Trong những ngày đầu tháng 5, trên mạng lan truyền một đoạn video dài
26 phút mang tên Plandemic – một cái tên chơi chữ, ghép giữa plan (kế hoạch)
và pandemic (đại dịch) – có nội dung nói về thuyết âm mưu và đại dịch
COVID-19. Chỉ trong vài ngày, đoạn video này đã lan truyền… như virus. Riêng trên
Facebook, đã có tới 1,8 triệu lượt xem và 150.000 lượt chia sẻ.
Bộ phim Plandemic
Sự ra đời của video Plandemic
Plandemic là một video về thuyết âm mưu dài 26 phút được
phát hành vào tháng 5-2020, đưa ra hàng loạt thông tin sai lệch về đại dịch
COVID-19. Bộ phim do công ty Elevate của Mikki Willis ở California thực hiện. Các
nhà sản xuất video này nói rằng đây mới chỉ là trailer của bộ phim chính sẽ ra
mắt vào mùa hè năm nay. Nhân vật chính trong video là bà Judy Mikovits, một nhà
nghiên cứu y học đã trở thành nhà hoạt động chống vắc-xin.
Video lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền
thông xã hội, bao gồm Facebook, YouTube, Vimeo và Twitter thu hút hàng triệu lượt
xem, khiến các nhà khoa học đánh giá nó trở thành “một trong những thông tin
sai lệch phổ biến nhất về coronavirus”.
Tóm tắt nội dung
Video tuyên truyền theo thuyết âm mưu rằng vắc-xin là “một chiêu
thức kiếm tiền gây ra tác hại y tế”. Nó diễn ra dưới hình thức một cuộc phỏng
vấn giữa Willis và Mikovits, trong đó Mikovits đưa ra nhiều tuyên bố sai về
coronavirus và về tiểu sử gây tranh cãi của chính bà ta. Công cụ kiểm tra thực
tế PolitiFact đã nêu bật 8 điểm sai hoặc gây hiểu lầm được đưa ra trong video,
bao gồm:
- Mikovits nói rằng bà đã bị
bắt giam vì đã dám nói lên sự thật, dù không có bằng chứng kết tội. Thực sự
Mikovits đã bị tạm giam trong một thời gian ngắn sau khi bị buộc tội trộm
cắp từ chủ cũ của bà, Viện Peterson Whittemore.
- Rằng virus đã bị thao
túng. Một bài báo trên tạp chí Nature đã phân tích nguồn gốc có khả năng
và thấy rằng “Các phân tích của chúng tôi cho thấy rõ rằng SARS-CoV-2
không phải là một cấu trúc phòng thí nghiệm hoặc một loại virus bị thao
túng có chủ đích”.
- Rằng virus xảy ra từ
SARS-1 trong vòng một thập kỷ và điều này không phù hợp với nguyên nhân tự
nhiên. Điều này không chính xác: SARS-CoV-2 tương tự nhưng không được
truyền từ SARS-CoV (SARS-1), chỉ có độ tương tự di truyền 79%.
- Rằng các bệnh viện nhận
được “13.000 USD từ Medicare nếu xác định nguyên nhân chết là COVID-19”
khi bệnh nhân chết. Tuyên bố này được PolitiFact đánh giá là “một nửa đúng”,
số tiền là có nhưng được đưa ra để bàn thảo và không có bằng chứng rằng
điều này ảnh hưởng đến chẩn đoán và trên thực tế có bằng chứng cho thấy
COVID-19 được chẩn đoán đúng đắn.
- Rằng Hydroxychloroquine “có
hiệu quả chống lại các họ virus”. Tuyên bố này bắt nguồn từ nghiên cứu của
Didier Raoult, tuy nhiên nghiên cứu của trên đã thất bại trong việc chứng
minh bất kỳ lợi ích nào của việc dùng hydroxychloronique để điều trị
COVID-19, mặt khác việc dùng chất này còn làm tăng nguy cơ tử vong do tim.
- Rằng vắc-xin cúm làm tăng
36% khả năng mắc COVID-19. Tuyên bố này đã giải thích sai một bài báo đang
tranh cãi về mùa cúm 2017-2018, trước đại dịch COVID-19. Trong bài báo ấy
không hề có thông tin vắc-xin trị cúm mùa làm tăng khả năng mắc COVID-19.
- Rằng “nếu bạn đã từng tiêm
vắc-xin cúm, bạn đã bị tiêm vào người coronavirus”. Điều này cũng đã được chứng
minh, mũi tiêm phòng cúm không chứa coronavirus.
- Rằng “đeo khẩu trang sẽ
kích hoạt virus của chính bạn. Bạn bị bệnh từ chính coronavirus đã được
kích hoạt ngay trong khẩu trang của bạn”. Tuyên bố này không có bằng chứng
hỗ trợ. Khẩu trang đã được nhiều nước xác nhận là ngăn chặn sự lây truyền
virut trong không khí.
Mikovits cũng đề cập đến thuyết âm mưu liên quan đến Bill
Gates, bà cho rằng Gates liên quan đến việc tạo ra căn bệnh này để kiếm lợi từ việc
bán vắc-xin. Một số tuyên bố không có căn cứ khác được đưa ra trong video như:
các bãi biển vẫn nên mở như “vi khuẩn chữa bệnh trong nước mặn”; hay những “chuỗi
động tác” trên cát có thể “bảo vệ chống lại coronavirus”. Video cũng cho rằng
số người chết COVID-19 đang cố tình bị báo cáo sai trong nỗ lực kiểm soát con
người của các cơ quan chức năng.
Tiếp nhận của các chuyên gia
Các nhà khoa học, bác sĩ y khoa và các chuyên gia y tế công
cộng đã lên án bộ phim vì quảng cáo thông tin sai lệch và “một loạt các lý
thuyết âm mưu”. Bác sĩ và diễn viên Zubin Damania đã viết trong bài bình luận
của mình: “Đừng lãng phí thời gian của bạn để xem nó. Đừng lãng phí thời gian
của bạn để chia sẻ nó. Đừng lãng phí thời gian của bạn để nói về nó. Tôi không
thể tin rằng tôi lãng phí thời gian của mình làm điều này. Nhưng tôi chỉ muốn
ngừng nhận được tin nhắn về nó”.
Nhà báo khoa học Tara Haelle mô tả bộ phim là tuyên truyền,
và cho rằng bộ phim “đã cực kỳ thành công trong việc quảng bá thông tin sai
lệch” vì ba lý do:
(1) Nó “chạm vào sự không chắc chắn, lo lắng và cần câu trả
lời của mọi người”
(2) Nó được thực hiện rất chuyên nghiệp.
(3) Nó khai thác một cách hiệu quả các phương pháp thuyết
phục khác nhau, bao gồm việc sử dụng một người kể chuyện có vẻ đáng tin cậy và
thông cảm, lôi cuốn cảm xúc, đầy ắp sự kiện và hình ảnh khoa học không thể kiểm
chứng.
Judy Mikovits là ai?
Judy Mikovits
Mikovits tốt nghiệp tiến sĩ sinh hóa tại đại học George
Washington, có 22 năm làm việc cho Viện Ung thư Quốc gia. Bà đã rời bỏ công
việc đó vào năm 2001.
Năm 2009, Judy Mikovits đồng viết một bài báo nghiên cứu có
liên quan đến tình trạng bí ẩn được gọi là hội chứng mệt mỏi mãn tính với
retrovirus xuất phát từ chuột. Hàng ngàn bệnh nhân hy vọng được cứu giúp nhờ
nghiên cứu này. Chưa đầy hai năm sau, những hy vọng đó đã bị tan vỡ khi các
nghiên cứu tiếp theo thất bại trong việc lặp lại thí nghiệm. Tạp chí uy tín Science
đã phải rút lại bài báo. Các chuyên gia đã kết luận rằng nghiên cứu không chính
xác là do sự nhiễm bẩn các mẫu thí nghiệm và giả thuyết rằng virus có thể là
nguồn gốc của tình trạng vẫn còn bí ẩn. Nhưng Mikovits vẫn tin chắc rằng lý
thuyết của bà là đúng và tin rằng những bộ óc khoa học hàng đầu ở Mỹ đã âm mưu
hủy hoại sự nghiệp của bà.
Trong những năm sau khi nghiên cứu năm 2009 bị rút lại,
Mikovits bị sa thải. Sau đó bà được làm lãnh đạo một viện nghiên cứu tư nhân,
Viện Whittemore Peterson, chuyên tìm ra nguyên nhân của hội chứng mệt mỏi mãn
tính. Nhưng rồi bà bị chủ của đơn vị này kiện và bị bắt vì tội đánh cắp tài liệu.
Bây giờ, với bộ phim Plandemic bà lại cáo buộc các cơ sở
khoa học có âm mưu. Bà tuyên bố rằng các
bác sĩ và chuyên gia định hình chính sách công để đối phó với đại dịch COVID-19
đã bịt miệng những tiếng nói bất đồng và đánh lừa công chúng vì những lý do độc
ác, rằng những người giàu có cố tình truyền virus để tăng tỷ lệ tiêm chủng, rằng
việc đeo khẩu trang là có hại.
Facebook, YouTube ráo riết rút Plandemic khỏi nền tảng của
mình
Bộ phim gây tác động xấu đến mức các nền tảng truyền thông
xã hội như Facebook, YouTube và Vimeo vào ngày 7-5 đã loại bỏ nó khỏi các trang
web của họ. Facebook cho biết đoạn phim tài liệu đã vi phạm các chính sách của
hãng khi truyền bá những nội dung tiềm ẩn nguy cơ cao. YouTube đã đăng thông
báo: “Video này đã bị xóa vì vi phạm Nguyên tắc cộng đồng của YouTube”. Người
phát ngôn của Vimeo cho biết: “Đứng vững trong việc giữ cho nền tảng của chúng
tôi an toàn khỏi nội dung lan truyền thông tin sức khỏe có hại và gây hiểu lầm”.
Mikki Willis, nhà làm phim Plandemic, nói rằng anh ta không
có kế hoạch kháng cáo các video gỡ xuống, nhưng cho biết anh ta đang “thực hiện
một chiến lược để vượt qua những người gác cổng”. Trang web của bộ phim khuyến
khích mọi người tải xuống video và tự tải nó lên.
Loại bỏ hoàn toàn video là một thách thức lớn. Chẳng hạn hiện
nay vẫn có thể tìm thấy một vài biến thể của bộ phim trên YouTube. Không ít người
– cả ở nước ngoài lẫn Việt Nam – vẫn tin vào những luận điểm của bộ phim, tin rằng
Mikovits là một tài năng bị chèn ép vì dám nói ra sự thật, nên tiếp tục chia sẻ
những biến thể của bộ phim. Mong rằng mọi người trong chúng ta tỉnh táo để nhìn
nhận đúng sự việc này.
Phạm Hoài Nhân
(Tổng hợp từ các tư liệu nước ngoài)
(Tổng hợp từ các tư liệu nước ngoài)
Báo Đồng Nai cuối tuần - 17/05/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét