Trong ngày 31/8, hàng loạt các người đẹp nổi tiếng của làng giải trí
Anh Mỹ bị tung ảnh nóng lên một trang web đen. Đã có trên 100 ngôi sao trở
thành nạn nhân của scandal này. Sự việc đã gây chấn động Hollywood đồng thời
gây xôn xao dư luận trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Nổi tiếng nhất và cũng bị lộ nhiều ảnh nóng trong số này là
Jennifer Lawrence, nữ diễn viên 24 tuổi từng đoạt giải Oscar. Ngoài ra còn hàng
loạt ngôi sao khác như Kate Upton, Victoria Justice, Ariana Grande, Kirsten
Dunst, Mary Elizabeth Winstead, Krysten Ritter, Yvonne Strahovski, Teresa
Palmer.... Các bức ảnh và video clip này được phát tán nhanh chóng như một cơn
bão khiến các khổ chủ chết đứng!
Nữ diễn viên Jennifer
Lawrence
Các nạn nhân xác nhận rằng đó là các ảnh thật, nhưng là
những ảnh riêng tư do họ tự chụp và lưu trong điện thoại riêng của mình bằng
dịch vụ lưu trữ iCloud. iCloud là dịch vụ lưu trữ đám mây được sử dụng trên các
thiết bị như iPhone, iPad, máy Mac để lưu trữ dữ liệu, hình ảnh,... Bằng cách nào đó hacker đã xâm nhập iCloud và
kết xuất các thông tin nhạy cảm này ra.
Sự kiện này thu hút nhiều sự chú ý trong tuần qua. Cũng từ
đó hàng loạt vấn đề đáng suy ngẫm được đặt ra.
- Điện toán đám mây an toàn đến mức nào?
Vài năm gần đây, việc ứng dụng điện toán đám mây (cloud
computing) được đặc biệt khuyến khích. Theo đó, dữ liệu và cả các trình ứng
dụng của người dùng thay vì lưu trữ trên máy tính cá nhân sẽ được đưa lên mây,
tức là đưa lên mạng Internet. Điều này mang đến nhiều lợi ích như: không tốn
chỗ trên đĩa cứng máy tính cá nhân, nếu thiết bị cá nhân có bị sự cố như hư
hỏng, mất trộm thì dữ liệu vẫn được bảo toàn, có thể truy cập dữ liệu ở mọi nơi
bằng bất cứ thiết bị nào miễn là có tài khoản cá nhân và biết mật khẩu… Bên
cạnh đó, một mối lo được đặt ra dữ liệu được đặt trên Internet như vậy có bảo
mật được không?
Khi smartphone phát triển với nhiều tính năng như chụp ảnh,
quay phim và như một máy tính thì việc ứng dụng điện toán đám mây càng phát
triển hơn nữa vì thẻ nhớ smartphone có dung lượng nhỏ trong khi các dữ liệu có
dung lượng rất lớn. Hiện nay, việc lưu trữ thông tin của smartphone hầu hết đều
sử dụng điện toán đám mây.
Với sự cố nêu trên, dữ liệu riêng tư lưu trên iCloud đã bị
xâm nhập trái phép khiến nhiều người giật mình lo sợ. Apple đã giải thích rằng
cơ chế bảo mật của iCloud rất an toàn, hacker xâm nhập được chủ yếu là do người
dùng đặt password ở mức sơ sài, dễ đoán quá. Lời giải thích đó có thể là đúng,
nhưng trong một dây xích bảo mật chỉ cần
một mắt xích lỏng lẻo thì độ bảo mật của dây xích đó cũng lỏng lẻo theo. Vì
thế vấn đề bảo mật khi sử dụng điện toán đám mây cần được lưu tâm nhièu hơn
nữa, đặc biệt là về phía người dùng.
- Sự lan truyền nhanh chóng của thông tin xấu
Báo chí trong nước khi đăng thông tin nói trên đều có mức độ
cẩn trọng nhất định. Các hình ảnh tế nhị không được đăng hoặc nếu đăng để minh
họa thì đều được làm mờ các phần nhạy cảm. Các đường link đến những website
chứa những hình ảnh này đều không được giới thiệu.
Thế nhưng ngay lập tức khi thông tin này được phổ biến rất
nhiều người đã tò mò đi tìm để xem hình ảnh. Với các công cụ như Google quả
thật không khó lắm để tìm ra các website này. Thế rồi người này giới thiệu
đường link cho người kia, những hình ảnh sex ấy lan truyền như bão tố trên
mạng Internet.
Cần thấy rằng việc hacker đưa những hình ảnh sex của các
ngôi sao nữ lên mạng khi không được phép chủ nhân là một hành động vô đạo đức,
xâm phạm quyền riêng tư của con người, và đang bị lên án mạnh mẽ, thậm chí bị
truy tố trước pháp luật. Như vậy, việc ai đó xem và truyền bá thông tin này
cũng phải được xem là tiếp tay cho hành động vô đạo đức và có thể bị kết tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Chính vì thế, người dùng Internet cần suy xét để có một ứng
xử văn minh.
- Sự lợi dụng phát tán mã độc của tin tặc
Lợi dụng sự hiếu kỳ của người dùng đối với các thông tin
nhạy cảm, tin tặc đã tạo nên các website có hình ảnh được phát tán ấy và lồng
vào đó các mã độc, đồng thời tìm cách giới thiệu chúng trên mạng. Người dùng
khi nhấp vào các đường link ấy sẽ vô tình đưa mã độc vào máy tính của mình và
trở thành nạn nhân bởi sự tò mò của chính mình.
Hiếu kỳ và mất cảnh giác sẽ khiến người dùng tự mình gây nên
tai họa.
- Người dùng hay người bị dùng?
Một số nhà chuyên môn đang đặt ra vấn đề ở tầm cao hơn: Khi
sử dụng các thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại… thì chúng ta là người dùng (user) hay người bị dùng (used)?
Vấn đề này đã từng được đặt ra với Google và Facebook. Khi
chúng ta dùng Google để tìm kiếm thì Google đã sử dụng chính những hành vi tìm
kiếm của chúng ta để xác định thói quen, tâm lý của ta, từ đó suy ra thói quen,
tâm lý của đám đông để phục vụ cho các mục tiêu quảng cáo, tiếp thị, cùng các
nghiên cứu khác của họ. Facebook cũng thế, khi ta dùng Facebook cũng là lúc
chúng ta nói hết tất cả những điều về mình cho họ và Facebook dùng chúng ta như một công cụ để khảo
sát hành vi của cộng đồng.
Đối với các ngôi sao Hollywood nêu trên, họ dùng smartphone
như một công cụ để thỏa mãn chính mình bằng cách chụp ảnh, quay phim, nhưng
không ngờ họ trở thành người bị dùng khi
những hình ảnh riêng tư ấy rơi vào tay tin tặc.
Tóm lại, từ một sự kiện có rất nhiều vấn đề được đặt ra,
nhưng tựu trung lại có thể thấy một ý chung thế này: chúng ta đang sống trong
một thế giới mà hầu như điều gì cũng chịu ảnh hưởng của công nghệ thông tin,
với tư cách người dùng chúng ta cần hiểu về nó để có cách ứng xử phù hợp, không
bị rơi vào cạm bẫy đáng tiếc.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 08/09/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét