Trong
những ngày qua, hàng loạt thông tin về tội phạm qua mạng Internet bị cơ quan
công an phát hiện và công bố.
Cá độ bóng đá qua
Internet
Nổi bật nhất là thông tin về việc triệt phá các đường dây cá
độ bóng đá qua Internet.
Như LĐĐN đã đưa tin trong tuần trước, ngày 3/7/2014 cục C45
và C50 đã thực hiện việc bắt khẩn cấp đối với 6 đối tượng tại TPHCM có hành vi
đánh bạc và tổ chức đánh bạc qua hệ thống M88 chuyên cá độ bóng đá. Đến thời
điểm bị triệt phá, đường dây đã có hàng ngàn người tham gia với số tiền lên đến
hơn 1.400 tỷ đồng.
Một trang web cá độ
bóng đá
Cùng ngày, ở Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã
hội Công an TP Hà Nội đã phối hợp các phòng nghiệp vụ, tiến hành xác minh làm
rõ vụ cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền giao dịch hơn 8 tỷ đồng. Ðây
là đường dây tổ chức cá độ liên tỉnh và Phòng PC45 đã xác lập chuyên án 119P,
do Ðại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội làm trưởng ban.
Ngày 4-7, C50 phối hợp Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt giữ
Võ Văn Nhân, 31 tuổi, ở tại 319/2 Bùi Thị Xuân, TP Huế. Thu hồi tài liệu trên
máy tính thể hiện từ tháng 2/2014 đến nay, Võ văn Nhân và đồng bọn đã tổ chức
đánh bạc với tổng số tiền là 37,7 triệu USD. Ðường dây đánh bạc này được tổ
chức dưới hình thức cá độ bóng đá có quy mô lớn, với 31 thành viên quản lý cấp
tổng quản lý, 216 cấp quản lý và hơn 2.000 con bạc tham gia, trong đó có 1.487
con bạc đang hoạt động với tổng số tiền đánh bạc qua mạng là 35 triệu USD.
Sáng 9.7, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết lúc 14 giờ ngày
8.7, tại khách sạn Nam Đạt (P.Bạch Đằng, TP.Hạ Long), Phòng Cảnh sát Điều tra
tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt
khẩn cấp một đối tượng về hành vi tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá
qua mạng Internet. Nghi can tên là Vũ Văn Trung, 34 tuổi, ở đường Nguyễn Bỉnh
Khiêm, TP.Móng Cái. Trước đó, qua điều tra ban đầu, Công an tỉnh xác định Trung
là đối tượng cầm đầu và đang thuê phòng 703 của khách sạn Nam Đạt để tổ chức cá
độ. Điều tra mở rộng, PC45 bắt tiếp 4 đối tượng tham gia tổ chức cá độ trong
đường dây này; gồm: Nguyễn Thế Anh, tức Long “mèo” (39 tuổi), ở P. Bãi Cháy,
TP.Hạ Long; Nguyễn Thành Tín (34 tuổi),
ở P.Ka Long, TP.Móng Cái; Nguyễn Viết Kiềm (29 tuổi), trú tại thôn An Biên, xã
Thủy An, H.Đông Triều và Nguyễn Sĩ Toan (26 tuổi), ở thôn Phù Lưu, xã Phù Linh,
H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.
Ở quy mô nhỏ hơn, hàng loạt vụ cá độ bóng đá khác, chủ yếu
qua mạng Internet trong mùa World Cup này đã bị công an phát hiện như: vụ cá độ
bóng đá ngày 5/7 tại huyện Châu Thành, Bến Tre, vụ cá độ bóng đá ngày 6/7 tại
huyện Tân Châu, Tây Ninh…
Theo Cơ quan điều tra
Bộ Công an, tính đến ngày 3-7, cơ quan chức năng đã duy trì ngăn chặn được hơn
1.400 website có địa chỉ IP tổ chức đánh bạc từ nước ngoài vào Việt Nam. Từ
ngày 12-6 đến nay, Bộ Công an đã ngăn chặn được hơn 1,8 triệu lượt truy cập vào
các website cá độ, đồng thời lưu giữ toàn bộ logfile để có biện pháp xử lý sau.
Cùng thời điểm này, gần 100 tài khoản làm trung gian nhận tiền, tổ chức đánh
bạc và hơn 1.000 tài khoản tham gia đánh bạc đã bị Bộ Công an chuyển cho Cục
Phòng chống rửa tiền để xử lý.
Tội phạm qua
smartphone
Vài tuần trước, vụ việc công ty Việt Hồng (Hà Nội) cài đặt
phần mềm nghe lén 14.000 thuê bao điện thoại gây xôn xao dư luận (LĐĐN đã đưa
tin). Vụ việc này chưa lắng xuống thì mới đây PC50 thuộc công an Hà Nội đã khởi
tố và bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1985), trưởng phòng kinh doanh
công ty cổ phần IMMC vì một hình thức tội phạm khác.
Nguyễn Tuấn Anh và công ty IMMC đã dùng phương thức như sau:
cài các lệnh và phần mềm ngầm vào hơn 300 ứng dụng trên “Chợ nội dung số mmoney.vn”. Khi người dùng smartphone truy cập vào
các ứng dụng này, những lệnh ngầm tự động gởi một tin nhắn đến các đầu số thu
phí, với mức 15.000 đ một tin nhắn. Thế là người dùng bị mất tiền oan.
Để thu hút người dùng vào xem và tải về, các đối tượng trên
đã câu khách bằng các hình ảnh hoặc video clip tươi mát với các người đẹp mặc
ít vải, các thân hình bốc lửa…
Đã có 800.000 người
bị móc túi vì chiêu thức này với số tiền lên đến trên 9 tỷ đồng!
Phía sau ứng dụng
Android mà bạn đang dùng có thể là một… Android ác quỷ
Điều nguy hiểm là ở chỗ này: với mỗi lần bị móc túi chỉ
khoảng 15.000 đồng, người dùng thường sẽ không để ý, nhưng với số lượng người
bị lừa khá lớn (trong trường hợp trên là 800.000 người) thì số tiền bị lừa đảo
lên đến tiền tỷ! Ngay cả khi người dùng khám phá ra mình bị trừ tiền oan thì
cũng không biết là mình bị móc túi từ những ứng dụng ấy mà cứ nghĩ là nhà mạng
tính cước sai, và sinh ra khiếu kiện với nhà mạng, trong khi tội phạm vẫn nhởn
nhơ hưởng lợi.
Theo các chuyên gia, ngoài trường hợp công ty IMMC đã bị
phát hiện, chắc chắn còn rất nhiều công ty hoặc cá nhân có hoạt động lừa đảo
tương tự như vậy nhưng chưa bị lộ. Vì thế người dùng cần hết sức đề cao cảnh
giác.
Tội phạm trên không
gian ảo rất nhiều
Việc cơ quan công an liên tiếp phát hiện và triệt phá các
mạng lưới tội phạm trên không gian ảo giúp người dùng tin tưởng vào khả năng
chống tội phạm của các đơn vị chức năng, nhưng cũng khiến mọi người chúng ta
phải tăng thêm phần cảnh giác.
Không thể phủ nhận sự cần thiết của mạng Internet, của
smartphone đối với đời sống của mọi người hiện nay, nhưng song song với những
tiện ích mà công nghệ đem lại là vô số những biến tướng muôn hình muôn vẻ của
chúng tạo thành tội phạm mà ta không lường hết được.
Đề cao cảnh giác, tăng cường hiểu biết cơ bản, phối hợp tốt
với các đơn vị chức năng là những điều cần thiết để chúng ta có thể sống tốt
trong một thế giới ảo đầy phức tạp này.
Thái Thư
LĐĐN - 14/07/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét