Mạng xã hội Facebook là kênh giao tiếp và truyền thông hữu hiệu, là sân
chơi chung cho nhiều người. Tuy vậy, đây cũng chỉ là một công cụ công nghệ
thông tin, sử dụng công cụ ấy cho mục đích tốt hay xấu là do con người. Trong
bài này ta thử nhìn qua những mặt tối của Facebook.
Chốn lừa đảo
Dạng lừa đảo phổ biến nhất trên Facebook là dạng đánh vào
lòng tham của con người – và hậu quả là người bị lừa mất tiền thay vì được.
Tiêu biểu cho dạng này là trò lừa “Ông chú Viettel” đã được các nhà báo công
nghệ thông tin bình chọn là chiêu lừa phổ biến nhất trong năm 2014.
Đại khái trò lừa này như sau: Thủ phạm hack tài khoản của ai
đó rồi dùng tài khoản này đăng lên trang Facebook của bạn bè người ấy với nội
dung: Mình có ông chú làm ở Viettel mới tiết lộ bí mật rằng Nếu khách hàng nạp
thẻ cào điện thoại qua đây sẽ nhận được số tiền gấp 10 lần giá trị thẻ nạp…
Người nhận thông tin sẽ tin là thật và làm theo vì: 1. Người
nhắn là người quen. 2. Có ông chú làm ở Viettel chứng tỏ nguồn tin này đáng giá.
3. Tham số tiền được tăng lên 10 lần.
Sự thật thì số tiền đó sẽ chui vào tài khoản của thủ phạm.
Tên này cùng đồng bọn đã bị bắt hồi cuối năm 2014.
Một mẩu lừa theo kiểu
“Ông chú Viettel” và chân dung thủ phạm
Những chiêu trò khác đánh vào lòng tham như: thông báo bạn
đã trúng thưởng một số tiền lớn của công ty ABC nào đó, muốn nhận được phải ký
quỹ số tiền là…
Nói chung là nếu trên trang Facebook có ai đó nói bạn sẽ có
món tiền hay mối lợi nào đó, muốn nhận được phải làm thế này thế nọ thì hãy
nghi ngờ ngay. 99% đó là chiêu lừa đảo.
Phải thừa nhận rằng các đối tượng lừa đảo nghiên cứu tâm lý
người dùng rất kỹ. Sau khi các chiêu lừa đánh vào lòng tham đã cũ mòn rồi thì
chúng lại có một chiến lược khác: đánh vào cái sự sân si của con người. Chiêu
này mới xuất hiện độ gần tháng nay.
Hãy tưởng tượng trên trang Facebook của bạn bỗng xuất hiện
dòng tin thế này (giả sử bạn tên Nguyễn văn A nhé): Nguyễn văn A ăn ở như thế nào mà để người ta chửi như chó vậy? Vô đây
coi nè: [đường link]
Đọc xong bạn tức không? Tức chứ phải không? Và trong cơn
nóng giận bạn sẽ bấm ngay vô đường link kèm theo để coi ai chửi mình như chó,
tại sao chửi, và chửi như thế nào? Khi bấm vô đường link là dính bẫy rồi đó
bạn. Bước kế tiếp là một màn hình Facebook sẽ hiện ra yêu cầu bạn nhập lại tài
khoản và password để có thể xem được nội dung người ta chửi mình. Thật ra đó là
màn hình Facebook giả, và khi bạn nhập tài khoản cùng password cũng chính là
bạn đã khai báo thông tin đó cho hung thủ. Chúng sẽ lợi dụng tài khoản này để
làm nhiều điều xấu khó lường, trong đó điều chúng làm ngay là dùng chính tài
khoản đó để lập lại chiêu lừa trên trang Facebook những người bạn của bạn. Và cứ thế trò lừa
lan rộng ra.
Trò lừa này không cao siêu nhưng nó nguy hiểm ở chỗ thay vì
đánh vào lòng tham thì… chọc giận, khi giận thì người ta dễ bị mất khôn và sập
bẫy. Thêm nữa là đánh vào óc tò mò, những người thân hay ghét bạn khi thấy
thông tin này đều tò mò muốn biết tay Nguyễn văn A làm trò gì mà bị chửi như
vậy, họ bèn bấm thử vào đường link. Kết quả là không chỉ khổ chủ mà còn những
người khác sập bẫy nữa.
Một dạng thông dụng nữa là… lừa tình. Thông qua Facebook các
đối tượng lừa đảo giả vờ làm quen với những con mồi và sau đó ra chiêu lừa đảo.
Dạng tội phạm này đã được nói đến trên LĐĐN số ra ngày 10/03/2015 (http://laodongdongnai.vn/Xahoi/Nguoi-trong-cuoc/031254/lanh-trai-dang-vi-ket-ban-qua-mang.aspx).
Tóm lại là: tiền, tình, sĩ diện… kẻ lừa đảo tận dụng mọi thứ
để lừa trên thế giới ảo Facebook.
Cõi thị phi
Facebook là nơi mà ai
cũng có thể tham gia và gần như là nói điều gì cũng được (Facebook có nội quy
nhưng thật ra không thể nào kiểm soát hết được). Chính vì thế có những kẻ thản
nhiên buông lời thóa mạ, mạt sát người khác người khác bất kể đúng sai, bất kể
những phép tắc lịch sự tối thiểu cần có trong quan hệ xã hội.
Một căn bệnh khó chữa của đám đông trên Facebook là tâm lý
bầy đàn (nói chính xác là không chữa được vì đó là bản chất của cộng đồng mạng
và những người nắm được bản chất này tận dụng nó để làm công cụ truyền thông).
Khi có ai đó nêu lên một sự kiện (hay chỉ là một tấm ảnh) tạo được sự xúc động
(có thể là tức giận hay thương cảm) là cả đám đông hùa theo để mắng chửi, phê
phán (hoặc tỏ lòng xót thương) mà đa số hầu như chẳng biết rõ sự kiện đó đúng
sai thế nào. Trầm trọng hơn nữa, có nhiều người (được tặng biệt danh là “anh
hùng bàn phím”) rất lấy làm hả hê khi
được mạt sát người khác trên mạng (mà ở ngoài đời họ hầu như không có cơ hội).
Điều này làm cho nạn nhân chịu những tổn thương tâm lý rất nặng nề.
Ở một mức độ rộng hơn, có người tung tin thất thiệt trên
Facebook, nhiều người khác không chịu kiểm chứng, tin ngay và tiếp tay phát tán
tin ấy ra gây hoang mang trong xã hội. Trong năm 2014, vụ tung tin Việt Nam có
người nhiễm virus Ebola và tung tin có người thả rắn lục đuôi đỏ đã gây hoang
mang dư luận. Các thủ phạm tung tin trên đã bị công an xử lý.
Mẩu tin đồn có người nhiễm
virus Ebola
Một sự việc hết sức “trời ơi đất hỡi” vừa xảy ra tuần trước
càng chứng minh thêm tính nhiễu loạn của thông tin trên Facebook. Trên một
trang Facebook có người đăng một bức ảnh chụp sau lưng hai người chở nhau trên
xe máy, có thấy rõ bảng số xe, kèm theo nội dung thông tin: Nữ quái Hương mắt lồi đã trở lại. Các
trang mạng mô tả về “Hương mắt lồi” như sau: Những năm 2005-2010, tại TP.HCM xuất hiện một “nữ quái” chuyên dàn cảnh
cướp giật với thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người hoang mang. Nay, nữ quái này
đã “tái xuất giang hồ”. Đặc điểm nhận
dạng của người phụ nữ này là ngoài 20 tuổi, thân hình nhỏ, da đen, răng hô, đặc
biệt mắt lồi ra đáng sợ. Không ai biết họ tên chỉ nghe gọi tên Hương nên mang
danh “Hương mắt lồi”.
Bức ảnh cùng với mẩu
tin đồn về Hương mắt lồi khiến chủ chiếc xe khốn đốn
Thông tin này làm mọi người lo sợ. Có một số người đòi đi
tìm người đi xe có biển số như trong hình (được hiểu là Hương mắt lồi) để đập
cho một trận!
Thế nhưng theo Công an TPHCM thì từ xưa tới giờ… chưa hề có
tội phạm nào là Hương mắt lồi như mô tả của các trang mạng, thông tin trên là
hoàn toàn bịa đặt. Còn chiếc xe có bảng số được chụp hình là của một người phụ
nữ bình thường và hoàn toàn lương thiện. Những ngày qua, chị không dám lấy xe
đi đâu vì sợ… bị đập!
Facebook có những mặt sáng nhưng cũng có nhiều mặt tối.
Người sử dụng Facebook cần lưu ý những mặt tối này để có thể khai thác Facebook
tốt hơn.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 30/03/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét