Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Facebook đối với người lãnh đạo

Vừa qua, trả lời phỏng vấn của báo VnExpress, thứ trưởng bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước không có tài khoản trên mạng xã hội, những trang đó đều là mạo danh, nội dung đăng tải không phải chính thống”.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh: vtc.vn


Những trang web mang tên lãnh đạo

Sở dĩ thứ trưởng Trương Minh Tuấn phải khẳng định như trên là vì hiện nay có rất nhiều trang web mang tên các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chúng có thể là trang Facebook, hoặc blog hoặc một trang web cá nhân, như trang web Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Đinh La Thăng… Ngay như trang Facebook của bộ trưởng Y tế mới giới thiệu thì đã có hàng chục trang Facebook giả mạo mang tên bà rồi.

Khi tìm kiếm trên mạng, người dùng dễ dàng tìm thấy các trang web này và nếu không cảnh giác sẽ tưởng rằng đó là các trang blog, Facebook của lãnh đạo thật và tin vào những điều được ghi trong đó.

Giả mạo lãnh đạo để làm gì?

Thật khó có thể xác định mục tiêu của các trang web giả danh này. Chúng còn tùy thuộc AI là người chủ của trang. Tuy nhiên có thể xem xét 2 mục tiêu chính:

-      Mục tiêu chính trị: nhằm tuyên truyền cho những ý tưởng nào đó, lợi dụng uy tín của người bị giả danh. Những tuyên truyền này có thể không có hại gì cho người bị giả danh, chỉ có điều họ bị lợi dụng danh nghĩa. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp nội dung trên trang được ẩn giấu ý đồ khéo léo sao cho người đọc đọc xong thì có nhận xét xấu về người viết – tức là người bị giả danh – nhằm triệt hạ uy tín của người bị giả danh.
-      Mục tiêu kinh doanh: thông thường trang web của những người nổi tiếng thì có nhiều người đọc. Facebook (và những mạng khác) có cơ chế đăng quảng cáo trên các trang được nhiều người đọc và chủ trang sẽ thu được tiền. Mượn danh một lãnh đạo sẽ thu hút người đọc dễ dàng thay vì để tên thật của chủ trang, không ai biết đến.

Làm sao biết trang web giả mạo?

Theo như lời thứ trưởng Trương Minh Tuấn thì hiện nay tất cả các trang web mang tên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều là giả mạo. Các trang ấy có thể cung cấp nhiều thông tin, nhưng người đọc khi xem phải có nhận định, cân nhắc kỹ vì không phải là thông tin nào cũng đúng. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói:

Tính chất đặc thù của mạng xã hội là xã hội ảo, không nên đặt vấn đề thật giả mà nên đặt vấn đề từ góc độ đúng hoặc trái pháp luật.

Để phân biệt đâu là trang giả mạo, cách đơn giản nhất là người sử dụng chỉ nên coi nguồn tin do người phát ngôn được chỉ định của cơ quan, tổ chức, hoặc thông tin được đưa lên trang điện tử chính thức của cơ quan, tổ chức đó, là thông tin chính thống. Còn lại, mạng xã hội là một trong những cách mà xã hội lan truyền, chia sẻ. Thông tin đó chỉ có tính tham khảo và người lan truyền thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Đặt lại câu hỏi: Lãnh đạo cần có trang Facebook hay không?

Trong trả lời phỏng vấn của mình với báo điện tử VnExpress, thứ trưởng bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn có nêu 2 ý chính:

  1. Việc đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội sẽ giúp thông tin được phổ biến nhanh hơn tới người nhận. Các cơ quan nhà nước nên sử dụng và tận dụng thế mạnh này của các mạng xã hội. Các đồng chí lãnh đạo có thể sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân gắn liền với trang thông tin điện tử của đơn vị chủ quản để đăng tải thông tin chính thống và trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân; đồng thời xem xét, tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong và ngoài nước bằng việc đưa các liên kết tới trang chính thống, nhưng chỉ xem đó như là một công cụ truyền thông, tránh phụ thuộc vào một mạng xã hội cụ thể nào.
  2. Cá nhân các đồng chí lãnh đạo có thể có trang Facebook riêng nhưng đó chỉ là một cách để giao tiếp bạn bè, người thân, chia sẻ cảm xúc của mình chứ không phải là kênh truyền thông chính thống. Bản thân thứ trưởng cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội và cũng có tài khoản Facebook riêng. Đó là kênh giao tiếp với bạn bè. Việc sử dụng mạng xã hội giúp ông giữ được mối quan hệ với bạn bè và người thân.
Trên thực tế, có lẽ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước chưa hề có trang Facebook như thứ trưởng Tuấn đã nói, tuy nhiên ở cấp bộ trưởng thì chí ít có trang Facebook của bộ trưởng Y tế Nguyễn thị Kim Tiến đã được giới thiệu công khai. Trang này được xem là kênh giao tiếp của bộ trưởng Y tế với người dân và trong thời gian qua ít nhiều đã phát huy tác dụng, tạo được sự gần gũi giữa bộ trưởng với dân.

Như đã nêu trên LĐĐN số trước, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng blog và mạng xã hội là những kênh giao tiếp rất cần thiết cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để giao tiếp một cách gần gũi hơn với đối tượng của mình (khách hàng, người dân) và có độ lan tỏa thông tin tốt hơn. Trên thế giới, hầu hết các doanh nghiệp đều có trang Facebook của mình, nhiều tổ chức và một số lãnh đạo cũng đã có trang Facebook.

Trang Facebook của tổng thống Mỹ Obama

Việc gì cũng có 2 mặt. Tính chất của mạng xã hội là kênh truyền thông không chính thống và có độ lan tỏa mạnh. Vì thế một khi có trang Facebook chính thức của mình thì các nhà lãnh đạo cũng phải hết sức cân nhắc khi đưa thông tin lên ấy để tránh những sai sót đáng tiếc. Có thể các vị ấy cần cả một ban tham mưu để hỗ trợ mình quản lý trang Facebook được tốt hơn. Đó cũng là một cách để hạn chế sự tác hại của các trang giả danh hay các thông tin xấu lan truyền trên mạng.

Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 23/03/2015

Box:

Trang Facebook cá nhân là trang của riêng một người, dùng để cập nhật và chia sẻ thông tin của người đó với những cá nhân (trang Facebook cá nhân khác). Chủ trang Facebook cá nhân có thể chọn kết bạn với những trang Facebook cá nhân khác. Việc kết bạn được thực hiện bằng sự đồng ý của hai bên.


Trang Facebook dành cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được gọi là fanpage, là nguồn cập nhật thông tin của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó với cộng đồng. Bạn không kết bạn với trang fanpage mà bạn chỉ bấm Thích trang fanpage đó, từ khi ấy mọi thông tin đưa lên Fanpage sẽ được đăng lên timeline của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét