Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Công nghiệp nội dung số là gì?

Có lẽ không ít người khá ngỡ ngàng khi nghe nói đến khái niệm “công nghiệp nội dung số”. Điều này cũng phải thôi, vì khái niệm này chỉ mới xuất hiện khoảng mười năm gần đây. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện nay hầu hết chúng ta đều đang sống cùng nội dung số, sử dụng dịch vụ của các đơn vị cung cấp nội dung số. Vậy công nghiệp nội dung số là gì?

Công nghiệp nội dung số là gì?

Công nghiệp nội dung số (Digital Content Industry - DCI) là ngành công nghiệp sản xuất, cung cấp và phân phối các sản phẩm và nội dung thông tin số, gồm: Giáo trình, bài giảng, tài liệu dưới dạng điện tử; sách, báo, tạp chí dưới dạng số; các loại trò chơi điện tử; sản phẩm giải trí trên mạng viễn thông; thư viện số, kho dữ liệu số; phim, ảnh, nhạc, quảng cáo số…
(Nguồn: Nghị định 71/2007/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện một số điều Luật CNTT)

Từ chiếc smartphone của mình, bạn có vô số dịch vụ nội dung số


Nhà cung cấp dịch vụ nội dung số là những đơn vị đưa đến cho người dùng những nội dung số, chủ yếu thông qua mạng Internet.

Bạn xem phim trên YouTube? Bạn nghe nhạc trên Zing? Đấy là bạn sử dụng dịch vụ nội dung số.

Bạn nhắn tin qua Skype, Zalo…, bạn chat qua Yahoo? Đấy là bạn sử dụng dịch vụ nội dung số.

Bạn chơi một trò chơi điện tử? Bạn nhắn tin cho một trò chơi truyền hình? Con bạn thi Olympic tiếng Anh qua mạng? Đó cũng là sử dụng dịch vụ nội dung số.

Bạn xem báo điện tử? Bạn xem quảng cáo trên mạng? Bạn tìm kiếm tư liệu trên mạng? Lại là sử dụng dịch vụ nội dung số.

Chưa hết đâu, khi bạn post hình ảnh, video clip lên mạng thì lúc ấy bạn không chỉ sử dụng dịch vụ nội dung số mà bạn còn là người tạo nên nội dung số nữa! Tương tự như vậy, khi bạn tham gia mạng xã hội (như Facebook) thì toàn bộ những gì bạn đưa lên đó chính là góp phần tạo nên kho nội dung số đồ sộ của mạng xã hội ấy!

Như vậy có thể thấy chúng ta sống cùng nội dung số mọi lúc, mọi nơi với nhu cầu hầu như tăng lên mãi. Nền công nghiệp nội dung số cần phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu ấy.

Đặc điểm của công nghiệp nội dung số

Công nghiệp nội dung số được tích hợp từ rất nhiều ngành như viễn thông, phần cứng, phần mềm và truyền thông. Truyền thông là yếu tố giúp công nghiệp nội dung số tiếp cận với số đông, điển hình là các trò chơi trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, tư vấn trực tuyến… Từ đó sản phẩm nội dung số dễ dàng được người dân bình thường, không có nhiều kiến thức về máy tính tiếp nhận. Công nghiệp nội dung số gắn với ngành phần mềm bởi nội dung (dữ liệu, hình ảnh, âm thanh…) và phần mềm (cái chứa đựng nó) luôn có liên hệ chặt chẽ. 

Tuy nhiên, nội dung số cần khác phần mềm ở chỗ: hàm lượng nội dung và cách thể hiện của nó lớn hơn hàm lượng về thuật toán và công nghệ. Thí dụ, việc xây dựng một tờ báo điện tử thì phần mềm chỉ cần lúc ban đầu, không hoặc thay đổi ít, còn lại chủ yếu là việc thay đổi, cập nhật nội dung thông tin sau này. Hoặc là một trò chơi điện tử, thuật toán và kỹ thuật lập trình chỉ chiếm một khối lượng nhỏ so với kịch bản trò chơi, hình ảnh nhân vật, tình tiết, v.v…

Chính sách quốc gia về công nghiệp nội dung số

Đã từ khá sớm, Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển công nghiệp nội dung số, thể hiện bằng Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg ngày 3/5/2007 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010.

Theo Quyết định này, quan điểm của Nhà nước về công nghiệp nội dung số như sau:
Công nghiệp nội dung số là một ngành kinh tế mới, có nhiều tiềm năng phát triển, đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông tin và kinh tế tri thức, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà nước đặc biệt khuyến khích, ưu đãi đầu tư và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp này thành một ngành kinh tế trọng điểm.

Mục tiêu tổng quát được xác định là:

Phát triển công nghiệp nội dung số thành một ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp ngày càng nhiều cho GDP, tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận các sản phẩm nội dung thông tin số, thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành và phát triển xã hội thông tin và kinh tế tri thức.

Ngày 3/4/2009, Thủ tướng Chính phủ lại ra tiếp Quyết định 50/2009/QĐ-TTg về  “Quy chế quản lý Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam”, trong đó điều chỉnh thời hạn thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến hết năm 2010 thành đến hết năm 2012.

Tình hình phát triển công nghiệp nội dung số hiện nay

Game online, mảng dịch vụ nội dung số lớn nhất

Cuối tháng 3 vừa qua diễn ra hội thảo “Hiện trạng ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam và kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc” do Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam và Bộ Hành chính & An ninh công cộng Hàn Quốc phối hợp tổ chức tại Hà Nội và TPHCM. Tại hội thảo này, ông Nguyễn Minh Hồng, thứ trưởng Bộ TT & TT cho biết: công nghiệp nội dung số chiếm khoảng 10% tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin nhưng xét về tốc độ phát triển, đây là ngành có mức tăng trưởng rất ấn tượng, khoảng 20-40%/năm trong gần 10 năm qua. Riêng năm 2011, ngành này đã có mức doanh thu đạt trên 1 tỷ đô-la, thu hút sự tham gia của khoảng 500-600 doanh nghiệp với hơn 60.000 lao động.

Tuy nhiên, thông qua ý kiến của các doanh nghiệp công nghiệp nội dung số (VNG, Viettel, VTC…) trong hội thảo này, người ta thấy lộ ra những lo âu và khó khăn không nhỏ:

-      Tỷ lệ tăng trưởng của ngành giảm dần. Theo thống kê của Vụ CNTT, Bộ TT&TT, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số năm 2009 đạt 40%, sang năm 2010 giảm xuống còn 25% và năm 2011 tiếp tục tụt xuống 20%.
-      Tỷ trọng của công nghiệp nội dung số trong ngành công nghiệp CNTT còn khiêm tốn, doanh thu chưa đến 2 tỷ USD, trong khi doanh thu toàn ngành gần 25 tỷ USD. Hiện chưa có con số chính xác về doanh thu nội dung số năm 2012 nhưng dựa trên con số năm 2011 đạt khoảng 1,1 tỷ USD, dự kiến năm 2012 sẽ tăng trưởng một chút, đạt 1,3 - 1,5 tỷ USD. Đáng chú ý là công nghiệp nội dung số cần nhiều đến trí tuệ hơn là công nghệ cao như phần cứng, và có thể huy động nhiều người, nhiều lĩnh vực – vì thế đáng ra là tỷ lệ này phải cao hơn nhiều trong điều kiện Việt Nam mới hợp lý.
-      Nhân lực của ngành còn quá yếu và thiếu, không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khổng lồ của nước ngoài – đặc biệt là trong lĩnh vực game online. Theo ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc VNG, các doanh nghiệp nội dung số tham gia vào thị trường nhưng hàm lượng giá trị không cao, do khả năng nội tại về trình độ kỹ thuật và sức sáng tạo, Việt Nam thiếu cả chất và lượng.
-      Các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đều thừa nhận, họ đang bị khó khăn bởi những rào cản quản lý dẫn đến hạn chế cơ hội cạnh tranh rất lớn.

Việc thiếu nhân lực có trình độ cao dẫn tới những hệ quả đáng buồn như: bùng nổ những dịch vụ tin nhắn với nội dung nhảm nhí qua điện thoại, thậm chí là lừa đảo; báo điện tử phát triển dẫn đến những tin tức chất lượng kém cỏi, xào nấu thông tin…

Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 21/07/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét