Ai trong chúng ta cũng đã từng xem qua ảnh GIF, hoặc hơn thế nữa, tạo
ra ảnh GIF, bởi vì GIF là một định dạng ảnh rất thông dụng trên web. Trên
Facebook Messenger, ngoài việc nhập tin nhắn bằng văn bản bình thường, đính kèm
ảnh… còn có một nút GIF để bạn nhập tin nhắn bằng ảnh GIF động – tức là ảnh GIF
dạng hoạt hình.
Ảnh GIF là gì?
Các file hình ảnh dùng trên máy tính thuở ban đầu được ghi
theo dạng từng điểm ảnh, gọi là bitmap, và gọi tắt là định dạng BMP. Kích thước
các file BMP rất lớn. Năm 1987, công ty CompuServe cho ra đời một định dạng mới
đặt tên là GIF – viết tắt từ Graphic Interchange Format (Định dạng trao đổi đồ
họa). Định dạng này vẫn ghi từng điểm ảnh, nhưng sử dụng giải thuật nén LZW, nhờ
đó kích thước file ảnh giảm đi rất nhiều. Ở thời điểm GIF ra đời, ảnh kỹ thuật
số chỉ đạt tối đa là 256 màu, do vậy định dạng GIF được tạo theo bảng màu này.
Một đặc điểm của định dạng GIF là một file ảnh có thể lưu
nhiều ảnh và khi hiện lên sẽ hiện lần lượt từng ảnh giống như ta lật từng trang
sách và có cảm giác như hình ảnh chuyển động. Những hình ảnh này xuất hiện theo
vòng lặp, hết ảnh cuối thì quay về ảnh đầu. Không được mượt mà như file video
nhưng file ảnh động này thuận tiện hơn nhiều vì không cần thêm bất cứ ứng dụng
nào để chạy.
Một đặc điểm nhỏ của GIF là trong 256 màu có thể có một màu được
đặt là trong suốt, nhờ đó khi đặt một ảnh GIF lên trên ảnh khác hay văn
bản thì tại những vị trí trong suốt ở ảnh GIF phần ảnh hay văn bản phía dưới vẫn
hiện ra.
Minh họa về màu trong suốt:
ảnh bên trái bên ngoài chú chim là màu trắng, khi ghép với ảnh khu rừng thì vùng
trắng che mất cảnh rừng, ảnh bên phải bên ngoài chú chim là trong suốt nên cảnh
rừng vẫn hiện ra
GIF ra đời trước World Wide Web. 5 năm sau khi WWW có bức ảnh
đầu tiên thì đó chính là một file GIF. Đó là lựa chọn hợp lý duy nhất vì tốc độ
đường truyền khi đó rất chậm và kích thước file GIF là nhỏ đáng kể giúp nó được
tải lên nhanh chóng.
Về sau, khi công nghệ thông tin phát triển, các ảnh kỹ thuật
số đạt 64.000 màu rồi 16 triệu màu giúp màu sắc trung thực hơn. Định dạng GIF với
256 màu không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên các ảnh 16 triệu màu có kích thước quá
lớn khiến cho dù có nén file đi nữa nó vẫn còn là file quá nặng nề. Người ta đưa
ra chuẩn nén JPEG. Theo phương pháp nén này file ảnh có thể nén nhỏ xuống vài
chục lần so với file gốc, nhưng bù lại là chất lượng ảnh suy giảm vì có nhiều điểm
trên ảnh bị chấp nhận làm nhòe màu để tăng độ nén. Hiện nay hầu hết các máy ảnh
kỹ thuật số, điện thoại thông minh đều sử dụng ảnh 16 triệu màu lưu dưới dạng nén
JPEG với file có phần đuôi là .JPG.
Như đã thấy ở trên, GIF ra đời ở thời buổi sơ khai của máy tính,
thậm chí khi đó web chưa ra đời, vì thế kỹ thuật của nó còn lạc hậu. Do đó, ngoài
JPEG là định dạng nén cao nhưng làm thất thoát dữ liệu, người ta tìm cách tạo ra
định dạng khác để thay thế GIF. File ảnh với định dạng PNG (Portable Network
Graphic) đáp ứng điều đó, và chấp nhận file tới 16 triệu màu. PNG ra đời năm
1996 và vài năm sau đó những người ủng hộ định dạng này tuyên bố khai tử GIF.
Thế nhưng từ đó đến nay đã hơn hai thập kỷ trôi qua, GIF vẫn tồn tại và giữ vai
trò thống trị trên web, nhất là đối với ảnh động, bởi vì ngoài GIF ra hiện nay
không có định dạng file ảnh nào hỗ trợ ảnh động tốt cả!
Giphy là gì?
Giphy là một cái tên chơi chữ, ngầm hiểu là GIF(y) tức là có
nhiều GIF. Đây là một kho file GIF, đặc biệt là GIF động, được tổ chức thành cơ
sở dữ liệu giúp người dùng có thể tìm kiếm các file GIF theo từng chủ đề hay từ
khóa tìm kiếm một cách dễ dàng. Đây là cơ sở dữ liệu mở, người dùng có thể đăng
nhập và đưa lên file GIF do mình tạo nên để làm phong phú thêm kho ảnh này.
Giphy do Alex Chung và Jace Cook thành lập vào tháng 2-2013.
Khi Chung và Cooke lần đầu tiên ra mắt Giphy, trang web này chỉ hoạt động như
một công cụ tìm kiếm file GIF. Theo Chung, trong tuần đầu tiên ra mắt Giphy đã
thu hút khoảng một triệu người dùng, tìm kiếm 300.000 hình ảnh.
Tháng 8-2013, Giphy mở rộng công cụ tìm kiếm để cho phép
người dùng đăng, nhúng và chia sẻ GIF trên Facebook. Đầu năm 2014, Giphy tích
hợp với Twitter để cho phép người dùng chia sẻ GIF bằng cách chia sẻ URL của
GIF.
Tháng 10-2016, Giphy công bố số liệu thống kê, rằng mỗi ngày
có 100 triệu người dùng hoạt động, phục vụ hơn 1 tỷ GIF và khách truy cập đã
xem hơn 2 triệu giờ nội dung GIF. Tháng 7-2017, Giphy tuyên bố rằng họ có 200
triệu người dùng hoạt động hàng ngày giữa cả API và trang web, với khoảng 250
triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên trang web.
Bạn có thể vào trang web của Giphy tại http://giphy.com.
Vào trang web giphy.com
và tìm kiếm các GIF động với chủ đề COVID-19
Vào đây bạn có thể tìm kiếm các ảnh GIF động theo chủ đề hoặc
xem lướt qua các ảnh động vừa được tải lên theo từng ngày. Đối với mỗi ảnh, bạn
có thể tải về máy để sử dụng, copy đường link để sử dụng vào những ứng dụng, nhúng
vào trang web khác…
Facebook đã mua đứt Giphy
Trước nay người dùng Facebook vẫn dễ dàng sử dụng kho ảnh của
Giphy. Thí dụ như khi đang dùng Messenger, người dùng có thể bấm vào nút GIF
để chọn các ảnh GIF phù hợp nội dung tin nhắn đang muốn chuyển tải. Điều đó
sở dĩ thực hiện được là vì Facebook (cùng nhiều công ty khác như Twitter…) đã sử
dụng API của Giphy, tất nhiên là theo một thỏa thuận nào đó của đôi bên mà người
dùng không cần biết.
Ngày 15-5 vừa qua, Facebook tuyên bố đã mua đứt Giphy với giá
400 triệu USD. Vishal Shah, phó giám đốc phụ trách sản phẩm của Facebook, cho
biết: Giphy sẽ gia nhập Facebook như một phần của nhóm Instagram. Trên thực
tế, 50% lưu lượng truy cập Giphy đến từ các ứng dụng Facebook, một nửa trong số
đó là từ Instagram. Facebook đã sử dụng API Giphy trong nhiều năm, không chỉ
trong Instagram, mà trong ứng dụng Facebook, Messenger và WhatsApp. Giphy sẽ
tiếp tục vận hành thư viện của mình (bao gồm cả bộ sưu tập nội dung toàn cầu)
và Facebook mong muốn đầu tư hơn nữa vào công nghệ và mối quan hệ với các đối
tác nội dung và API. Mọi người vẫn có thể tải lên GIF; các nhà phát triển và
đối tác API sẽ tiếp tục có quyền truy cập vào API Giphy; và người dùng vẫn có
thể tải ảnh GIF của mình lên kho của Giphy.
So sánh một cách đơn giản thì như thế này: Hồi nào tới giờ ông
chủ Facebook thuê mặt bằng của Giphy để kinh doanh một số mặt hàng và trả tiền
thuê hàng tháng. Nay ông quyết định mua đứt mặt bằng luôn để khỏi phải trả tiền
hàng tháng nữa.
Như vậy, việc Facebook mua đứt Giphy cho đến giờ chỉ có tác động
trên thượng tầng quan hệ giữa hai bên, còn đối với người dùng Facebook thì mọi
việc vẫn diễn ra bình thường như cũ. Đối với những người thường xuyên vào
website của Giphy cũng thế, không có gì thay đổi.
Có thể sau này với sự đầu tư của Facebook, Giphy sẽ có những
cải tiến tốt hơn nữa, còn bây giờ sự kiện trên chứng tỏ một điều: GIF chẳng những
không chết mà lại còn là định dạng ảnh không thể thiếu và luôn được ưa chuộng.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai cuối tuần - 24/05/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét