn,
New York
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai cuối tuần - 10/05/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét