Cả tuần nay những người sử dụng Internet rơi vào tình trạng dở khóc dở
mếu vì tốc độ truy cập quá chậm. Nguyên nhân đã được xác định: tuyến cáp quang
biển AAG bị đứt vào khuya 15/9/2014.
Cáp quang biển bị đứt
và hệ lụy
Vào 23 giờ 41 phút ngày 15/9/2014, hệ thống cáp quang biển
quốc tế AAG (Asia America Gate Way) từ Việt Nam, hướng chủ yếu đi Hồng Kông,
Mỹ, đã xảy ra sự cố đứt đoạn S1I thuộc vùng biển gần Hồng Kông. Sự cố này khiến
lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác
trên tuyến này đều bị ảnh hưởng. Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tháng hệ thống
cáp quang này bị đứt, lần trước xảy ra vào tháng 7/2014 tại vùng biển gần Vũng
Tàu. Sự cố đứt cáp này gây sụt giảm khoảng 40% dung lượng băng thông Internet quốc
tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ của tất cả các nhà mạng tại Việt Nam đang khai
thác trên tuyến cáp này. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong
nước không bị ảnh hưởng.
Dự kiến là đến 6/10/2014 sự cố mới được khắc phục hoàn toàn.
Trong nửa tháng từ nay đến đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tạm thời
khắc phục bằng các hướng lưu lượng truy cập qua các tuyến khác, tuy nhiên tình
trạng tắc nghẽn vẫn xảy ra.
Có người phản đối, nói rằng: Tôi chỉ gửi mail từ Biên Hòa
đến TPHCM, thậm chí chỉ từ Biên Hòa đến Biên Hòa, nghĩa là không đi ra quốc tế,
không đi ngang vùng biển nào hết thế thì sao vẫn bị ảnh hưởng bởi việc đứt cáp
quang biển? Thư gửi đi và đến rất chậm.
Thật ra nếu bạn dùng địa chỉ Gmail tức là bạn đang dùng dịch
vụ của Google, mà các server của Google thường thì ở Mỹ. Vì thế một mail do bạn
gửi từ Biên Hòa đến Biên Hòa đi nữa nó cũng phải đánh một vòng sang tận… Mỹ rồi
mới quay về Biên Hòa, và chắc chắn bị ảnh hưởng bởi việc đứt cáp quang biển.
Tương tự như vậy là trường hợp của Facebook, hầu hết các
server của Facebook đều ở Mỹ, do đó mọi hoạt động trên Facebook của ta đều phải
thông qua các server này và bị chậm hẳn (thậm chí bị tê liệt) khi đứt cáp quang
biển.
Google và Facebook bị ảnh hưởng bởi sự cố thì gần như 80%
hoạt động của người dùng tại Việt Nam bị ảnh hưởng rồi!
Các công ty nước ngoài đóng tại Việt Nam thường trao đổi dữ
liệu qua hệ thống mạng với server đặt tại công ty mẹ ở nước ngoài cũng sẽ ảnh
hưởng trầm trọng bởi sự cố này. Một số công ty Việt Nam có server đặt ở nước
ngoài cũng thế. Đó là chưa kể khi hướng lưu lượng về các tuyến khác (trong
nước) hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng giống như kẹt xe trên các tuyến này,
khiến ngay cả truy cập các website trong nước cũng chậm!
AAG là gì?
Sơ đồ tuyến cáp quang
AAG
Tuyến cáp quang AAG (Asia America Gateway) là tuyến kết nối tiểu
vùng Đông Nam Á với Đài Loan, Hồng Kông rồi sang Mỹ. AAG được đưa vào sử dụng
từ 2009 với tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 500 triệu USD, chiều dài hơn 20.000 km.
Đây là tuyến đường truyền trọng yếu, chịu trách nhiệm 1 phần lớn băng thông của
Việt Nam tới Mỹ, nơi nhiều máy chủ của các dịch vụ phổ biến nhiều người dùng
như Google, Facebook toạ lạc nên khi tuyến cáp AAG xảy ra sự cố, kết nối của
người dùng tới các dịch vụ này bị ảnh hưởng gây nên sự khó chịu.
Theo VNPT, hệ thống cáp quang biển cập bờ tại Việt Nam có 3
tuyến:
- Tuyến cáp quang biển SMW-3 có tổng dung lượng hệ thống
320 Gbps nối liền Việt Nam với hơn 30 nước trên thế giới, trải dài từ Nhật Bản,
Hàn Quốc qua Trung Quốc, Đông Nam Á tới Châu Âu trong đó có một số nước, lãnh
thổ Việt Nam thường xuyên kết nối là Hong Kong, Singapore, Trung Quốc, Nhật
Bản. Tại Việt Nam, tuyến SMW-3 cập bờ tại Đà Nẵng.
- Tuyến cáp quang biển AAG là tuyến cáp đầu tiên kết nối
giữa Đông Nam Á và Hoa Kỳ, nối liền Việt Nam với các nước vùng lãnh thổ
Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kỳ. Cập bờ
tại Vũng Tàu, tuyến AAG có tổng dung lượng 29,5 Tbps và đang được tiếp tục mở
rộng.
- Tuyến cáp quang biển APG kết nối giữa các nước và vùng
lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là Trung Quốc, Hong Kong, Nhật
Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thailand, Việt Nam và Singapore. Tuyến APG
cập bờ Đà Nẵng với dung lượng thiết kế lên tới 43,8 Tbps.
AAG là tuyến quan trọng nhất, gánh gần 60% tổng dung lượng
truyền đi quốc tế.
Tại sao cáp quang lại
đứt?
Xin đứng nghĩ cáp quang biển được đặt trong 1 hệ thống ống
ngầm bao bọc kỹ càng. Với chiều dài tới hàng chục ngàn km, để tiết kiệm chi
phí, người ta chỉ gia cường cho cáp ở gần bờ thôi, còn ra ngoài khơi xa thì nó
rất mỏng manh. Về cơ bản, cáp ngầm biển thường chỉ là những sợi dây được đặt
nằm trần ngay trên nền cát dưới biển.
Khi vào gần bờ các tuyến cáp quang ngầm phải được gia cường
bởi thép bện và các lớp tăng cường khác là do càng vào gần bờ, mực nước càng
nông và các hoạt động hàng hải càng dày đặc thì khả năng tuyến cáp bị mỏ neo
của 1 con tàu nào hay các loại lưới rà đáy biển móc phải gây hư hại lại càng
lớn. Mỏ neo tàu bè cũng như các hoạt động đánh bắt cá của con người chính là
nguyên nhân gây ra tới 70% các vụ đứt cáp quang trên biển.
30% các vụ đứt cáp còn lại là do thiên tai và do cố ý phá
hoại của con người.
Làm sao ngăn ngừa
việc đứt cáp quang?
Khắc phục sự cố đứt
cáp quang biển. Ảnh: www.engadget.com
Nhìn chung hiện tại chưa có biện pháp nào thực sự khả thi để
ngăn chặn sự cố trên cáp quang biển. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện giờ là... đứt
thì nối.
Tuy nhiên chúng ta xét thử trường hợp của nước Nhật năm
2011, đó là năm Nhật Bản chịu tai họa sóng thần và hư hại tới 50% số tuyến cáp
quang ngầm. Thế nhưng nước Nhật vẫn duy trì thông tin bình thường. Tại sao vậy?
Tại vì nước này luôn có đường truyền và băng thông dự trữ,
chỉ cần 1/2 số tuyến cáp hoạt động là Nhật Bản đã có thể định tuyến lại lưu
lượng mạng của mình mà không sợ quá tải.
Như vậy muốn giải quyết tốt sự cố đứt cáp quang thì chúng ta
phải có thêm nhiều đường truyền dự phòng, để khi đứt cáp quang là chuyển ngay
sang các đường truyền dự trữ này trong khi chờ đợi nối cáp, người dùng sẽ khỏi
phải rơi vào tình trang mỏi mòn chờ đợi như hiện nay.
Nói thì dễ, nhưng muốn có thêm đường truyền thì… tiền đâu là
chuyện không dễ. Ngoài ra, có một thông tin đáng để chia sẻ: Theo các chuyên
gia ngành viễn thông Việt Nam, sở dĩ AAG được các ISP ở Việt Nam chọn thuê vì
có chi phí rẻ nhất, chỉ bằng 1/3 so với số các tuyến cáp quang biển hiện có
trong khu vực (nhờ vậy mà chi phí thuê bao Internet tại Việt Nam rẻ hơn so với
trong khu vực). Vì đây là tuyến cáp giá rẻ, nên nhà cung cấp AAG đã cắt giảm đi
những hoạt động dự phòng (tuyến cáp phụ, các đợt bảo trì, kiểm tra).
Thôi thì tiền nào của nấy. Cáp đứt thì nối. Là người dùng
Internet, ta cứ chờ vậy!
Thái Thư
LĐĐN - 29/09/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét